Shark Vương: ‘Trong mùa dịch, có doanh nhân không kịp nghĩ đến kinh doanh vì tập trung hỗ trợ cộng đồng’
(DNTO) - Ông Trần Anh Vương, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thép Bắc Việt, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã có những chia sẻ tâm huyết về cộng đồng doanh nghiệp trước thềm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, trong chương trình Diễn đàn Chủ nhật do Ban Thời sự Đài Tiếng nói Việt Nam VOV1 tổ chức sáng 10/10.
Ông Trần Anh Vương, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cho biết, từ khi mở cửa thị trường đến nay, cộng đồng doanh nhân đã trải qua rất nhiều cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, các cuộc khủng hoảng lần trước đều có quy luật, có thể nhìn thấy vì sao kinh tế đi xuống nên thông qua đó có thể tìm ra chìa khóa để đi lên. Nhưng đại dịch Covid-19 không có quy luật nên việc tìm ra chìa khóa rất khó.
Cách đây 3-4 tháng, cơ bản đại dịch đã bước đầu được kiểm soát nhờ việc tăng cường vaccine, công cuộc khôi phục kinh tế ở ngay trước mắt. Tuy nhiên sau đó, không chỉ Việt Nam mà cả các cường quốc vaccine như Mỹ, Nhật cũng trải qua giai đoạn thảm khốc của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4. Vì vậy, các doanh nghiệp tiếp tục lâm vào tình trạng khó khăn, thể hiện qua mức GDP quý 3/2021 của Việt Nam giảm tới 6,17%, đây là tin đáng buồn cho các doanh nghiệp.
“Dịch Covid-19 thường đánh vào trung tâm kinh tế - chính trị mạnh nhất, có khả năng đưa kinh tế phát triển nhưng lại là nơi tập trung đông người, vì vậy ảnh hưởng của Covid-19 không chỉ trực tiếp đến người dân mà cả doanh nghiệp. Trong khi đó, việc khắc phục Covid-19 thể hiện rõ sự bối rối ở nhiều mặt, không những với lãnh đạo chính quyền mà còn ở nhiều lãnh đạo doanh nghiệp”, ông Vương chia sẻ.
Cũng theo vị doanh nhân này, khi khó khăn đến là lúc bộc lộ rõ nhất văn hóa, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Bình luận về thông tin Tập đoàn FPT công bố xây trường nuôi 1.000 trẻ mồ côi vì Covid-19, ông Trần Anh Vương cho biết, FPT không chỉ là một doanh nghiệp hoạt động lâu năm, có tiềm lực mạnh mà họ đã xây dựng được một văn hóa tốt, vì vậy trong đại dịch, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) được thể hiện đậm nét.
Nhìn rộng ra giới doanh nhân, theo ông Vương, đa phần các doanh nhân hiện nay đều xây dựng văn hóa, đạo đức kinh doanh, tuy nhiên do điều kiện, hoàn cảnh không cho phép nên trách nhiệm với xã hội buộc phải gác lại, nhường chỗ cho nỗi lo sản xuất, kinh doanh trước mắt.
“Trước đại dịch, những doanh nghiệp du lịch trong Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam hầu như không còn khả năng hoạt động. Tôi thường nói với mọi người rằng CSR tốt nhất là phải hướng tới nội bộ doanh nghiệp đầu tiên, tức là những người lao động trong chính doanh nghiệp, sau đó nếu có điều kiện thì hỗ trợ rộng hơn cho cộng đồng. Nhưng cơ bản doanh nghiệp phải sống khỏe mới có thể hỗ trợ cộng đồng”, ông Vương cho biết.
Với vai trò là một tổ chức tập hơn 10.000 doanh nhân trên cả nước, trong 3 tháng qua, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã huy động khoảng 100 tỷ đồng để triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp, xã hội. Trong đó nổi bật nhất là 11 chương trình ATM như ATM Oxy, ATM Túi thuốc cứu người, ATM Gạo, ATM F0 Chống dịch, ATM Hiến máu cứu người… hỗ trợ, giúp đỡ người dân TP.HCM và các tỉnh miền Nam.
“Do thời gian gấp rút nên chúng tôi chưa kịp xin phép chính quyền. Chúng tôi cứ làm dựa trên tất cả nguồn lực hiện có, vì doanh nghiệp tự tin có hệ thống quản trị tốt và có sự chung tay của cộng đồng doanh nhân trong Hội Doanh nhân trẻ.
Trong cả mùa dịch, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam Đặng Hồng Anh – một doanh nhân 8X không kịp nghĩ về hoạt động sản xuất kinh doanh của mình mà xông pha hỗ trợ cộng đồng, và cũng rất nhiều doanh nhân như vậy”, ông Vương chia sẻ.
Cũng theo vị Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, tư duy của cộng đồng doanh nhân trẻ là không những chỉ làm tốt công việc kinh doanh hiện tại, mà phải luôn có tinh thần chia sẻ, không chỉ là tiền bạc, mà là thời gian và tâm huyết để cùng chung tay với xã hội. Bởi khi đại dịch được khống chế càng sớm, hoạt động sản xuất, kinh doanh quay trở lại càng nhanh.
“Có những doanh nghiệp rất mạnh khỏe nhưng sự hỗ trợ cho xã hội, cộng đồng chưa tốt; ngược lại, có những doanh nghiệp tiềm lực không lớn, nhưng sự vào cuộc hỗ trợ cộng đồng rất lớn, có thể nói là đem hết khả năng của mình để hỗ trợ cho xã hội”, ông Vương chia sẻ.
“Đạo đức của doanh nghiệp tỏa ra bên ngoài là văn hóa của doanh nghiệp. Vì vậy có thể xem văn hóa là tinh hoa của đạo đức. Tất cả những gì doanh nghiệp đã làm trong thời gian vừa qua đã thể hiện điều đó. Doanh nghiệp lớn góp nhiều, doanh nghiệp nhỏ góp ít, không chỉ góp tiền bạc mà còn cả kinh nghiệm, cách làm, lời khuyên. Vì vậy, Chính phủ nên nắm rõ hơn tâm tư, nguyện vọng của các doanh nghiệp để có cú hích về cơ chế, chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn trong thời gian tới”, ông Lê Doãn Hợp – nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Đại diện Hiệp hội Phát triển văn hoá doanh nhân-doanh nghiệp Việt Nam cho hay.