Đã đến lúc các startup phải tự xoay sở
(DNTO) - Mặc dù được đánh giá là điểm sáng của khu vực Đông nam Á trong việc thu hút dòng vốn đầu tư mạo hiểm, nhưng Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng khó khăn chung của thị trường toàn cầu. Vì vậy các startup nên bắt đầu nghĩ đến phương án tự đứng trên đôi chân của mình.
Các quỹ sẽ chuyển từ đầu tư rủi ro chuyển sang trạng thái an toàn?
Bà Lê Hàn Tuệ Lâm - Giám đốc đại diện của Quỹ Nextrans (Hàn Quốc) tại Việt Nam trong cuộc trao đổi với VnEconomy dự đoán, dòng vốn đầu tư thực tế vào thị trường startup trong năm nay sẽ không cao, thậm chí sụt giảm trong 1-2 năm tới. Thị trường Việt Nam có độ trễ lớn nên tổng mức đầu tư vào starup trong năm 2022 có thể giảm từ 20-30% so với năm ngoái và đà giảm sẽ tiếp tục diễn ra trong năm những năm tới.
Bà cũng cho rằng, các quỹ và cơ cấu đầu tư sẽ chuyển từ trạng thái đầu tư rủi ro sang trạng thái an toàn và các lĩnh vực có hệ số an toàn hơn… Do thị trường thế giới đang có sự điều chỉnh mạnh. Điển hình như Facebook giảm từ hơn 1.000 tỷ xuống còn hơn 500 tỷ USD; Netflix và các cổ phiếu lớn cũng down “thảm thương” và hàng lợt nhóm các các cổ phiếu công nghệ nổi tiếng của Mỹ giảm từ 50- 70%.
Đây được coi là thời điểm suy thoái để điều chỉnh lại mặt bằng giá mới, hợp lý và hấp hẫn các nhà đầu tư hơn, do mặt bằng giá đã quá cao so với những năm trước đây. Các lĩnh vực được cho là có “sức khỏe” hơn trước đợt suy thoái chủ yếu là nhóm Big Tech, công nghệ cao, chuyên sâu... nhưng nhóm này chưa phải là thế mạnh của Việt Nam.
Và như vậy, thị trường Việt Nam cũng không thể nằm ngoài xu thế chung khi dự báo thị trường toàn cầu đi vào suy thoái. Bởi việc đưa ra mức định giá startup, Việt Nam vẫn phải lấy những thị trường lớn để làm chuẩn.
Các starup cần chuẩn bị nguồn lực tự có
Khi nguồn vốn cho các startup suy giảm, sự xoay sở lúc này là vô cùng khó khăn, hoặc phải dùng nguồn lực tự thân để giảm bớt gánh nặng, hoặc phải vừa tìm cách gọi vốn, vừa phải tìm nguồn vay để duy trì sự tồn tại của doanh nghiệp. Nhưng đây cũng là cơ hội để startup tính toán, tìm ra giá trị kinh doanh cốt lõi, xem mô hình kinh doanh của mình đã thực sự phù hợp tạo ra lợi nhuận hay chưa và tự chắt chiu lợi nhuận từ nguồn lực của mình.
Theo đánh giá, thị trường Việt Nam vẫn còn tiềm năng thu hút dòng tiền đầu tư nước ngoài nhưng những thương vụ trăm triệu USD dự báo là ít có hơn do sự suy giảm chung. Nhưng có thể, các nhà đầu tư sẽ chuyển hướng vào những starup có kết quả nhanh hơn. Khi các quỹ đầu tư nhìn thấy các dự án có giai đoạn sớm có thể bù được cho các thương vụ lớn thì cơ hội cho các satrup của Việt Nam vẫn còn hy vọng.
Năm 2021, Việt Nam thu hút được nguồn vốn lớn nhất là công nghệ tài chính, “fintech” (26,6%); thương mại điện tử (20,3%); công nghệ giáo dục, hoặc “edtech” (17,2%); công nghệ y tế, hay “healthtech” (7,8%); phần mềm dịch vụ (6,3%). Và trong nửa đầu năm 2022, hàng loạt startup Việt Nam vẫn tiếp tục nhận được nguồn vốn lớn, dù dòng vốn đầu tư mạo hiểm ảm đạm. Như: Sky Mavis (150 triệu USD), Con Cưng (90 triệu USD), OnPoint (50 triệu USD), Entobel (30 triệu USD), Finhay (25 triệu USD), Jio Health (20 triệu USD), Timo (20 triệu USD), POC Pharma (10,3 triệu USD), Mio (8 triệu USD), OpenCommerce Group (7 triệu USD)…
Như vậy, dù bức tranh chung có xu hướng đi xuống nhưng thị trường Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm sáng thu hút dòng vốn đầu tư mạo hiểm. Các startup cần phải có sự chuẩn bị chu đáo về nội lực, nắm bắt nhanh cơ hội nhưng cũng chuẩn bị tinh thần tự lực và đừng quá kỳ vọng khi thế giới đang đứng trước nhiều sóng gió.
Theo thống kê, tổng vốn đầu tư mạo hiểm vào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam năm 2021 đạt mức kỷ lục, hơn 1,4 tỷ USD. Tăng 3 lần năm 2020 và gấp 1,5 lần so với năm 2019.