Doanh nghiệp chạy đua 'nước rút' để kịp đơn hàng cuối năm
(DNTO) - Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang tận dụng thời gian vàng trong những tháng cuối năm, tập trung mọi nguồn lực tăng tốc sản xuất, dồn sức cho xuất khẩu cũng như mùa Tết Nguyên đán để "gỡ" lại giai đoạn ảnh hưởng vừa qua.
Tăng công suất gấp đôi, làm thêm cả thứ Bảy, Chủ nhật
Thời điểm quý 4 hàng năm luôn được các doanh nghiệp xác định là thời gian "nước rút" để hoàn thành kế hoạch, mục tiêu đề ra cho cả năm.
Nhất là trong bối cảnh sản xuất kinh doanh năm 2021 gặp nhiều khó khăn thì việc tập trung thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm công nghiệp; thực hiện các giải pháp linh hoạt để giữ vững lượng khách hàng truyền thống và từng bước mở rộng thị trường mới những tháng cuối năm càng được các doanh nghiệp chú trọng, nhằm đảm bảo doanh số, sản lượng, tạo đà phát triển cho năm mới.
Ông Phan Văn Dũng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) cho biết, Vissan đang đẩy mạnh sản xuất để bổ sung sản lượng hàng hóa phục vụ thị trường dịp cuối năm, đặc biệt là Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Công ty đã đầu tư hơn 754 tỷ đồng để sản xuất 2.800 tấn thịt lợn tươi sống (tăng 8% so với cùng kỳ năm trước) và 4.200 tấn thịt chế biến (tăng 6%). Hiện, Vissan tính đến phương án “dài hơi” thông qua việc tăng nguồn nguyên liệu để phục vụ sản xuất.
“Có hai khả năng đặt ra, sức mua tết năm nay giảm so với tết năm trước, nguồn nguyên liệu dự trữ sẽ phục vụ sản xuất hàng hóa cung ứng thị trường quý 1/2022; còn nếu xảy ra khan hiếm thực phẩm thiết yếu như thịt thì chúng tôi có sẵn nguồn nguyên liệu để sản xuất, đáp ứng ngay cho thị trường”, ông Dũng cho hay.
Hiện doanh nghiệp có rất nhiều nguồn hàng và đang tập trung tăng tốc sản xuất các đơn hàng xuất khẩu. Để kịp các đơn hàng, doanh nghiệp đã lên chính sách đãi ngộ, huy động người lao động làm thêm giờ, ứng dụng các giải pháp, công nghệ để tăng năng suất lao động trong những tháng cuối năm.
Ông Trần Thế Linh, Giám đốc Công ty Giày Viễn Thịnh cho hay, trong tháng 11, công ty đã phải tăng ca, làm cả ngày thứ Bảy, Chủ nhật để hoàn tất đơn hàng. Thậm chí, doanh nghiệp này còn lên kế hoạch chỉ nghỉ tết âm lịch sắp tới ít hơn thời gian thông thường trước đây, bởi đơn hàng xuất khẩu đã nhận đến hết quý 1/2022.
“Chúng tôi sẽ điều chỉnh tăng lương trong thông báo tuyển dụng từ 10 - 14 triệu đồng/tháng lên 11 - 15 triệu đồng/tháng, để hy vọng có thêm công nhân phục vụ cho đơn hàng xuất khẩu", ông Linh nói.
Cùng với đó, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Tập đoàn Minh Phú thông tin, hiện tại, tập đoàn đang tập trung đẩy mạnh sản xuất, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thủy sản tăng cao tại thị trường trong nước và quốc tế; đồng thời, phấn đấu duy trì ổn định sản xuất từ nay đến hết năm 2021 đạt hơn 70% kế hoạch để bảo đảm các đơn hàng đã ký.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp nông nghiệp khác lại đẩy mạnh khai thác khách hàng qua kênh thương mại điện tử. Đại diện Công ty Kim Minh International - một trong những doanh nghiệp xuất khẩu rau, củ, quả tươi, đông lạnh và nước ép trái cây, cho biết, công ty đã đào tạo đội ngũ nhân viên kinh doanh khai thác triệt để các sàn giao dịch thương mại điện tử để tìm kiếm và tiếp cận nhanh chóng các nhà nhập khẩu trên toàn thế giới.
“Đòn bẩy” để thúc đẩy phát triển sản xuất
Sau việc bị đứt gãy chuỗi sản xuất, trong tháng 10, nhiều dấu hiệu cho thấy hoạt động sản xuất đã phục hồi đáng kể, doanh nghiệp có nhiều đơn hàng hơn. Thế nhưng, điểm đáng lo ngại là nguy cơ lạm phát tăng do giá nguyên liệu đầu vào của thế giới tăng cao, từ giá nguyên vật liệu, chi phí nhân công, chi phí phòng, chống dịch... nên các chính sách về gói hỗ trợ tài chính lúc này là rất cần thiết, giải pháp nới rộng hạn mức tín dụng cũng nên triển khai trong ngắn hạn để giúp doanh nghiệp "lại sức" tốt hơn.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho rằng, hiện nay không khí phục hồi sản xuất đang rất khẩn trương và tích cực. Tuy nhiên, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc thiếu nguyên liệu và chuỗi cung ứng vẫn chưa thông suốt. Thêm vào đó, chi phí đầu vào rất cao, dòng tiền đứt gãy, vốn của doanh nghiệp cạn kiệt, nên sức phục hồi không thể nhanh được...
Theo đó, để giúp doanh nghiệp phục hồi sớm trong thời gian tới, hiệp hội kiến nghị TP.HCM đơn giản hóa thủ tục hành chính; thành lập tổ công tác đặc biệt để phối hợp tháo gỡ ngay những khó khăn của doanh nghiệp. Ngoài ra, TP.HCM cần ban hành một số chính sách giúp giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp như: Tạm thời chưa thu phí cảng, hạ tầng cảng biển, giảm tiền điện, nước…
Bên cạnh đó, rất cần những chính sách mang tính đột phá, đóng vai trò then chốt để giảm chi phí, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, đặc biệt là đối với những doanh nghiệp trong giai đoạn bứt phá.
Ví dụ, ngành dệt may hiện chiếm lĩnh thị trường rất lớn, nếu có các chính sách hỗ trợ để tăng nhanh và tiếp cận, chiếm lĩnh được thị trường, thì sẽ có rất nhiều ý nghĩa đối với ngành này trong giai đoạn hiện nay...
Xác định nhiệm vụ ưu tiên là bảo đảm nguồn cung ứng hàng hóa, không để thiếu hụt nguồn hàng và biến động giá cả, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM Bùi Tá Hoàng Vũ khẳng định, từ nay đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, sở sẽ tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến thị trường, tình hình cung - cầu hàng hóa, triển khai các biện pháp giám sát, quản lý giá, bảo đảm cân đối cung - cầu, ổn định giá cả trên địa bàn thành phố; hỗ trợ doanh nghiệp vừa sản xuất, vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19.
Để thúc đẩy mạnh hơn nữa "sức bật" cho doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và cơ quan thương vụ Việt Nam tại nước ngoài nắm bắt thị trường, thông tin kịp thời đến địa phương, doanh nghiệp các cảnh báo, quy định mới của thị trường xuất khẩu. Cung cấp các thông tin quy định về hạn ngạch đối với các mặt hàng nông sản thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh; đẩy mạnh quảng bá nông sản Việt Nam tại thị trường châu Âu…