Doanh nghiệp đồng lòng cùng người trẻ hỗ trợ người yếu thế nơi đảo xa
(DNTO) - Mới đây, Tỉnh Đoàn Bình Phước cùng Nhóm khám bệnh nhân đạo Trái tim nhỏ (TP. HCM), và hàng chục doanh nghiệp, nhà hảo tâm vừa tổ chức hành trình thiện nguyện trị giá gần 200 triệu đồng tại đảo Nam Du, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang.
Tại hành trình, trong khuôn viên trường Tiểu học An Sơn, 379 người dân khó khăn tại Nam Du đã được các y, bác sĩ Sài thành vượt gần 300 cây số đến tận tình thăm khám, tư vấn sức khỏe. Những trường hợp bệnh thuộc các chuyên khoa sâu hoặc cần can thiệp của bác sĩ chuyên khoa đều được các y, bác sĩ tư vấn khám đúng chuyên khoa để được điều trị sớm.
Ngoài ra, 310 phần quà (300.000 đồng/phần) gồm các nhu yếu phẩm thiết yếu đã được trao cho người dân khó khăn và 110 suất quà (300.000 đồng/ suất) gồm các dụng cụ học tập và 50.000 đồng tiền mặt được tặng cho các em học sinh vượt khó học tốt của trường Tiểu học An Sơn.
Theo Bác sĩ Nguyễn Dương Minh Tân, Phó trưởng nhóm khám bệnh nhân đạo "Trái tim nhỏ", đây là hoạt động khám bệnh nhân đạo đầy thiết thực lần thứ 53 của nhóm, rất có ý nghĩa đối với các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện tiếp xúc với dịch vụ y tế. Anh nói thêm, vào tối 18/3, nhóm đã cùng Tỉnh Đoàn Bình Phước tổ chức đêm nhạc thiện nguyện “Tình biển đảo” tại TP. HCM để vận động một phần kinh phí tổ chức hành trình này.
Bên cạnh đó, chương trình giao lưu “Biển đảo yêu thương”, do Tỉnh Đoàn Bình Phước phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang và nhóm khám bệnh nhân đạo "Trái tim nhỏ" đã được tổ chức tại Đồn biên phòng Nam Du.
Gần 50 cán bộ, chiến sĩ biên phòng, giáo viên, học sinh và thanh niên địa phương đã cùng giao lưu với nhà văn “viết chỉ bằng một ngón tay” Trần Trà My, và người bạn đồng hành như thường lệ của chị - Bí thư Tỉnh Đoàn Bình Phước Trần Quốc Duy, cán bộ Đoàn tiêu biểu trong các hoạt động xã hội, qua đó lan tỏa sự lạc quan, ý chí vượt khó, khát vọng sống có ích và niềm tin vào những điều tử tế.
Sinh ra tại Đông Hà (Quảng Trị), lúc 3 tháng tuổi, trên người chị My bỗng nổi những chấm li ti. Sau khi được điều trị tại bệnh viện, đôi chân của chị không thể đi lại được, đôi tay yếu dần, chỉ duy nhất một ngón tay có thể cử động bình thường. Chưa một lần được đến trường, sống quanh quẩn ở nhà nhưng chị không đầu hàng số phận.
Năm 16 tuổi, chị My đã dũng cảm đứng lên, tập đi, tập viết, tập dùng đôi chân và đôi tay; làm quen dần với máy tính rồi bắt đầu viết nên những cảm xúc, suy nghĩ, chuyện ngắn, tản văn...
Năm 2007, chị vào Sài Gòn lập nghiệp với nhiều nghề: viết văn, viết báo và làm truyền thông. Dẫu giọng nói khó nghe và đi lại rất khó khăn với chiếc khung xe 4 chân, chị My vẫn liên tục trải nghiệm thực tế ở nhiều nơi, quay về nhà, miệt mài viết lách, đưa cả thế giới vào từng trang sách và “khai sinh” 4 tập sách ấn tượng: Giấc mơ đôi chân thiên thần (2009), Chúng ta chính là mùa xuân (2010), Yêu trên từng ngón tay (2013) và Tin vào điều tử tế (2018).
