Doanh nghiệp chiếm đoạt hàng trăm tỉ đồng tiền hoàn thuế GTGT vì các Cục thuế thiếu xác minh?
(DNTO) - Tổng cục Thuế vừa gửi văn bản yêu cầu Cục thuế của 4 tỉnh gồm Tây Ninh, Long An, Đồng Nai và TP.HCM báo cáo gấp về hoạt động của một số doanh nghiệp (DN) có rủi ro cao về hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT).
Đặc biệt phải báo cáo về việc hoàn thuế Công ty Cổ phần Thương mại Sài Gòn Tây Nam, Công ty TNHH quốc tế Hoàng Nam Anh, Công ty Cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức - Thuduc House (TDH) và một số công ty có liên quan.
Từ chiêu trò mua lại hàng hóa trôi nổi
Theo Tổng Cục Hải quan, một số DN xuất khẩu số lượng lớn hàng hóa với trị giá rất cao bất thường, được cơ quan Thuế hoàn thuế GTGT với số tiền lớn, có dấu hiệu chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT. Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo Cục Điều tra chống buôn lậu đã xác lập “Chuyên án ĐT919” đấu tranh với hành vi chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT đối với các DN có liên quan. Theo đó, từ giữa tháng 12/2020, C03 Bộ Công an triển khai đồng loạt các biện pháp: Bắt giữ 20 đối tượng, khám xét, thu giữ vật chứng, đặc biệt đã thu giữ khoảng 200 con dấu của các tổ chức trong và ngoài nước, trong đó có một số con dấu nghi làm giả.
Vụ án liên quan đến hơn 70 DN, thời gian hoạt động kéo dài từ năm 2017 đến nay với nhiều đối tượng tham gia, có sự câu kết, chỉ đạo chặt chẽ giữa các đối tượng chủ mưu cầm đầu và các đối tượng giúp sức, lợi dụng sự thông thoáng của cơ chế chính sách để buôn lậu, chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT. Ngoài những tội danh nêu trên, nhóm đối tượng còn có thể có thêm tội danh khác như Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới; Lừa đảo chiếm đoạt tiền hoàn thuế; Trốn thuế; Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ...
Cụ thể, từ năm 2017 - 2019, Thu Duc House lập 501 tờ khai xuất khẩu linh kiện điện tử như bộ máy tính mini, bộ nhớ IC, bộ nhớ RAM, thẻ nhớ, bộ vi xử lý Chip, CPU..., xuất xứ chủ yếu từ Trung Quốc, Malaysia, Nhật bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Hong Kong với giá trị gần 5.286 tỉ đồng. Tháng 11/2012, Thuduc House thành lập công ty con là Công ty Cổ phần Thuduc House Wood Trading để mua các mặt hàng “linh kiện điện tử” từ công ty này để xuất khẩu. Công ty Cổ phần Thuduc House Wood Trading ký hợp đồng mua các mặt hàng “linh kiện điện tử” từ 1 công ty là Công ty TNHH An Lành Phát. Công ty TNHH An Lành Phát mua hàng hóa từ 4 công ty trong nước bán cho Thuduc House Wood Trading. Từ tháng 2/2018 đến tháng 8/2019, Thuduc House được hoàn thuế GTGT 17 lần, với số tiền 260.970.608.921 đồng.
Đối với Công ty Cổ phần thương mại Sài Gòn Tây Nam, từ ngày 26/3/2018 đến ngày 29/5/2020 đã mở 141 tờ khai xuất khẩu, trị giá tính thuế là 1.645 tỷ đồng. Mặt hàng xuất khẩu cũng là linh kiện điện tử (RAM máy tính, Chip IC điện tử, Chip bộ mạch, card màn hình...), xuất xứ chủ yếu từ Trung Quốc, Malaysia. Công ty này ký hợp đồng mua các mặt hàng linh kiện điện tử từ 4 công ty trong nước, và xuất khẩu cho các đối tác nước ngoài. Sau khi hoàn tất thủ tục xuất khẩu, Công ty Cổ phần thương mại Sài Gòn Tây Nam làm thủ tục hoàn thuế GTGT tại Cục Thuế tỉnh Tây Ninh với số tiền 75.589.345.989 đồng.
