Đề xuất phát hành trái phiếu kiều hối để không 'bỏ lỡ' hàng tỷ USD
(DNTO) - Việc hút nguồn lực "vàng" từ kiều bào trong thực hiện các công trình, dự án trọng điểm..., của TP.HCM thông qua phát hành trái phiếu kiều hối, được kỳ vọng là một kênh mới, cách làm mới mang tính đột phá, giúp gia tăng sức mạnh tài chính, đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội.
Chiều 29/5, để tiếp tục lấy ý kiến về "Đề án chính sách thu hút và phát huy nguồn lực kiều hối trên địa bàn TP.HCM", Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, cho hay, trong năm 2022 đã đưa lượng kiều hối về Việt Nam là gần 19 tỉ USD. Điều đó có nghĩa hiện nay bình quân một người Việt Nam ở nước ngoài gửi về nhà khoảng 4.000 USD/năm, tương đương với GDP bình quân đầu người ở Việt Nam năm 2022 là 4.163 USD, nguồn lực kiều hối đã và đang trở thành một nguồn lực có vị trí rất quan trọng trong tổng thể các nguồn lực từ bên ngoài.
Đặc biệt, đối với TP.HCM, 5 năm trở lại đây, nguồn kiều hối chuyển về luôn chiếm tỷ trọng cao so với cả nước. Năm 2022, TP.HCM vẫn là địa phương dẫn đầu cả nước về lượng kiều hối với 6,6 tỷ USD và trong quý I năm 2023 lượng kiều hối về thành phố tiếp tục tăng trưởng tích cực với gần 2,2 tỷ USD, tăng 19,41% so với cùng kỳ năm 2022.
"Nếu so sánh kiều hối với FDI và ODA, thì kiều hối là nguồn lực rất quan trọng cho đất nước, không cần điều kiện ràng buộc, chưa kể kiều hối còn giúp cân bằng cán cân ngoại thương cho Việt Nam không bị thâm hụt", ông Hiếu cho hay.
Tuy vậy, TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng dự báo dòng kiều hối trong năm 2023 của Việt Nam có thể giảm so với năm ngoái vì ảnh hưởng chung của kinh tế thế giới. "Hiện chính phủ tại nhiều quốc gia tiếp tục chính sách thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát. Giá sinh hoạt tăng và làm giảm thu nhập dư thừa để Việt kiều gửi tiền về Việt Nam", ông Hiếu phân tích.
Do đó, để khuyến khích dòng tiền này đổ về, ông Hiếu đề nghị cần tiếp tục chính sách không đánh thuế thu nhập đối với các khoản ngoại tệ chuyển về từ kiều bào; chính sách cho phép người nhận giữ ngoại tệ hay gửi ngoại tệ tại các tổ chức tín dụng. Quan trọng nhất, phải tăng lòng tin của kiều bào với những cơ hội đầu tư tại TP.HCM.
Đặc biệt, TS Trần Phương Trà, Giám đốc chương trình quản trị kinh doanh của IPAG Business School (Pháp), đề xuất TP.HCM có thể cân nhắc phát hành trái phiếu kiều hối để duy trì tốc độ tăng trưởng dòng vốn này.
Cụ thể, TP HCM có thể phát hành trái phiếu với thời hạn 5, 10 năm để thu hút nguồn kiều hối, vận động kiều bào tham gia xây dựng các công trình hạ tầng, kỹ thuật, hạ tầng xã hội như trường học, bệnh viện, thể dục thể thao, hạ tầng kinh tế như trung tâm hội chợ, triển lãm, trung tâm logistics...
Bên cạnh đó, TP HCM có thể nghiên cứu hình thành các quỹ sản xuất từ dòng kiều hối như quỹ kiều hối bất động sản, quỹ kiều hối hỗ trợ sản xuất nhỏ và vừa, quỹ đầu tư kiều bào... để hỗ trợ nhà đầu tư người Việt tại nước ngoài quay về lập nghiệp, kinh doanh trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về khuyến khích kiều hối ở Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines.