Để GDP đạt trên 8%, khu vực công nghiệp và xây dựng phải tăng trưởng từ 9,5% trở lên

(DNTO) - Theo kịch bản tăng trưởng được Chính phủ đưa ra, các động lực tăng trưởng được bóc tách chi tiết. Trong đó nêu rõ, để đạt mục tiêu GDP 8% trở lên trong năm 2025, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cần đạt tốc độ tăng trưởng 9,7% trở lên.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8%, khu vực công nghiệp - xây dựng phải tăng trưởng từ 9,5% trở lên. Ảnh: TL.
Chưa bao giờ, câu chuyện “khoán tăng trưởng” lại được đề cập rốt ráo như hiện nay, không chỉ là mục tiêu “phấn đấu” nữa, mà tới đây, mức tăng trưởng trên 8% trong năm 2025 sẽ là mục tiêu mang tính “pháp lệnh”. Chính phủ đã chính thức có Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên. Đề án này đã được thảo luận tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây và sẽ được đệ trình lên Quốc hội tại kỳ họp bất thường, dự kiến diễn ra từ ngày 12 đến 19/2/2025.
Theo kịch bản tăng trưởng được Chính phủ đưa ra, để tăng trưởng GDP trên 8%, các động lực tăng trưởng được bóc tách chi tiết. Cụ thể, khu vực công nghiệp và xây dựng phải tăng trưởng từ 9,5% trở lên; khu vực dịch vụ tăng trưởng trên 8,1%; còn khu vực nông - lâm nghiệp, thủy sản tăng trên 3,9%. Điều đó có nghĩa, các khu vực kinh tế phải có mức tăng trưởng cao hơn khoảng 0,7 - 1,3 điểm phần trăm so với năm 2024. Trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo được xác định tiếp tục là động lực dẫn dắt tăng trưởng.
Thực tế, tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã tăng nhanh, trong thời gian qua, có nhiều nhóm ngành có sự phát triển rất nhanh, ví dụ như điện tử, dệt may, da giày... có giá trị xuất khẩu đứng "top" trong khu vực và thế giới. Việt Nam đã thành lập được nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân lớn như Thaco, Thành Công, Vinfast... Điều đó thể hiện đường lối đúng đắn trong khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào phát triển công nghiệp.
Để thúc đẩy mạnh mẽ doanh nghiệp công nghiệp chế biến chế tạo tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, về dài hạn, cần hoàn thiện cơ chế chính sách để hỗ trợ cho các doanh nghiệp công nghiệp nói chung, doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ, chế biến chế tạo nói riêng. Trong đó, nội dung rất quan trọng là phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính xây dựng chính sách cấp bù chênh lệch lãi suất cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cũng như doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo.
Trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp tư nhân mới đây, không chỉ các tên tuổi lớn của Việt Nam, như Vingroup, FPT, Trường Hải, BRG…, mà cả các doanh nghiệp nước ngoài, như Samsung, NVIDIA…, cũng đã góp mặt trong các cuộc gặp này để lắng nghe chia sẻ và giải quyết các khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, với một trong những mục tiêu lớn nhất là làm sao có thể huy động mọi nguồn lực cho tăng trưởng, tạo thế và lực cho những năm tiếp theo đạt tăng trưởng 2 con số.
Trong đó cũng nhấn mạnh, khu vực kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế khi đóng góp gần 45% GDP, hơn 40% vốn đầu tư toàn xã hội, tạo việc làm cho 85% lao động cả nước, chiếm 35% tổng kim ngạch nhập khẩu và 25% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Tuy nhiên, các khảo sát của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân trong 2 năm qua luôn cho thấy niềm tin của chủ doanh nghiệp ở khu vực kinh tế tư nhân luôn thấp và phục hồi chậm hơn khu vực doanh nghiệp nhà nước và FDI. Điều này cũng dễ hiểu khi số liệu mới đây của Tổng cục Thống kê đã cho thấy một diễn biến ảm đạm khi số doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong tháng đầu năm 2025 tăng mạnh, cho thấy, khu vực này đang "đuối sức".
Theo đó, TS Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam cho rằng, cần vun bồi nội lực cho doanh nghiệp tư nhân và tập trung phát triển thêm doanh nghiệp theo hướng bền vững. Ông nhấn mạnh, việc thành lập doanh nghiệp không khó, nhưng để doanh nghiệp tồn tại và phát triển lâu dài thì có rất nhiều việc phải làm.
"Đã đến lúc Chính phủ cần đặt lên bàn cân mục tiêu phát triển doanh nghiệp đang hoạt động thay vì hướng đến mục tiêu là số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Chính phủ cũng cần có các biện pháp cải cách mang tính đột phá nhằm thúc đẩy sự hình thành của một khung pháp lý thuận lợi, phù hợp với loại hình doanh nghiệp cá thể", ông Bình nói.
