Tỷ phú Marc Lore và dự án 400 tỷ USD xây dựng thành phố sa mạc tại Mỹ
(DNTO) - Với 400 tỷ USD tài trợ, tỷ phú Marc Lore đã vạch ra tầm nhìn về Telosa, một thành phố mới ở Mỹ chứa 5 triệu cư dân, và chỉ định kiến trúc sư nổi tiếng thế giới để thiết kế nó, một đô thị sa mạc hiện đại.
Tỷ phú Marc Lore đã tự vạch ra tầm nhìn về một thành phố mới ở Mỹ có dân số 5 triệu người. Đó là tổng hợp giữa sự sạch sẽ Tokyo, nét đa dạng New York và các dịch vụ xã hội của Stockholm. Với sẵn 400 triệu USd tiền tài trợ ông cần thêm hai thứ nữa, một sa mạc nào đó để xây dựng và một kiến trúc sư nổi tiếng thế giới để thiết kế.
Kế hoạch Telosa vừa được vị cựu giám đốc điều hành Walmart này tiết lộ: đô thị bền vững sẽ nằm giữa sa mạc nước Mỹ. Đề xuất đầy tham vọng kể trên có diện tích rộng 150.000 mẫu Anh, được hình thành với phong cách kiến trúc thân thiện môi trường, sản xuất năng lượng bền vững và có hệ thống nước nhắm mục đích chống hạn. Telosa cũng sẽ cho phép cư dân tiếp cận nơi làm việc, trường học và các tiện nghi chỉ trong vòng một phần tư giờ đi làm, tính từ nhà mỗi thị dân.
Mặc dù các nhà lập kế hoạch vẫn chưa chốt chọn địa điểm để xây dựng, nhưng các mục tiêu có thể bao gồm Nevada, Utah, Idaho, Arizona, Texas và vùng Appalachian. Công ty kiến trúc Bjarke Ingels Group (BIG) được vinh dự trao thầu biến giấc mơ không tưởng của Lore thành hiện thực.
Theo hình ảnh sa bàn của một trong những đồ án đề xuất, các tòa nhà dân cư được cây xanh bao phủ để cư dân thoải mái tận hưởng không gian thoáng đãng. Mọi phương tiện dùng nhiên liệu hóa thạch bị cấm chạy trong thành phố. Những con đường ngập nắng ở đây sẽ chỉ toàn xe scooter, phương tiện tự hành và người đi bộ lưu thông.
Một hình ảnh dự án khác mô tả một tòa nhà chọc trời mang tên Tháp Equitism, được xem là "ngọn hải đăng cho thành phố." Tòa nhà có kho chứa nước trên cao, các trang trại khí canh và hệ thống mái nhà quang điện sản xuất chia sẻ và phân phối năng lượng. Giai đoạn đầu của tiến trình xây dựng hướng mục tiêu phục vụ 50.000 cư dân trên 1.500 mẫu Anh, đi kèm với chi phí ước tính là 25 tỷ USD. Toàn bộ dự án dự kiến sẽ vượt quá 400 tỷ USD, với mục tiêu dân số thành phố là 5 triệu người, sẽ lấp đầy trong vòng 40 năm.
Theo các nhà tổ chức, nguồn tài trợ tài trợ khá phong phú và đa dạng, bao gồm các nhà đầu tư tư nhân, nhóm từ thiện, trợ cấp từ liên bang, tiểu bang và quỹ phát triển kinh tế. Ê-kíp quy hoạch kỳ vọng sẽ sớm tiếp cận sự thông phép từ cơ quan chính quyền để Telosa kịp chào đón những cư dân đầu tiên vào năm 2030.
Ngoài thiết kế đô thị sáng tạo, dự án cũng hứa hẹn một hệ thống quản trị minh bạch mang khuynh hướng mô hình mới cho xã hội. Được lấy tên từ tiếng Hy Lạp cổ đại "telos" - thuật ngữ nhà triết học Aristotle từng dùng để mô tả một mục đích tầm cao - thành phố sa mạc sẽ cho phép người dân tham gia vào quá trình ra quyết định và lập ngân sách, trong khi đó, tài sản cộng đồng sẽ cung cấp cho cư dân quyền sở hữu chung đối với đất đai.
Với tỷ phú Marc Lore, Telosa sẽ là thành phố cởi mở, công bằng và hòa nhập nhất trên thế giới. Lore đã thành lập Jet.com trước khi sang tay cho Walmart và gia nhập gã khổng lồ bán lẻ với tư cách là người đứng đầu thương mại điện tử của Mỹ vào năm 2016.
Đầu năm nay, Lore nghỉ công ty, bắt đầu kế hoạch nghỉ hưu bao gồm làm việc trên một chương trình truyền hình thực tế, tư vấn cho các công ty khởi nghiệp và xây dựng thành phố tương lai lấy cảm hứng từ nhà kinh tế học và lý thuyết xã hội người Mỹ Henry George.
Kiến trúc sư người Đan Mạch Bjarke Ingels, nhà sáng lập BIG, sẽ chủ trì công trình này. Công ty của ông từng nổi tiếng trong giới xây dựng khi lắp đặt một dốc trượt tuyết trên đỉnh nhà máy điện Copenhagen, và đã đồng thiết kế trụ sở mới của Google ở London và California.
Vào tháng 1 năm ngoái, hãng sản xuất ô-tô Nhật Toyota cũng tiết lộ, họ đã ủy quyền cho BIG lập quy hoạch tổng thể cho một thành phố mới với dân số 2.000 người ở chân núi Phú Sĩ mang tên Woven City. Mặc dù không bề thế như dự án Telosa, nhưng nơi đây hứa hẹn sẽ trở thành xứ sở của xe tự hành, công nghệ thông minh và cuộc sống có sự hỗ trợ của robot.