Doanh nghiệp đã 'dễ thở' hơn với gánh nặng trả nợ trái phiếu
(DNTO) - Sự ra đời của Nghị định số 08/2023/NĐ-CP cho thấy doanh nghiệp phần nào sẽ dễ thở hơn với gánh nặng trả nợ trái phiếu doanh nghiệp, đồng thời là cơ sở để thị trường trái phiếu có thể hồi sinh trở lại.
Chính phủ vừa ban hành nghị định Nghị định số 08/2023/NĐ-CP có sửa đổi, bổ sung một số quy định tại các nghị định trước đó về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Theo đó, có một số nội dung thay đổi chính như sau.
Trường hợp doanh nghiệp không thể thanh toán đầy đủ, đúng hạn nợ gốc, lãi trái phiếu bằng tiền như đã cam kết trước đó thì có thể thanh toán bằng tài sản khác theo các nguyên tắc như tuân thủ theo quy định pháp luật liên quan, được các trái chủ đồng ý và chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình trạng pháp lý của tài sản sử dụng.
Nghị định số 08/2023/NĐ-CP cũng cho phép doanh nghiệp được kéo dài kỳ hạn của trái phiếu trong trường hợp được sự đồng ý của nhà đầu tư, tuy nhiên thời gian tối đa không quá 2 năm so với kỳ hạn đã công bố.
Cùng đó, các quy định về xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân, việc xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp cũng sẽ ngưng hiệu lực thi hành đến ngày 31/12/2023.
Như vậy, với sự ra đời của nghị định Nghị định số 08/2023/NĐ-CP, một số quy định liên quan đến hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã có phần dễ dàng hơn với nhiều doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có thêm thời gian thích nghi với luật quy định tốt hơn. Áp lực mua lại trước hạn cũng như lượng trái phiếu đáo hạn tập trung chủ yếu từ năm 2023-2025 nhưng giờ đã được giãn ra giúp doanh nghiệp có điều kiện để xoay sở và chuẩn bị.
Thống kê cho thấy, năm 2023, áp lực khá lớn với thị trường trái phiếu khi có 205 ngàn tỷ đồng đến kỳ đáo hạn, trong đó 104 ngàn tỷ đồng trái phiếu đến các doanh nghiệp bất động sản.
Thống kê từ HNX, từ ngày 16/9/2022 đến ngày 31/1/2023, có tơi 54 doanh nghiệp chậm thanh toán lãi trái phiếu doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp bất động sản chiếm hơn 50% trong danh sách này, theo sau là các doanh nghiệp ngành năng lượng.
Phân tích của các doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ (chậm trả lãi/gốc), FiinGroup cho biết, các doanh nghiệp đều chung đặc điểm: sử dụng đòn bẩy tương đối cao; kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh; có áp lực tất toán trước hạn và đã thực hiện mua lại trái phiếu thời gian qua; mất cân đối kỳ hạn nợ và nguồn tiền trả nợ trong ngắn hạn mặc dù lợi nhuận vẫn tốt.
Trong khi đó, tháng 1 đầu năm, thị trường chỉ ghi nhận duy nhất một lô trái phiếu được phát hành riêng lẻ thành công, thuộc về một đơn vị đầu ngành về nền móng cọc xây dựng, với giá trị 110 tỷ đồng, tương đương 2,1% so với tháng liền kề và chỉ bằng 0,5% so với cùng kỳ năm 2022, mức suy giảm lớn về quy mô phát hành trái phiếu.
Như vậy, những động thái từ phía cơ quan chức năng với Nghị định số 08/2023/NĐ-CP sẽ là yếu tố quan trọng nhằm giúp thị trường đi qua giai đoạn nhiều thách thức hiện nay.
"Những giải pháp tổng thể từ phía cơ quan quản lý vẫn là chìa khóa nhằm dần tháo gỡ khó khăn với thị trường, ổn định tâm lý nhà đầu tư, nhằm mục tiêu hướng đến sự phát triển của thị trường vốn trong dài hạn", VCBS nhận định.