Đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số là yêu cầu bức thiết hiện nay
(DNTO) - Dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, do đó các chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam cần thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế giai đoạn “hậu Covid-19” dựa trên đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Đại dịch Covid-19 đã gây ra nhiều tác động tiêu cực đối với nền kinh của Việt Nam khiến tăng trưởng kinh tế năm 2020 thấp nhất trong 3 thập niên vừa qua. Tuy nhiên, dịch bệnh cũng có tác động tích cực đối với tăng trưởng cả về lượng và chất của một số ngành hàng, thông qua thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu một số ngành theo hướng ngành kinh tế phi tiếp xúc; đặc biệt là chuyển đổi số, buộc tái cơ cấu, cắt giảm chi phí đối với các ngành kinh tế tiếp xúc…
Ở góc độ tích cực, đại dịch là cú huých quan trọng ban đầu đối với quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam, tuy nhiên, quá trình này không dễ dàng do nhiều nguyên nhân.
Ông Phan Đức Quang, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần tập đoàn Proview nêu thực tế, chuyển đổi số tại các doanh nghiệp hiện vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức về chi phí ứng dụng công nghệ số cao, thiếu cơ sở hạ tầng, thiếu nhân lực có trình độ...
Theo ông Quang: "Khó khăn lớn nhất là chúng tôi cần biết được rằng trên thế giới là những công nghệ, giải pháp, phát triển nền tảng công nghệ đã phát triển nghiên cứu tới đâu? Khó khăn thứ hai là về việc tiếp cận đối tượng khách hàng tiềm năng để có thể áp dụng các thử nghiệm nghiên cứu giải pháp của mình. Vì khi tiếp cận với các tổ chức doanh nghiệp thì việc tạo kết nối để có được một hệ sinh thái, thông thường nó rất mất nhiều thời gian và nhiều lúc các chủ doanh nghiệp cũng không sẵn sàng để hỗ trợ".
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, đổi mới tư duy và đổi mới thể chế chính sách theo hướng tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích mạnh mẽ và huy động sự tham gia của khu vực ngoài nhà nước là yếu tố quan trọng bậc nhất cho khoa học, công nghệ để phát triển.
Đồng thời, huy động được nguồn lực cần thiết cho đầu tư vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó chú ý đột phá về thể chế, chính sách. Do đó việc chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo là một quá trình để tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế chứ không phải chỉ để đối phó với dịch bệnh. Yêu cầu đặt ra là cần xây dựng, triển khai thực hiện sớm chiến lược thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số chính là cơ hội hiếm có để thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước.
Cần phải thay đổi tư duy, biến công nghệ thông tin và chuyển đổi số là cú hích quan trọng và là trụ cột nền tảng để nâng đỡ quá trình phục hồi, tăng cường năng lực chống chịu và cải thiện chất lượng tăng trưởng theo hướng hiệu quả, xanh và bền vững.
Ông Phạm Sỹ An, Trưởng phòng Phòng Kinh tế vĩ mô và thể chế kinh tế, Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, quá trình chuyển đổi số vốn đã diễn ra ở Việt Nam trong một vài năm qua. Nhưng chuyên gia này cũng đặt ra lo ngại quá trình chuyển đổi số liệu có bị “chùng xuống” một khi dịch Covid-19 được kiểm soát:
"Chúng tôi có một lo ngại, khi dịch Covid-19 qua đi, nền kinh tế lại có thể quay trở lại trạng thái bình thường có nghĩa là những hoạt động và chuyển đổi số của mình do Covid-19 thúc đẩy, nâng lên, thì khi qua đi qua lại quay về trạng thái ban đầu, không còn gọi là chuyển đổi số mạnh nữa.
Do đó chúng tôi mong muốn Chính phủ duy trì được những ngành mà đang có tốc độ chuyển đổi số nhanh và có những chính sách hỗ trợ cho họ để họ có thể thực hiện một cách dài hạn, chứ không phải là chỉ qua thời kỳ Covid này, sau đó lại quay trở lại bình thường" - ông Phạm Sỹ An bày tỏ.