Cuộc đua ‘superapp’ của các hãng công nghệ Đông Nam Á - Bài 2: Thử thách chồng chất
(DNTO) - Đã có rất nhiều kỳ vọng vào sự thành công của mô hình "superapp" tại thị trường Đông Nam Á, nhưng tình thế thay đổi hiện mang đến các thách thức lớn cho Grab và GoTo.
Làn sóng đó tích tụ thành kỳ tích vang dội của Grab khi họ nhảy lên thị trường chứng khoán, thông qua một phi vụ sáp nhập trị giá 40 tỷ đô la với một công ty ở New York vào hồi 2021. Tiếp theo đó là hãng dịch vụ mướn xe công nghệ Indonesia, Gojek, sáp nhập với hãng thương mại điện tử đồng hương Tokopedia, lên sàn chứng khoán Jakarta vào hồi 2022 với định giá 32 tỷ đô la.
Gió đổi chiều
Mô hình của các hãng này thường xuyên chiêu dụ khách hàng với các trợ cấp cho giảm giá, lợi ích phụ trội như giao hàng miễn phí, phần thưởng,... đã giúp họ thống trị các thị trường từ Thái Lan cho đến Philipines. Nhưng nay mô hình đó đang phải đối mặt với thử thách thật sự.
GoTo, cũng như Grab, đã phải thực hiện nhiều đợt cắt giảm nhân sự, cũng như hủy bỏ nhiều dịch vụ kinh doanh.
Ngoài việc phải sa thải 11% nhân sự, tương đương hơn 1.000 nhân viên, tháng trước Grab cũng đã phải cắt giảm dịch vụ thuê mướn bếp nấu ăn, xóa bỏ các chương trình khuyến mãi cho dịch vụ vận chuyển thực phẩm và cắt giảm nỗ lực mở rộng sang các ngành khác như giải trí.
Nhà sáng lập Grab, Anthony Tan, cho biết việc cắt giảm nhân sự không phải là một “lối tắt” để đạt lợi nhuận. Ông nói công ty có gốc Singapore này vẫn đang trên đà để đạt hòa vốn vào cuối năm nay sau khi điều chỉnh lợi nhuận cơ bản.
Nhưng điều này sẽ dẫn đến mức tăng trưởng chậm lại đáng kể và ít giao dịch từ khách hàng.
Grab báo cáo mức lỗ thấp hơn trong quý 1/2023, khoảng 244 triệu đô la. Tuy vậy, tổng giá trị hàng hóa và doanh số bán hàng chỉ tăng 3%, so với con số đến 24% của hồi 2022, trong khi mức tăng trưởng đạt 11% so với cùng kỳ năm ngoái.
GoTo cũng đã báo cáo mức lỗ đi xuống trong 3 tháng đầu 2023, lỗ ròng 3,9 nghìn tỷ Rp (260 triệu USD). Nhưng mức tăng trưởng của GoTo cũng đã chậm lại rất nhiều, với tổng giá trị giao dịch chỉ tăng 6% lên 149 nghìn tỷ Rp so với cùng kỳ năm ngoái. Kèm theo đó, họ đã đạt mức tăng trưởng 33% trong toàn 2022, và nay chỉ 18% trong quý 1/2023.
“Mức tăng trưởng chậm lại đã đến từ quyết định có chủ ý của chúng tôi trong quá trình thanh lọc các mối giao dịch chất lượng thấp, dựa dẫm vào trợ cấp, để chúng tôi có thể điều chỉnh cho một tương lai mà bất kỳ người dùng nào cũng được lợi” - theo tuyên bố chính thức từ GoTo.
GoTo, cũng như Grab, đã phải thực hiện nhiều đợt cắt giảm nhân sự, cũng như hủy bỏ nhiều dịch vụ kinh doanh chẳng hạn như GoClean, chuyên cung cấp dịch vụ dọn dẹp nhà cửa, và GoMassage, vốn đem dịch vụ massage đến tận nhà cho người tiêu dùng.
Tháng trước, tập đoành Indonesia này đã bổ nhiệm Patrick Walujo, một nhà kinh doanh nổi tiếng trong nước, và là nhà đầu tư lâu năm, vào vai trò Giám đốc điều hành - một bước tiến có thể đem đến nhiều thay đổi.
Một nhà đầu tư đánh giá Patrick Walujo là doanh nhân tài ba, và không mấy bám víu đến quá khứ. “Nếu có những quyết định khó khăn phải đưa ra hoặc những thỏa thuận cần thực hiện, ông ấy sẽ sẵn sàng làm điều đó.”
Sức sống của “superapp”
Shane Chesson, đối tác sáng lập của Openspace, nhà quản lý quỹ đầu tư mạo hiểm và là một trong những nhà đầu tư đầu tiên vào Gojek, cho biết mô hình “superapp” vẫn “có lý” để nắm bắt nhu cầu hàng ngày của khách hàng. “Các công ty này đã điều chỉnh để chú trọng vào những khía cạnh thiết yếu và loại bỏ những dịch vụ phù phiếm. Những kỳ vọng từ việc liên tục giảm giá cũng đã được kiểm soát,” Chesson nói.
Có ý kiến cho rằng GoTo và Grab đang dàn trải quá mỏng.
Một giám đốc điều hành giấu tên của Grab cho biết mặc dù công ty đã “sắp xếp hợp lý hơn”, nhưng họ vẫn tin rằng mình có thể cung cấp nhiều dịch vụ và có lợi nhuận tương tự như Uber, hãng cung cấp dịch vụ giao đồ ăn và mướn xe công nghệ. Uber, công ty có trụ sở tại San Francisco, cũng là một nhà đầu tư vào Grab. Trong tháng 5 vừa qua, Uber đã báo cáo thu nhập kỷ lục trong quý đầu tiên của năm.
Nhiều người vẫn nghi ngại liệu các “superapp” tại thị trường châu Á có thể đem lại lợi nhuận cho các nhà đầu tư. GoTo và Grab quả quyết cơ hội vẫn còn dồi dào trong thị trường Đông Nam Á, bởi mức độ thâm nhập thị trường còn thấp. Tuy vậy, họ vẫn còn phải đối mặt với rất nhiều cạnh tranh.
Trong 12 tháng qua, một đối thủ có “hầu bao dày” đến từ Trung Quốc là TikTok Shop, thuộc ByteDance, đã chen lấn thị trường. Bên cạnh đó là gã khổng lồ Sea, được hậu thuẫn bởi Tencent, đã mở rộng sàn thương mại điện tử Shopee của họ sang dịch vụ vận chuyển thức ăn, tài chính, những lĩnh vực mà Grab và GoTo cũng đang nhắm tới.
Có ý kiến cho rằng GoTo và Grab đang dàn trải quá mỏng. Một nhà đầu tư quốc tế nói: “Các công ty này vẫn đưa ra quá nhiều dịch vụ trong một tiện ích di động, so với mô hình của Uber, trong khi đối đầu với quá nhiều đối thủ”.
Nhà đầu tư này đã từ chối đầu tư vào Gojek vào 2019. “Tôi không nghĩ mô hình ‘superapp’ đã đủ trưởng thành để có thể đạt một tương lai bền vững. Đó vẫn là lựa chọn giữa tăng trưởng hay lợi nhuận, ta không thể chọn cả hai”.