Đánh thuế lũy tiến liệu có phải là giải pháp chống đầu cơ đất đai hiệu quả?
(DNTO) - Một trong những giải pháp chống đầu cơ đất đai được đề xuất hiện nay, đó là không áp dụng các công cụ hành chính như trước mà sẽ áp dụng các công cụ tài chính, đánh thuế lũy tiến với đất bỏ hoang, người có nhiều diện tích đất, nhà ở mà không sử dụng.
Tại Nghị quyết 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII được ban hành đã đặt ra nhiệm vụ phải hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính về đất đai. Trong đó, yêu cầu quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang.
Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết sẽ áp thuế cao với những người đầu cơ nhưng không đánh thuế vào đối tượng nhiều nhà, mà đánh vào hạn mức sử dụng và nhiều đất đai nhưng không sử dụng. Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi Trần Hồng Hà, sẽ áp dụng các công cụ tài chính, thuế để hạn chế các đối tượng đầu cơ đất đai. Cụ thể sẽ xem xét dùng thuế lũy tiến để đánh vào đất, dự án trúng thầu, đấu giá nhưng chậm đưa vào sử dụng; các nhà đầu cơ, nếu mua xong bán ngay sẽ phải chịu mức thuế cao hơn so với người đầu tư nhưng sử dụng lâu dài, ổn định.
Tuy nhiên, việc đề xuất đánh thuế lũy tiến đối với những người sở hữu nhiều bất động sản để chống đầu cơ cũng gây nhiều ý kiến trái chiều. Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM Lê Hoàng Châu cho rằng, trong những năm qua, con sốt đất lặp đi lặp lại nhiều lần đã ảnh hưởng rất lớn đến cơ hội nhu cầu thật của những người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp ở đô thị. Nhiều nhà đầu tư cá nhân thua lỗ, thậm chí nợ nần khi cơn sốt đất qua đi. Nhiều dự án bất động sản được mua đi bán lại nhiều lần nhưng vẫn chỉ là khu đất bỏ hoang. Vì vậy, ông ủng hộ việc đánh thuế cao đối với các nhà đầu cơ và cả đối với các dự án, khu đất không đưa vào khai thác, để hoang đất.
Một số ý kiến cho rằng, điều cốt lõi vẫn phải là thông tin quy hoạch, giá cả minh bạch, rõ ràng thì mới là giải pháp và việc đánh thuế lũy tiến chưa hẳn đã hạn chế được hiện tượng đầu cơ mà chỉ hiệu quả trong việc tăng nguồn thu cho ngân sách. Bởi thực tế, sẽ có nhiều nhà đầu tư sẵn sàng bỏ tiền vào bất động sản dù phải đóng thuế cao hoặc bị đánh thuế lũy tiến vì giá trị lợi nhuận vẫn lớn hơn nhiều hơn mức thuế phải đóng. Và họ sẽ dựa vào những thông tin đồn thổi để “ăn theo” giá đất khu vực đó.
Một chuyên gia cũng cho rằng, để hạn chế hiện tượng đầu cơ bất động sản thì Nhà nước cần có giải pháp rộng hơn như hướng dòng tiền vào sản xuất, công nghệ hay những lĩnh vực tạo ra giá trị gia tăng. Đánh thuế lũy tiến bất động sản nhằm mục góp phần tăng nguồn thu ngân sách nhưng ở một góc độ nào đó, có thể gây tác dụng phụ, là thu nhập của một bộ phận người dân bị ảnh hưởng. Hệ lụy là những đối tượng này sẽ giảm chi tiêu, gián tiếp tổn hại đến nền kinh tế. Như vậy, vấn đề này cần được nghiên cứu, tính toán kỹ để đạt được mục đính hạn giảm đầu cơ đất đai mà không ảnh hưởng đến chi tiêu xã hội.