Hiện chị My đang tích cực cùng anh Duy lan tỏa điều thiện lành qua việc giới thiệu quyển sách “Tin vào điều tử tế” đến cộng đồng, xã hội; đi mọi nơi để lắng nghe, chia sẻ với những người xung quanh, đặc biệt là những phạm nhân trong các trại giam và người yếu thế...
Nhắn gửi với người trẻ tại buổi giao lưu, chị My mong thanh niên cần cố gắng mỗi ngày, dần hoàn thiện chính mình, góp sức xây dựng quê hương; luôn chung tay bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp tại quần đảo Nam Du để nơi đây trở thành một điểm đến vô cùng hấp dẫn và luôn xứng đáng là “Vịnh Hạ Long thứ hai” của Việt Nam theo cách gọi của nhiều du khách, qua đó góp phần phát triển du lịch tại địa phương, ổn định cuộc sống dân đảo.
Theo chị, mỗi bạn trẻ cần yêu thiên nhiên, gìn giữ vẻ đẹp của đảo bằng cả trái tim mình. Dịp này, chị My đã tặng 5 quyển sách “Tin vào điều tử tế” cho Đồn biên phòng Nam Du.
Nhân đây, anh Duy đã gửi lời chúc sinh nhật Đoàn đến người trẻ Nam Du, chia sẻ khó khăn và động viên những người lính biên phòng đang “gồng mình” chặn dịch. Qua những san sẻ về trải nghiệm của mình trong hàng chục chuyến học tập, giao lưu quốc tế ở các nước, anh Duy đã định hướng cho người trẻ cách đặt ra lộ trình phấn đấu và mong muốn các bạn trẻ luôn năng động, hiếu học, sáng tạo, vượt khó, sớm gặt hái nhiều thành công trong tương lai, trở thành trụ cột của nước nhà, sánh vai với bạn bè quốc tế.
Tại hành trình lần này diễn ra vào ngày 27, 28/3, đoàn thiện nguyện đã cử đại diện trao quà trị giá 5 triệu đồng cho Đồn biên phòng Nam Du và đến tận 3 hộ gia đình đặc biệt khó khăn, có người thân mắc bệnh hiểm nghèo tại địa phương để thăm hỏi, động viên, tặng sách “Tin vào điều tử tế” và 1 triệu đồng/ hộ gồm: ông Nguyễn Văn Ân, bà Bùi Thị Huê, ông Lê Mười Hai và gửi học bổng trị giá 1 triệu đồng để hỗ trợ học sinh vượt khó Nguyễn Toàn Thắng mồ côi cả cha lẫn mẹ.
Được biết, với diện tích khoảng 1.054 hecta, Nam Du là quần đảo xa nhất thuộc huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang. Quần đảo này có 21 hòn đảo lớn nhỏ; trong đó, 11 hòn đảo có cư dân sinh sống và 2 xã đảo: An Sơn và Nam Du là nơi tập trung đông dân cư.
Hiện tại, việc phát triển du lịch tại Nam Du đã giúp người dân trên đảo tăng thu nhập, nâng cao đời sống. Hệ thống giao thông trên đảo ngày một tốt hơn, giúp việc đi lại thêm thuận tiện. Nhiều hộ dân đã chuyển hẳn sang kinh doanh các dịch vụ du lịch, ngày càng đáp ứng nhu cầu của du khách. Tuy vậy, không ít người dân tại đây vẫn còn gặp khá nhiều khó khăn trong cuộc sống vì phụ thuộc vào nghề khai thác và nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt, trong những mùa dịch, ngành du lịch tại địa phương đã bị ảnh hưởng nặng nề.