Cú sa cơ phá sản của tỷ phú trùm ngân hàng Alvaro Saieh
(DNTO) - Alvaro Saieh, doanh nhân giàu nhất Chile, đã nộp đơn xin phá sản vào tháng 6/2021 và bị loại khỏi danh sách tỷ phú thế giới năm 2022 của Forbes. Hành trình "tuột dốc không phanh" của ông trùm ngân hàng này đã diễn biến ra sao?
Đầu tháng 6 vừa qua, nhà đấu giá Christie’s đã rao bán các tác phẩm nghệ thuật từ bộ sưu tập Alana vốn thuộc quyền sở hữu của trùm ngân hàng Alvaro Saieh, doanh nhân giàu nhất Chile.
Đây là một trong những bộ sưu tập quan trọng nhất gồm các bức tranh, điêu khắc và cổ vật của kho báu Ý. Chúng bao gồm 50 tác phẩm thuộc đủ các trường phái, từ ấn tượng, hiện đại đến hậu chiến, đã từng lưu dấu ấn trưng bày nhiều nơi như Hồng Kông, London, Los Angeles và New York.
Tất cả đã được chào bán qua cuộc đấu giá diễn ra tại Rockefeller Plaza ở thành phố Manhattan thông qua Christie’s, và được kỳ vọng sẽ thu được từ 30 đến 50 triệu USD. Tuy nhiên rút cuộc chỉ bán được 22 tác phẩm, thu về số tiền vỏn vẹn 19 triệu USD.
Người phát ngôn của Christie’s chống chế, mặc dù kết quả không hoàn toàn đáp ứng được kỳ vọng của hãng đấu giá, nhưng qua sự kiện này, tầm quan trọng, vẻ đẹp và tính chất bách khoa của bộ sưu tập đã được ngưỡng mộ rộng rãi ở châu Á, châu Âu và Hoa Kỳ.
Bộ sưu tập vốn thuộc về Alvaro Saieh, một trong những doanh nhân giàu nhất Chile, nhân vật đã lọt vào danh sách tỷ phú thế giới của Forbes vào năm 2013 với tài sản ròng đạt đỉnh 3,2 tỷ USD vào năm 2018.
Thời điểm tuột dốc không phanh của Saieh đã đến khi ông sa chân vào nợ nần lên đến con số 1,8 tỷ đô la. Ngân hàng CGB của ông không trả được lãi cho trái phiếu và phải nộp đơn phá sản vào tháng 6 năm 2021. Hệ quả là tên ông bị loại khỏi danh sách tỷ phú thế giới năm 2022 của Forbes, được xuất bản hồi tháng Tư vừa qua.
Tất cả tiến trình cuộc đấu giá đều do Catalina, con gái Saieh đứng ra xử lý. Cô có tên trong hội đồng quản trị của CGB, là Chủ tịch Aprendamos và Descubreme. Cả hai quỹ gia đình này đều tài trợ cơ hội cho những người khuyết tật về nhận thức. Catalina cũng là Phó chủ tịch của Quỹ hỗ trợ nghệ thuật CorpArtes ở Chile.
Riêng ông chủ 72 tuổi Alvaro Saieh là vị tỷ phú mà niềm đam mê nghệ thuật đã thấm vào máu. Ông xem việc đứng trước tác phẩm của danh họa Leonardo da Vinci trong 20 phút, lắng nghe nhận xét và phân tích tranh của một trong những học giả giỏi nhất, là thiên đường đối với ông.
Saieh cho rằng được trở thành nhà sưu tập là một trong những đặc ân to lớn của cuộc đời. Ông có thói quen cứ mua một bức tranh là bán bớt đi một tác phẩm. Saieh cũng vừa bán căn hộ mua năm 2007 giá 26 triệu USD nhìn ra Công viên Trung tâm Manhattan. Năm nay căn hộ này được niêm yết trên Sotheby’s với giá 49 triệu đô la. Saieh vẫn sở hữu một hợp tác xã trong thành phố, vốn mua lại từ vợ chồng nhà báo người Anh Harold Evans với giá 6,6 triệu đô la vào năm 2018.
Có cha là người Chile nhưng Saieh sinh ra ở Colombia và lớn lên tại Talca, Chile, một thành phố cách Santiago 160 dặm về phía nam. Là người đầu tiên trong gia đình lên đại học, ông theo ngành Kinh tế học tại Đại học Chicago dưới sự hướng dẫn của nhà kinh tế thị trường tự do đoạt giải Nobel Milton Friedman.
Sau khi lấy bằng tiến sĩ, ông bắt đầu làm việc tại Liên Hợp Quốc rồi gia nhập Ngân hàng Trung ương Chile với tư cách là nhà quản lý nghiên cứu. Do được một nhóm doanh nhân quan tâm thuê làm cố vấn, Saieh được ưu tiên cơ hội mua lại 10% cổ phần của ngân hàng và chính ông đã đứng ra quản lý nó.
Năm 1986, sử dụng tiền tiết kiệm và vay thêm từ mẹ, Saieh đã mua lại ngân hàng với giá 10 triệu đô la. Rồi vào thời điểm ngân hàng Tây Ban Nha Santander mua 51% cổ phần của Banco Osorno với giá 496 triệu USD thì Saieh đã sở hữu được 14% cổ phần, trị giá gần 130 triệu USD tại đây.
Ông cũng đã chi 60 triệu USD để mua lại Banco de Concepcion, sau này trở thành ngân hàng tư nhân lớn thứ năm ở Chile.
Trong hai thập kỷ tiếp theo, Saieh phân nhánh sang lĩnh vực bán lẻ, mua siêu thị và chuỗi cửa hàng, cùng “chăm chỉ” tài trợ cho các giao dịch bằng nợ.
Ông cũng mua cổ phần có kiểm soát tại một trong những tập đoàn truyền thông hàng đầu của Chile là Copesa.
Thế rồi vận hạn bắt đầu ập đến. Năm 2014, CorpBanca của Saieh đồng ý sáp nhập với chi nhánh Chile của ngân hàng Brazil Itau Unibanco. Trong khi chờ đợi thỏa thuận sẽ được tất toán hai năm sau, các bên đã ký một tín dụng thư, trong đó CGB đã vay tổng cộng 1,2 tỷ đô la dưới hình thức hạn mức tín dụng và ông đã sử dụng cổ phần cuối cùng còn trong tay làm tài sản thế chấp. Cú vỡ nợ vào tháng 6 năm 2021 đã tước cơ hội hồi phục của cuộc đánh cược mạo hiểm mà Alvaro Saieh nhúng tay.
Không tính những vấn đề do chính bản thân Saieh tự gây ra dẫn đến phá sản gia nghiệp, còn có những tác nhân khác nằm ngoài tầm kiểm soát của ông. Đó là các cuộc biểu tình bạo lực nổ ra ở Chile vào năm 2019 vì giá giao thông công cộng cao ngất trong khi quỹ lương hưu lại thấp, dẫn đến bất ổn kinh tế đất nước và làm giảm đáng kể khoản chi trả cổ tức của Itau CorpBanca cho CGB của Saieh.
Rồi sau đó đại dịch toàn cầu bồi thêm vào sự đổ vỡ, thế là CGB phá sản với cục nợ khổng lồ, 1,8 tỷ USD.