Đại biểu băn khoăn chuyện doanh nghiệp đầu tư 1 tỷ đồng nhưng phòng cháy mất 2-3 tỷ đồng
(DNTO) - Các đại biểu quốc hội cho rằng quy chuẩn phòng cháy chữa cháy đang quy định quá cao khiến doanh nghiệp rất sợ.
Ngày 28/8, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Đại biểu Đinh Ngọc Minh (đoàn Cà Mau) nhận định tiêu chuẩn, quy chuẩn phòng cháy chữa cháy đang quy định quá cao khiến doanh nghiệp rất sợ.
“Có doanh nghiệp chỉ đầu tư 1 tỷ đồng nhưng nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn, tiêu chí phòng cháy chữa cháy phải mất 2-3 tỷ đồng, lớn hơn nhiều tiền đầu tư. Không biết Luật lần này có giải quyết được bất cập vừa nêu hay không”, ông băn khoăn.
Đại biểu cũng đánh giá cao về vấn đề phân cấp trong thẩm tra, thẩm định phòng cháy chữa cháy. Tuy nhiên ông cũng băn khoăn rằng, cùng một công trình nhưng có hai cơ quan thẩm định (xây dựng và công an), điều này có thể gia tăng thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.
“Nên phân cấp thẩm quyền thẩm định dựa trên tính chất và quy mô của công trình, giao cho cơ quan công an hoặc cơ quan xây dựng chịu trách nhiệm chính. Điều này sẽ giúp giảm bớt thủ tục hành chính và tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp”, ông Minh đề xuất.
Theo dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải tham gia bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc với tài sản của cơ sở thuộc danh mục cơ sở phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc và thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm.
Chính phủ sẽ quy định danh mục cơ sở phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; mức phí bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; mức nộp, chế độ quản lý, sử dụng nguồn thu từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Với quy định trên, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) lo ngại rằng, khi luật có hiệu lực thì “lạm dụng lên danh mục nhiều, bắt các cơ sở phải mua bảo hiểm cháy nổ”.
Cùng đó, quy định hộ gia đình đăng ký sản xuất kinh doanh nhỏ, không phải doanh nghiệp, yêu cầu thành lập lực lượng phòng cháy, chữa cháy, đại biểu Hòa cũng đề nghị cân nhắc cho phù hợp bởi đây là quy định "quá khắt khe, khó thực hiện".
Theo dự thảo luật, các cơ sở (gồm nhà, công trình, địa điểm được sử dụng để ở, sản xuất, kinh doanh, hoạt động thương mại, làm việc hoặc mục đích khác) phải đảm bảo các điều kiện phòng cháy, chữa cháy.
Đại biểu Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình) nói cũng đề nghị phân biệt rõ các loại hình cơ sở sản xuất, kinh doanh dễ cháy nổ cần quy định khắt khe về phòng cháy, chữa cháy, không đủ điều kiện phòng cháy, chữa cháy phải chuyển hình thức sản xuất kinh doanh.
Còn với cơ sở sản xuất ít xảy ra cháy, dễ dàng cứu chữa, đại biểu Ngọc cho rằng cần quy định về quy chuẩn có thể dễ hơn để giảm chi phí và gánh nặng cho doanh nghiệp, người dân.
Dẫn số liệu, bà Ngọc cho biết các bộ, ngành đã ban hành 230 tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn thay đổi liên tục, thậm chí có tiêu chuẩn được cập nhật đến 3 lần chỉ trong vòng 3 năm. Nhiều tiêu chuẩn thiếu tính thực tiễn, không khả thi, khiến việc tuân thủ trở nên phức tạp.
Vì vậy, bà đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành cần rà soát, thống nhất lại hệ thống tiêu chuẩn hiện hành để tạo ra một môi trường pháp lý ổn định, thuận lợi cho việc thực hiện các quy định về phòng cháy chữa cháy.
Dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp 7 (tháng 5-2024) và dự kiến thông qua tại kỳ họp 8 vào tháng 10 tới.