Đang 'cao điểm' Tết, doanh nghiệp vận tải vẫn chật vật vì 'đói' khách
(DNTO) - Dù chưa đầy 20 ngày nữa là tới Tết nguyên đán, nhưng hiện thị trường vé tàu, xe vẫn "đỏ mắt" tìm khách, cộng thêm hàng loạt lái xe bỏ việc do ảnh hưởng bởi dịch không có lương và giá xăng dầu tăng cao, các doanh nghiệp vận tải khách đều đang rơi vào tình trạng "tiến thoái lưỡng nan".
Giá vé giảm sâu vẫn mòn mỏi chờ khách mua
Chỉ còn chưa đầy 20 ngày nữa cả nước sẽ bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, thông thường vào thời điểm này hàng năm khi dịch Covid-19 chưa xuất hiện, các bến xe khách lớn đều hết sức sôi động, nhưng năm nay lại vô cùng ảm đạm do tâm lý e ngại sử dụng phương tiện công cộng để di chuyển và chờ tình hình dịch lắng xuống hẳn mới mua. Hơn nữa, thu nhập bị ảnh hưởng nhiều từ dịch bệnh cũng khiến việc di chuyển về quê vui chơi, ăn tết bị ảnh hưởng theo. Do vậy, sức mua được dự báo giảm 40%-60%, dù các đơn vị vận tải trên các loại hình đã mở bán vé sớm với nhiều ưu đãi.
“Càng chạy càng lỗ, không biết có trụ được nữa hay không...”, đó là câu nói cửa miệng của các nhà xe, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô trên địa bàn Hà Nội thời gian qua.
Anh Minh, tài xế chạy tuyến Hà Nội - Yên Bái cho biết, đến giờ phút này có thể khẳng định tất cả các doanh nghiệp đang gắng gượng chạy cầm cự để "sống" qua dịch, chứ không doanh nghiệp nào có lãi. Thậm chí nhiều doanh nghiệp chạy bù lỗ không đủ nhưng vẫn cố gắng chạy vì khách hàng, vì thương hiệu. Hiện nay, vận tải hết sức khó khăn, xe vay nợ ngân hàng, chạy thì không có khách, bán thì không ai mua.
"Chi phí cho một chuyến xe tuyến ngắn khi xuất bến gần 3 triệu đồng, nếu một chuyến xe có khoảng 10 khách thì không đủ trả cho chi phí này, đó là còn chưa kể lương nhân viên, khấu hao tài sản"..., anh Minh trần tình.
Là một doanh nghiệp vận tải hành khách lớn trên địa bàn Hải Phòng, tuy nhiên sau nhiều tháng, Công ty TNHH Vận tải Bus Hải Phòng đã phải dừng hoạt động chở khách đến và đi bến xe Nước Ngầm, Hà Nội. Còn đối với bến xe Gia Lâm, hiện doanh nghiệp cũng chỉ duy trì hoạt động 2 tuyến: Hà Nội - Thái Bình và Hà Nội - Hải Phòng. Lý giải về việc ngừng hoạt động, doanh nghiệp cho biết doanh thu sản xuất, kinh doanh thời gian này gần như không có lãi.
"Lượng hành khách trên tuyến giảm sút rõ rệt nên doanh nghiệp chỉ duy trì tuyến để có xe đi lại, chứ thực ra doanh nghiệp lỗ rất nhiều", ông Nguyễn Mạnh Chiến, Trưởng Điều hành bến, Công ty TNHH Vận tải Bus Hải Phòng, cho hay.
Bắt đầu từ ngày 4/10, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam mở bán vé tàu địa phương phục vụ dịp cao điểm vận tải Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 từ TP.Hồ Chí Minh đi Phan Thiết, Nha Trang, Quy Nhơn, Quảng Ngãi và ngược lại.
Các đoàn tàu áp dụng chính sách nguyên khoang, nguyên toa với ưu đãi giảm giá vé từ 10% đến 15%, cung cấp miễn phí suất ăn trên tàu. Tại các nhà ga, hành khách được bố trí phòng đợi hoặc khu vực chờ tàu riêng và bố trí lối đi riêng khi lên, xuống tàu…
Tuy nhiên, mặc dù áp dụng nhiều ưu đãi chưa từng nhưng lượng khách mua vẫn rất cầm chừng, nhiều hành khách sau khi mua vé còn trả lại do dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Ông Đặng Sỹ Mạnh,Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam khẳng định, "Chạy tàu Tết có thể không có lợi nhuận, thậm chí lỗ nhưng ngành đường sắt vẫn chạy để phục vụ người dân".
