Doanh nhân cũng trực chiến trên mọi 'mặt trận' của tuyến đầu chống dịch
(DNTO) - Đây là lời khẳng định của Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam - ông Đặng Hồng Anh khi cùng cộng đồng doanh nghiệp nhìn lại những ngày tháng dịch bệnh bùng phát vừa qua. Dù chịu ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch nhưng cộng đồng doanh nghiệp Việt vẫn nỗ lực thể hiện trách nhiệm xã hội, cộng đồng.
Vinh danh 10 doanh nhân truyền cảm hứng
Sáng nay, 10/10, Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn tổ chức lễ kỷ niệm 17 năm ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 – 13/10/2021) theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, chương trình cũng vinh danh Top 10 Doanh nhân truyền cảm hứng năm 2021.
Đây là 10 doanh nhân tiêu biểu trong thời gian qua đã nỗ lực vượt khó, chèo chống con thuyền doanh nghiệp vững vàng trước đại dịch, nhưng vẫn không bỏ qua trách nhiệm với cộng đồng. Nhiều doanh nhân đã dấn thân vào tâm dịch, bất chấp những nguy hiểm về sức khỏe để làm tròn trách nhiệm với cộng đồng, chung tay cùng chính quyền TP.HCM và Nhà nước bằng rất nhiều hình thức sáng tạo, nhiều mức độ đóng góp khác nhau.
Top 10 Doanh nhân truyền cảm hứng năm 2021 do Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn bình chọn
- Ông Đặng Hồng Anh – Phó chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Phó chủ tịch Tập đoàn TTC.
- Bà Lý Kim Chi – Chủ tịch Hội Lương thực – Thực phẩm, Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Đông Hiệp
- Bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch HĐQT/Tổng giám đốc PNJ
- Bà Lưu Thị Thanh Mẫu - Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang
- Ông Hoàng Tuấn Anh – Giám đốc Công ty Khóa điện tử PHGLock
- Ông Trần Ngọc Dũng - Chủ tịch HĐQT/Tổng giám đốc Công ty CP Dược phẩm An Thiên
- Ông Trịnh Tiến Dũng – Tổng giám đốc Công ty CP Cơ khí xây dựng Thương mại Đại Dũng
- Ông Nguyễn Trọng Hoàng – Phó giám đốc Công ty TNHH Bao bì Phúc Thịnh
- Ông Lê Hữu Nghĩa – Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, Tổng giám đốc Công ty TNHH TM-XD Lê Thành
- Ông Nguyễn Đình Trung – Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh
Chia sẻ tại chương trình, các doanh nhân đã cùng nhau nhìn lại khoảng thời gian 4 tháng lao đao vì dịch bệnh. Các biện pháp chống dịch liên tục được siết chặt, lần sau cao hơn lần trước khiến nhiều doanh nghiệp gục ngã. Tuy vậy, bất chấp khó khăn, không ít doanh nhân vẫn đương đầu với “bão”, lèo lái doanh nghiệp mình đi đến hôm nay. Không những thế, họ còn đóng góp sức và của vào công cuộc chống dịch của thành phố.
Những doanh nhân "tuyến đầu"
Thời gian qua, khi TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam chịu ảnh hưởng nặng nề từ đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư với biến chủng Delta, hệ thống y tế và an sinh gặp vô vàn khó khăn, thách thức trước nay chưa từng có. Doanh nghiệp và người làm kinh doanh cũng không đứng ngoài những thiệt hại do đại dịch mang lại, nhưng không vì thế mà các doanh nhân gác lại trách nhiệm cộng đồng của mình.
Minh chứng là thời gian qua, không ít những chương trình ý nghĩa, những phần quà thiết thực liên tục được trao gửi đến tuyến đầu, những hoàn cảnh khó khăn, biết bao mạng người được cứu sống. Các doanh nhân gác lại bộ vest tinh tươm, khoác lên mình bộ đồ bảo hộ kín mít, xông thẳng vào những vùng "đỏ" nhất để hỗ trợ thành phố, hỗ trợ bà con vững tâm thắng dịch.
Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam Đặng Hồng Anh nhớ lại những hoạt động liên tục của Hội trong thời gian qua: "Chúng tôi triển khai rất nhiều chương trình hỗ trợ không chỉ cho TP.HCM mà còn các tỉnh thành có dịch khác. Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam chúng tôi có lợi thế về sức trẻ, gần như trực chiến mọi mặt trận tuyến đầu, nhờ vậy mà nảy sinh nhiều chương trình ATM ý nghĩa.