Điểm đặc biệt là hàng hóa xuất khẩu của cả hai công ty trên hoàn toàn không phải trải qua bất kỳ công đoạn sản xuất nào.
Đến thành lập doanh nghiệp “ma”
Trên cơ sở số liệu của Tổng cục Hải quan và tài liệu thu giữ của đối tượng, DN có liên quan, cơ quan hải quan xác định có 70 DN có liên quan đến vụ án, trong đó có cả những doanh nghiệp "ma". Một số doanh nghiệp do các đối tượng thuê hoặc mua lại để thực hiện hành vi phạm tội. Ngày 30/12/2020, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) và C03 – Bộ Công an đã họp và thống nhất với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao khởi tố vụ án về các tội: Tội buôn lậu; tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới; tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.
Trên thực tế, điều tra của cơ quan chức năng cho thấy Công ty TNHH Thương mại - xây dựng ALP mua hàng trôi nổi trên thị trường, hợp thức hóa các hóa đơn đầu vào từ các công ty không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký với cơ quan thuế và có dấu hiệu mua bán trái phép hóa đơn theo quy định tại điều 200 Bộ luật hình sự. Các hóa đơn đầu vào này liên quan đến hóa đơn đầu ra xuất cho Công ty Thuduc House Wood Trading. Sau đó, Công ty Thuduc House Wood Trading xuất hóa đơn (thực tế không có giao dịch mua bán) cho Công ty Thuduc House để công ty này đứng tên trên hợp đồng xuất khẩu và đứng tên trên tờ khai hải quan và các hồ sơ có liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu của Công ty TNHH Thương mại - xây dựng ALP.
Theo xác minh cho thấy, 2 công ty nêu trên có nhận tiền từ nước ngoài chuyển vào các tài khoản ngân hàng thương mại. Xác minh 89 tài khoản của 32 tổ chức/cá nhân liên quan mở tại 18 ngân hàng thương mại, bước đầu xác định được mối quan hệ giữa các đối tượng trong việc mua bán hàng hóa, dòng tiền chuyển đến, chuyển đi. Còn xác minh tại nước ngoài, cụ thể Hải quan Hong Kong xác nhận 3 lô hàng xuất khẩu của Công ty Cổ phần phát triển nhà Thủ Đức (2 lô xuất cho đối tác DSPSG LOGISTICS CO,.LTD, 1 lô xuất cho đối tác ROTHADY IMPORT EXPORT CO) không được nhập khẩu vào Hong Kong.
Phía Hải quan Campuchia cũng xác nhận 2 công ty là MEAS CHANNY IMPORT EXPORT CO., LTD và AKCHALNAK TRỌP ANTARAKCHEAT PLC chưa đăng ký tại Tổng cục Thuế Campuchia và không có dữ liệu xuất nhập khẩu của các công ty này trong năm 2018 và 2019. Còn kết quả giám định tài liệu tại Phân viện Khoa học Hình sự phía Nam (Bộ Công an) xác định một số tài liệu, hợp đồng với đối tác nước ngoài có hình dấu và chữ ký có cùng nguồn gốc nhưng đã bị chỉnh sửa.
Phương thức thủ đoạn chính là thành lập công ty con trong nước, mua bán hàng hóa với giá thấp, sau đó nâng giá lên hàng trăm lần, làm giả hồ sơ để xuất khẩu, sau đó làm thủ tục hoàn thuế để chiếm đoạt số tiền hàng trăm tỉ đồng.
Tổng cục Hải quan đề xuất Tổng cục Thuế chỉ đạo các cục thuế địa phương rà soát, thu hồi số tiền hoàn thuế với doanh nghiệp, đồng thời cần xem xét tạm dừng hoàn thuế cho các doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng có giá trị tính thuế khai báo lớn như linh kiện điện tử.