Chung "số phận", vé máy bay dịp tết năm nay cũng được ghi nhận rẻ nhất trong lịch sử. Thay vì tung hàng triệu vé tết từ giữa quý 2 như mọi năm, năm nay các hãng hàng không phải chờ tới nửa cuối tháng 12 mới chính thức công bố kế hoạch bay dịp tết.
Khảo sát trên trang bán vé điện tử Abay, vé máy bay chặng TP.HCM - Hà Nội ngày 26 tháng chạp (28/01) còn rất nhiều chuyến. Giá vé đã bao gồm thuế, phí cao nhất của hãng Bamboo Airways cũng chỉ chỉ hơn 1,9 triệu đồng/chiều. Thấp nhất là giá vé của Vietjet - chưa tới 1,5 triệu đồng/chiều.
Như vậy, so với mức hơn 7 triệu đồng/vé khứ hồi những mùa tết trước, năm nay những người con xa xứ chỉ mất 3 - 4 triệu đồng để có cặp vé ra Bắc ăn tết. Các chặng về miền Trung như TP.HCM - Đà Nẵng; TP.HCM - Huế... cũng tương tự, chỉ bằng khoảng 60 - 70% giá vé tết những năm trước.
Cần trợ lực để "mạch máu" vận tải được thông suốt
Hiện nay, theo phản ánh từ các doanh nghiệp vận tải, dù Chính Phủ đã có chính sách hỗ trợ, tuy nhiên, nhiều quy định ban hành còn nhiều rào cản khiến doanh nghiệp khó tiếp cận.
Đơn cử, về phía ngân hàng, trường hợp đồng ý cho doanh nghiệp vay nợ, chậm nộp, giảm lãi suất thì phải thành lập quỹ trích lập dự phòng. Gói hỗ trợ cũng chỉ áp dụng đối với những doanh nghiệp dừng hoạt động để cách ly y tế, người lao động bị cách ly, giãn cách xã hội, số lượng xe dừng hoạt động 100%. Thực tế, khác với vận tải khách, vận tải hàng hóa có những thời điểm phương tiện vẫn hoạt động, nhưng công suất chỉ đạt 40-50%. Doanh nghiệp muốn được hỗ trợ để giảm bớt thiệt hại nhưng không thể đăng ký thực hiện.
“Chính sách hỗ trợ của Chính phủ là vô cùng cần thiết, nhưng cho đến nay, rất ít doanh nghiệp tiếp cận được. Như với hoạt động ngân hàng, doanh nghiệp mong muốn phải giảm lãi hơn nữa, nhưng quy định chỉ giảm từ 2-3%, bằng với lãi suất huy động hiện nay. Mặt khác, các ngân hàng nên cơ cấu lại nợ của doanh nghiệp đến thời điểm này, cho trả chậm, giảm lãi suất và bỏ điều kiện trích lập quỹ dự phòng”, đại diện doanh nghiệp vận tải cho hay.
Trước những khó khăn của các doanh nghiệp vận tải hành khách, mới đây, Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục giảm phí sử dụng đường bộ đến hết ngày 30/6/2022 đối với xe ô tô kinh doanh vận tải, nghĩa là được kéo dài thêm 6 tháng so với quy định hiện nay.
Ngoài ra, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Theo dự thảo, mức phí, lệ phí áp dụng trong 35 lĩnh vực: môi trường, ngân hàng, xây dựng, chứng khoán, du lịch, sở hữu công nghiệp, giao thông vận tải…
Đồng thời, giảm 10-50% so với mức thu được ban hành tại các thông tư gốc. Thời gian giảm phí, lệ phí bắt đầu từ ngày 01/01 đến 30/06/2022. Trong lĩnh vực giao thông vận tải, dự thảo thông tư của Bộ Tài chính quy định mức phí sử dụng đường bộ đối với xe kinh doanh vận tải khách giảm 30%; xe tải, ô tô tải chuyên dùng, xe đầu kéo chuyên dùng giảm 10%.
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng đang sửa đổi Thông tư số 70 quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ theo hướng điều chỉnh chu kỳ kiểm định của ô tô chở người các loại đến 9 chỗ có kinh doanh vận tải, được điều chỉnh từ 18 tháng lên 24 tháng đối với chu kỳ đầu và từ 6 lên 12 tháng đối với chu kỳ định kỳ.
Ông Lê Văn Đức, Trưởng phòng Quản lý vận tải phương tiện Sở giao thông Vận tải cho biết thêm, hiện nay, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp vận tải vẫn tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết 68, người lao động liên hệ địa phương để làm thủ tục xin hỗ trợ. Với Doanh nghiệp có phương tiện ngưng hoạt động thì sẽ được miễn giảm phí bảo trì đường bộ, phía ngân hàng cũng có chính sách xóa nợ để các doanh nghiệp phục hồi sản xuất theo quy định của Chính phủ.