Điện hạt nhân trở lại: Bước ngoặt từ Nghị quyết của Quốc hội

(DNTO) - Việc Quốc hội bấm nút thông qua Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận hôm 19/2 đánh dấu bước ngoặt lớn trên con đường phát triển năng lượng bền vững của Việt Nam.

Nếu triển khai minh bạch, an toàn và hiệu quả, điện hạt nhân có thể trở thành nền tảng cho hệ thống năng lượng bền vững của Việt Nam. Ảnh: T.L.
Từ năm 2016, khi dự án điện hạt nhân Ninh Thuận bị hoãn do lo ngại về tài chính và an toàn, Việt Nam vẫn loay hoay với bài toán năng lượng. Nguồn thủy điện gần như đã khai thác hết tiềm năng, nhiệt điện than bị siết chặt do cam kết giảm phát thải, còn điện mặt trời và điện gió thì chưa thể đảm bảo nguồn cung ổn định.
Trong bối cảnh đó, Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, được Quốc hội thông qua ngày 19/2/2025 mở đường cho điện hạt nhân quay lại.
Đáng chú ý, việc tái khởi động và hoàn thiện các nội dung liên quan đến đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận được tiến hành trong một thời gian rất ngắn, tính từ hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng cuối tháng 11/2024. Điều này cho thấy quyết tâm và sự đồng thuận rất cao từ Trung ương đến địa phương, hoàn tất cơ sở pháp lý để đưa dự án hết sức quan trọng này của quốc gia về đích đúng hẹn.
Cụ thể, dự án sẽ bao gồm Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 và các dự án thành phần liên quan với loạt cơ chế đặc thù được áp dụng.
Chỉ định thầu rút gọn: Cho phép thực hiện nhanh các gói thầu quan trọng như xây dựng nhà máy và tư vấn kỹ thuật, đảm bảo tiến độ dự án.
Đàm phán quốc tế song song với thủ tục trong nước: Tạo điều kiện cho Việt Nam hợp tác với Nga, Nhật Bản, Mỹ, Pháp trong việc chuyển giao công nghệ và tài chính.
Tăng vốn điều lệ cho chủ đầu tư: Giải quyết rào cản lớn nhất về vốn, giúp dự án không rơi vào tình trạng thiếu nguồn lực như trước đây.
Chính sách hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận: Cấp ngân sách trung ương bổ sung từ nguồn thu dự án để đầu tư hạ tầng, đồng thời áp dụng chính sách bồi thường, tái định cư với mức hỗ trợ cao hơn.

Nghị quyết của Quốc hội về xây dựng dự án điện hạt nhân được thông qua với số phiếu tán thành gần như tuyệt đối với 459/460 đại biểu tán thành. Ảnh: T.L.
Việc Quốc hội thông qua Nghị quyết về các cơ chế, chính sách đặc thù cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là một bước tiến quan trọng trong chiến lược phát triển năng lượng của Việt Nam.
Dự án không chỉ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, đặc biệt khi nhu cầu điện dự kiến tăng mạnh trong thập kỷ tới, giúp Việt Nam tiến gần hơn với mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà còn thúc đẩy phát triển công nghệ cao, tạo động lực cho ngành công nghiệp hạt nhân trong nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy vậy, việc triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận cũng đi kèm không ít thách thức. Sự thành công của dự án này sẽ phụ thuộc rất lớn vào cách thức triển khai, thực hiện dự án.
Bởi phát triển điện hạt nhân đòi hỏi nguồn vốn đầu tư khổng lồ. Theo ước tính, suất đầu tư cho các nhà máy điện hạt nhân thế hệ III và III+ trung bình khoảng 6 triệu USD cho mỗi MW tại Mỹ và châu Âu; ở Nga và Hàn Quốc, con số này dao động từ 3 đến 3,5 triệu USD/MW.
Đối với dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, tổng mức đầu tư dự kiến lên tới hàng tỷ USD, phụ thuộc vào quy mô, công nghệ và các yêu cầu an toàn. Cụ thể, các kịch bản trước đây đã ước tính tổng mức đầu tư dao động từ 10,8 đến 12,2 tỷ USD cho công suất 4.000 MW.
Chi phí đầu tư cao và yêu cầu về an toàn khiến việc thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân trở nên khó khăn. Việt Nam cần xây dựng cơ chế tài chính hấp dẫn và minh bạch để thu hút các nhà đầu tư quốc tế và trong nước.
Điện hạt nhân yêu cầu đội ngũ chuyên gia có trình độ cao và kinh nghiệm. Tuy nhiên, sau khi dự án bị tạm dừng vào năm 2016, nhiều cán bộ và nhà nghiên cứu đã chuyển sang lĩnh vực khác, dẫn đến thiếu hụt nhân lực chuyên môn. Việc đào tạo lại và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đòi hỏi thời gian và chi phí đáng kể. Trước đây, từ năm 2005 đến 2010, EVN đã cử 30 kỹ sư đi đào tạo tại Nga và Pháp, nhưng hiện tại chỉ còn 27 người tiếp tục làm việc trong lĩnh vực này.
Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận dự kiến ảnh hưởng đến khoảng 1.100 hộ dân, với tổng diện tích quy hoạch hơn 1.642 ha. Việc giải phóng mặt bằng và tái định cư là một quá trình phức tạp, cần được thực hiện cẩn trọng để đảm bảo quyền lợi cho người dân và tiến độ dự án.
Mặc dù đối mặt với nhiều thách thức, việc phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam là cần thiết để đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững. Việc vượt qua những rào cản này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, các cơ quan chuyên môn và cộng đồng quốc tế, cùng với sự đồng thuận và ủng hộ từ phía người dân.