Kỷ niệm sâu sắc nhất là lúc dịch bệnh bước vào giai đoạn vô cùng căng thẳng, khi đó chúng tôi đang triển khai chương trình ATM Oxy. Lúc đó Hoàng Tuấn Anh (Giám đốc PHGLock, Ủy viên Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam) gọi cho tôi, nói là đang rất thiếu bình chứa oxy. Tôi lập ngay một nhóm họp trực tuyến mời lãnh đạo Hội các tỉnh thành tham gia và bàn phương án giải quyết. Và chỉ trong một thời gian ngắn đã huy động được một lượng lớn bình chứa oxy phục vụ tiếp tế cho công tác cứu chữa bệnh nhân F0".
"Phải có những lúc như thế mới thấy được tinh thần dấn thân của doanh nhân, nhất là các doanh nhân trẻ, lớn đến thế nào. Chúng tôi bàn đến mọi phương án, vay, mua bình oxy, thậm chí liên hệ đến các doanh nghiệp gần biên giới để sẵn sàng mua thêm bình từ nước bạn bất cứ khi nào. Lúc đó, các doanh nhân chúng tôi gần như đã kết thành 1 khối với tinh thần chung. Vậy là chỉ trong vài ngày, chúng tôi đã kết nối được lượng bình lớn cho chương trình ATM Oxy, hỗ trợ cho hơn 40.000 F0 tại TP.HCM và 20.000 F0 khác tại các tỉnh lân cận, cứu được rất nhiều người", ông Đặng Hồng Anh chia sẻ.
Đồng tình với ông Hồng Anh, bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc PNJ nói chưa bao giờ doanh nghiệp khó khăn thế này: "Khi TP.HCM phải ngưng các hoạt động, mọi thứ như đang diễn ra trong thời chiến. Có những lúc tôi rơi nước mắt khi thấy sự vững vàng, đoàn kết của cộng đồng doanh nhân, không ai nghĩ đến lợi ích riêng nữa.
Tôi tham gia trong nhiều hội, đoàn và tất cả anh em doanh nhân chúng tôi lúc này không nói về chuyện kinh doanh lời lỗ nữa. Khi gặp nhau, chúng tôi lại hỏi nhau làm sao để thực hiện các chương trình cộng đồng, hỗ trợ người dân. Những lúc nghĩ lại, tôi khóc vì xúc động trước cái tình của người Việt, cái tình của doanh nhân".
Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình triển khai các chương trình cộng đồng, ông Đặng Hồng Anh cho biết việc triển khai hàng loạt mô hình ATM đã khó khăn, nhưng duy trì các chương trình này một cách liên tục và hiện thực hóa nó lại là một thách thức rất lớn. "Thực tế là đến bây giờ, các chương trình ATM đang được triển khai rất tốt. May mắn là Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam có nhiều hội viên rất nhiệt huyết, đặc biệt là các anh chị Doanh nhân Sao Đỏ hỗ trợ rất nhiệt tình. Tuy vậy cũng không ít trở ngại do dịch bệnh ảnh hưởng, ngay tại chương trình ATM Oxy đã có 33 bạn tình nguyện viên nhiễm Covid-19, đội ATM Nhân lực tiêm vaccine cũng gần 10 bạn bị nhiễm".
Là lãnh đạo một tập đoàn lớn, ông Đặng Hồng Anh vẫn xông pha khắp mọi mặt trận, từ bệnh viện dã chiến đến các khu vực nguy cơ. "Bản thân là chủ tịch, mình không xung phong thì làm sao hun đúc tinh thần cho nhân viên được, tôi xem các hoạt động xã hội trong giai đoạn này như sứ mệnh của mình, của một doanh nhân. Không phân biệt là doanh nghiệp nào, chỉ cần giúp được cho đất nước, giúp được cho nhân dân, chúng tôi luôn sẵn sàng", ông Hồng Anh chia sẻ.
Ông Hồng Anh khẳng định, sau đại dịch này nhiều doanh nhân sẽ thay đổi quan niệm sống, không phải lúc nào cũng chỉ chú tâm đến công việc và làm "nô lệ cho đồng tiền". Họ sẽ quan tâm đến sức khỏe, gia đình, họ sẽ cởi mở hơn và chú trọng đến các công tác thiện nguyện. "Tôi có những người bạn sở hữu doanh nghiệp lên đến vài trăm tỷ, họ tâm sự tiền nhiều đến mấy nhưng đến lúc bệnh tìm một chiếc xe cấp cứu không có, lúc đó tiền là vô nghĩa rồi", Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam trải lòng.