Đến 30/6/2022, 100% doanh nghiệp trên toàn quốc áp dụng hóa đơn điện tử
(DNTO) - Hóa đơn điện tử sẽ triển khai theo 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 tại 6 tỉnh, thành là Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh, Phú Thọ và Bình Định, bắt đầu từ tháng 11/2021; giai đoạn 2 tại 57 địa phương còn lại, bảo đảm đến ngày 30/6/2022 đạt 100% doanh nghiệp trên toàn quốc áp dụng hóa đơn điện tử.
Tại hội nghị trực tuyến công bố triển khai hệ thống hóa đơn điện tử, do Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính tổ chức ngày 21/11, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn, cho biết Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư hướng dẫn triển khai Nghị định về hóa đơn điện tử và ban hành các quyết định triển khai hệ thống hóa đơn điện tử theo 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 tại 6 tỉnh, thành phố là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Phú Thọ và Bình Định, bắt đầu từ tháng 11-2021; giai đoạn 2 tại 57 địa phương còn lại, bảo đảm đến ngày 30-6-2022 đạt 100% doanh nghiệp trên toàn quốc áp dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT).
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, hóa đơn điện tử đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong quản lý thuế hiện đại, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số của nền kinh tế, thay đổi phương thức quản lý, quy trình làm việc của cơ quan thuế cũng như của doanh nghiệp, người nộp thuế; vừa tiết giảm chi phí hành chính, vừa xây dựng được cơ sở dữ liệu lớn (big data). Điều này có ý nghĩa to lớn không chỉ đối với cơ quan thuế mà còn đối với khu vực doanh nghiệp và nền kinh tế.
Phó Thủ tướng đánh giá cao và biểu dương về những kết quả ngành Thuế và ngành Tài chính đã đạt được trong thời gian qua, đặc biệt là ngành Thuế đã phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành, địa phương và doanh nghiệp, người nộp thuế đưa hệ hống hóa đơn điện tử đi vào hoạt động.
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, công tác tài chính - ngân sách nhà nước nói chung và công tác quản lý thuế nói riêng còn những hạn chế, bất cập. Việc triển khai cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác quản lý thuế còn khó khăn, thách thức. Có lúc, có nơi còn hiện tượng chưa tạo điều kiện kịp thời cho người dân và doanh nghiệp trong kê khai thuế.
Với quan điểm đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị: Ngành tài chính, ngành thuế nói riêng và hệ thống hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương nói chung phải quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế, vượt qua khó khăn, thách thức, tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế xã hội theo phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Thủ tướng yêu cầu, để bảo đảm đạt được mục tiêu 100% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử trên toàn quốc đến ngày 30/6/2022, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cần tăng cường quán triệt trong toàn ngành, tập trung triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hơn nữa hệ thống hóa đơn điện tử; bảo đảm thông tin, dữ liệu chính xác, minh bạch, thống nhất, an ninh, an toàn, đáp ứng yêu cầu quản lý và tạo thuận lợi cho người nộp thuế; nỗ lực bắt kịp, tiến cùng và vươn lên trong quản lý thuế so với khu vực, thế giới.
Bên cạnh đó, cần xác định rõ việc triển khai hệ thống hóa đơn điện tử là một trong những giải pháp quan trọng góp phần thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số. Rà soát, hoàn thiện quy định về các hệ thống tài nguyên thông tin, dữ liệu số có tính kết nối, liên thông cao; không chỉ phục vụ công tác quản lý thuế mà còn các lĩnh vực khác
Phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan, địa phương có kế hoạch, phương án, giải pháp cụ thể để triển khai thành công hệ thống hóa đơn điện tử, nhất là, phối hợp với ngành Ngân hàng để thanh toán điện tử, tạo sự minh bạch về tài chính, thuận tiện cho người sử dụng.
Đối với toàn ngành tài chính, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Ngành Tài chính, ngành Thuế phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, cơ quan liên quan rà soát, hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền dự thảo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội gắn với Chiến lược tổng thể phòng chống dịch Covid-19. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt quan trọng để đưa đất nước vượt qua khó khăn, không để lỡ nhịp với xu hướng phục hồi mạnh mẽ của kinh tế thế giới.
Với quan điểm chính sách tài chính cho phát triển, vì lợi ích tổng thể của nền kinh tế, Phó Thủ tướng đề nghị ngành tài chính phân tích, đánh giá, tính toán kỹ, bảo đảm sử dụng các công cụ chính sách tài khóa thực sự linh hoạt, hiệu quả, gắn kết chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách khác để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm đủ nguồn lực cho phục hồi và phát triển inh tế xã hội. Xác định rõ mức bội chi ngân sách nhà nước hợp lý và bảo đảm nợ công trong giới hạn an toàn theo quy định.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ hiện hành về tài khóa như giãn thời hạn nộp, miễn, giảm một số loại thuế, phí, lệ phí, các chính sách chi hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng và đúng quy định. Đồng thời, chú trọng thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về tài chính – ngân sách nhà nước, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế để tạo nền tảng cho đất nước phát triển nhanh, bền vững.
Tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về tài chính – ngân sách nhà nước, nhất là trên các phương diện: Hoàn thiện hệ thống chính sách thuế và tăng cường công tác quản lý thuế; tăng cường quản lý, bảo đảm chi ngân sách nhà nước tiết kiệm, hiệu quả; tăng cường phân cấp ngân sách nhà nước theo hướng bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương và phát huy tính chủ động của ngân sách địa phương; quản lý chặt chẽ, hiệu quả nợ công, tài sản công; nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững thị trường tài chính, thị trường chứng khoán trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế...
Theo đánh giá, việc triển khai áp dụng hóa đơn điện tử góp phần vào chuyển đổi số ở Việt Nam, giúp thay đổi tích cực phương thức điều hành, lãnh đạo, quản lý, quy trình làm việc của cơ quan thuế cũng như của các doanh nghiệp.
Giúp doanh nghiệp giảm chi phí hơn so với sử dụng hóa đơn giấy (giảm chi phí giấy in, mực in, vận chuyển, lưu trữ hóa đơn, không gian lưu trữ hóa đơn…), giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuế.
Ngoài ra, việc triển khai hệ thống hóa đơn điện tử còn có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng cơ sở dữ liệu lớn (big data), mấu chốt của chuyển đổi số không chỉ đối với cơ quan thuế mà còn đối với cả doanh nghiệp và nền kinh tế, góp phần quan trọng phát triển Chính phủ điện tử, đổi mới công tác quản lý nhà nước.