Lạc quan hơn, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) khẳng định “dư địa để đạt được mức tăng này là có và còn lớn”, khi cho rằng, giải pháp nằm ở việc thấm nhuần và thực thi đầy đủ, nhất quán chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc “cần phát huy sức mạnh từ nhân dân và mọi thành phần kinh tế bằng cách xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, minh bạch, chi phí thấp, đạt chuẩn quốc tế để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và làm giàu”.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng trong năm 2025, cần dồn lực thúc đẩy đầu tư tư nhân và công nghiệp chế biến, chế tạo. Ảnh: TL.
Trước mắt và có thể làm ngay, ông Cung đề xuất, Chính phủ, các cấp chính quyền địa phương thực hiện quyết liệt, đầy đủ và nhất quán Nghị quyết 02 về cải thiện môi trường kinh doanh trên thực tế, không phải chỉ trên văn bản, giấy tờ và trong các báo cáo hội nghị. Cụ thể là giải quyết các vướng mắc, rào cản, chồng chéo, trùng lặp… trong các văn bản pháp luật, những thủ tục hành chính phức tạp, tốn kém, gây cản trở, làm ách tắc đối với hoạt động đầu tư kinh doanh cần được thực hiện và báo cáo kết quả đạt được hàng tháng.
“Các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp tư nhân lớn đều "than" khi nhắc đến sự chậm trễ, khó khăn trong thủ tục hành chính, làm nản lòng các nhà đầu tư, chỉ cần đơn giản hóa ngay, bỏ ngay, các dự án ách tắc sẽ sống lại ngay”, ông Cung khẳng định.
Trong khi đó, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh, để tăng trưởng thêm 1%, các nước sẽ có các gói kích thích chính sách. Đó thường là một nhóm chính sách hỗ trợ thúc đẩy cho việc tiêu dùng, sản xuất - kinh doanh. Theo đó, Việt Nam cũng nên cân nhắc đến một giải pháp tổng thể mang tính chất "kích thích" về thúc đẩy tiêu dùng, dịch vụ và sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu như chính sách về thuế, trong đó tập trung vào hỗ trợ doanh nghiệp nhằm hướng đến thúc đẩy tiêu dùng, sản xuất kinh doanh.
Để "kích" tiêu dùng, ông Hiếu cho rằng phải tăng thu nhập, tăng tích lũy và như vậy cần nhanh chóng sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân để người dân có thêm tích lũy. Đồng thời, đối với doanh nghiệp, cần rà soát các chính sách thuế, nếu chưa thực sự cần thiết trong bối cảnh này thì không nên tăng bất kể một khoản thuế nào. Bởi tăng thuế sẽ làm giảm tiêu dùng do chi phí sản xuất, giá thành sẽ tăng, từ đó kéo giảm năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa và doanh nghiệp.
"Những chính sách về điều chỉnh tăng thuế nếu đã "chốt hạ" thì nên kéo dài hơn lộ trình áp dụng, nhất là tại kỳ họp tới đây, Quốc hội xem xét thông qua một loại chính sách thuế thì mong Chính phủ sẽ giãn thêm thời gian thực hiện đến năm 2027 hoặc 2028", ông Hiếu đề xuất.
Bên cạnh đó, ông Hiếu cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục rà soát các chính sách thuế, phí và lệ phí và phải có biện pháp miễn giảm phù hợp. Cùng với đó, khẩn trương rà soát, điều chỉnh/bãi bỏ các quy định làm tăng chi phí cho doanh nghiệp, làm cho đồng vốn đầu tư không hiệu quả.
Dẫn chứng cụ thể, ông Hiếu nêu, theo Khoản 2 Điều 46 Nghị định số 08 quy định ký quỹ khi nhập khẩu phế liệu về giấy, tùy theo khối lượng nhập khẩu mà doanh nghiệp phải ký quỹ từ 15-20% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu. Nhiều doanh nghiệp kêu về quy định này, bởi giờ đây "giấy phế liệu" là nguyên vật liệu quý hiếm cho sản xuất trong bối cảnh tài nguyên ngày càng cạn kiệt. Trong suốt thời gian qua chưa một doanh nghiệp nào phải dùng đến quỹ đó nhưng doanh nghiệp phải đóng vào quỹ với số tiền rất lớn. "Vậy tại sao chúng ta không sửa đổi hoặc giảm mức ký quỹ hoặc quản lý theo hướng rủi ro, trong khi doanh nghiệp cần vốn?", ông Hiếu nêu vấn đề.
Cùng với đó, chúng ta phải nhanh chóng giải quyết ngay việc hoàn thuế cho doanh nhiệp, có như vậy mới tạo động lực và sức bật cho khối này. "Chính phủ, địa phương, bộ, ngành đã quyết tâm rồi thì quyết tâm đó phải thể hiện bằng các hành động cụ thể, giải quyết khó khăn thực tiễn doanh nghiệp đang gặp, để thực sự hiệu quả hơn", ông Hiếu nhấn mạnh.