Đội ngũ doanh nhân mong mỏi các cơ chế, chính sách hỗ trợ ổn định, có thời hạn phù hợp
(DNTO) - Sáng 12/10, Thủ tướng Chính phủ gặp mặt các doanh nhân nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10) để lắng nghe những mong muốn, nguyện vọng của cộng đồng doanh nhân Việt Nam.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam VCCI nhìn nhận, năm 2021 được đánh dấu bằng những khó khăn chưa từng có do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đối mặt với đứt gãy sản xuất, đứt gãy thị trường, đứt gãy dòng tiền và lao động. Tuy nhiên, giới doanh nhân Việt Nam vẫn vững niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ.
“Quá trình phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong điều kiện bình thường mới chắc chắn sẽ mất nhiều năm, vì vậy, các doanh nghiệp mong mỏi các cơ chế, chính sách hỗ trợ được ổn định và có thời hạn phù hợp”, ông Công cho hay.
Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghệ
Chia sẻ ý kiến trong hội nghị, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn CMC cho biết ngành công nghệ thông tin đã có nhiều đóng góp vào phòng, chống dịch và vẫn có tăng trưởng khá trong những tháng đầu năm 2021, vì vậy công nghệ và chuyển đổi số sẽ là xu thế trong thời gian hậu Covid-19.
Hiện Việt Nam đã có chiến lược quốc gia về chuyển đổi số, trở thành quốc gia mạnh về công nghệ thông tin. Đã có nhiều doanh nghiệp nước ngoài chọn Việt Nam là cứ điểm cung cấp công nghệ số toàn cầu như Samsung xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển. Vì vậy, ông Chính bày tỏ mong muốn mở cửa trở lại an toàn nhanh nhất có thể để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; giao các doanh nghiệp công nghệ thông tin trong nước đầu tư các dự án hạ tầng số quy mô lớn…
Ông Lê Đăng Dũng, Quyền Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) cũng cho rằng doanh nghiệp Việt Nam hiểu rằng không phải ai khác, mà chính họ là lực lượng chính đóng góp cho ngân sách Nhà nước, phát triển kinh tế đất nước, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và đóng góp cho việc kinh tế Việt Nam có tăng trưởng hay không, hình ảnh Việt Nam đến với thế giới thế nào.
“Với tất cả thế mạnh về công nghiệp hạ tầng, tài chính, công nghệ và con người, Viettel đã nỗ lực hết sức cùng Chính phủ, nhân dân thực hiện mục tiêu kép. Covid-19 buộc chúng ta phải chuyển đổi số nhanh hơn, quyết liệt chuyển đổi số y tế, giáo dục, giao thông, thương mại, xây dựng đô thị thông minh và Chính phủ số”, ông Dũng nhấn mạnh.
Quy định pháp luật về đất đai và nhà ở cần sớm cải cách
Chia sẻ tại buổi gặp mặt, bà Hương Trần Kiều Dung, Phó chủ tịch thường trực HĐQT FLC, Phó chủ tịch HĐQT Hãng Hàng không Bamboo Airways, Ủy viên Ban Thường vụ Hiệp hội Bất động sản Việt Nam mong muốn tinh thần chỉ đạo, các chủ trương, quyết sách của Chính phủ, Thủ tướng sớm đi vào thực tiễn thông qua các văn bản pháp luật, hệ thống pháp luật.
“Chúng tôi cũng rất mong các quy định pháp luật về đất đai và nhà ở, hai lĩnh vực vô cùng quan trọng cho cộng đồng doanh nghiệp bất động sản nói riêng, doanh nghiệp nói chung cũng như các địa phương, có thể phát huy tiềm năng, lợi thế, tiếp tục có những cơ sở vững chắc, tạo đà cho sự phát triển”, bà Dung nói.
Có những ưu tiên cho doanh nghiệp do nữ giới làm chủ
Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam cho biết, với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban ngành đã có các gói cứu trợ trực tiếp cho doanh nghiệp về thuế và tài chính, tín dụng, bảo hiểm xã hội… Tuy nhiên, hiện nay sự thụ hưởng của cộng đồng doanh nghiệp đang còn khiêm tốn, một trong những nguyên nhân là do khó khăn trong xác định đối tượng thụ hưởng, thời gian và quy trình.
Bà Minh kiến nghị trong các chiến lược quốc gia, thành phần sẽ đồng bộ với chiến lược quốc gia phát triển bền vững, ví dụ chiến lược quốc gia về bình đẳng giới có quy định tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ nhưng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội lại không có quy định này. Do đó, rất khó để đồng bộ trong chỉ đạo chung của Chính phủ cũng như sự phấn đấu của phụ nữ.
Bà Minh cũng kiến nghị đưa vào Luật Doanh nghiệp khái niệm doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, giống như các nước Anh, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc… để xác định được đối tượng nhằm thực hiện các gói hỗ trợ, các chương trình, dự án một cách tốt nhất, thiết thực nhất, giúp có các số liệu chính xác báo cáo trong các diễn đàn về thúc đẩy bình đẳng giới…
Đồng thời, Chính phủ nên tiếp tục có những gói hỗ trợ đặc thù cho doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ, doanh nghiệp sử dụng lao động người khuyết tật. Trước đó, UNDP khuyến nghị Chính phủ Việt Nam trích 5% GDP từ nay đến cuối năm để hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp tư nhân, bà Minh bày tỏ mong muốn Chính phủ quan tâm đến kiến nghị này.
Cần chính sách tài khóa ổn định
Ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hà, kiến nghị Chính phủ cần ổn định chính sách tài khoá, hỗ trợ doanh nghiệp có đủ vốn vượt qua khó khăn; nới lỏng điều kiện để doanh nghiệp được hỗ trợ bằng tiền thông qua gói tín dụng, phục hồi sau đại dịch. Chính sách tài khoá cần thực hiện có trọng tâm. Hỗ trợ đầu tư trong nước và thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc.
Vị này cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước điều hành lãi suất linh hoạt, chỉ đạo các ngân hàng thương mại cơ cấu lại thời hạn trả nợ, hoãn, giảm lãi suất đối với doanh nghiệp làm ăn thua lỗ. Đề xuất chênh lệch không quá 2,5% giữa lãi suất huy động, lượng vốn và lãi suất cho vay.
Ngoài ra, Chính phủ cần có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường mới, đào tạo lực lượng lao động để đáp ứng được yêu cầu trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế.
Phát biểu tại cuộc họp mặt, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ mong muốn đội ngũ các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân tiếp tục lớn mạnh, trưởng thành, đóng góp vào sự phát triển của đất nước; đồng thời Thủ tướng cũng cho biết sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến đóng góp, xây dựng, chia sẻ của cộng đồng doanh nghiệp với Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ, trên cơ sở đó, tiếp tục có chủ trương, chính sách hỗ trợ kịp thời, hiệu quả với cộng đồng doanh nghiệp.