Cơn chìm nổi của tiền điện tử chỉ mới bắt đầu
(DNTO) - Quyết định siết chặt hoạt động của sàn giao dịch tiền điện tử lớn toàn cầu Binance của các cơ quan quản lý tài chính gần đây cho thấy, thị trường tiền điện tử khó bề "sóng yên biển lặng".
Binance vì sao bị cấm hoạt động tại Anh?
Binance là một trong những sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất trên toàn thế giới. Tuy nhiên, Cơ quan Quản lý Tài chính Vương quốc Anh (FCA) vẫn ban hành lệnh cấm hoạt động của Binance tại quốc gia này và chính thức có hiệu lực từ ngày 30/6/2021. Theo đó, FCA đã yêu cầu các công ty cung cấp dịch vụ tài chính ở Vương quốc Anh phải đăng ký với họ, nhưng Binance đã không đáp ứng yêu cầu, do đó, không được cấp phép hoạt động trong nước.
Nhà phân tích tài chính Laith Khalaf của AJ Bell cho biết, FCA không điều chỉnh các loại tiền ảo mà chỉ điều chỉnh các sản phẩm tài chính liên kết với chúng. Nền tảng Binance cung cấp các sản phẩm phái sinh với đòn bẩy lên đến 4 lần trên một loạt các loại tiền ảo có tính biến động cao. Điều này có nghĩa là cả lãi và lỗ đều được nhân với 4.
“Chính những sản phẩm rủi ro cao đã thu hút sự chú ý của các cơ quan quản lý. Kể từ tháng 1, FCA đã ban hành lệnh cấm giao dịch trao đổi và các giao dịch phái sinh, đồng thời theo dõi các loại tiền kỹ thuật số như Ethereum và Bitcoin cho các nhà đầu tư bán lẻ, sau khi kết luận rằng họ có nguy cơ bị mất những khoản tiền lớn một cách bất ngờ”, Laith Khalaf phân tích.
Trước quy định này, những người dân tại Anh đang giao dịch tiền điện tử trên Binance có thể sẽ không còn truy cập được vào sàn giao dịch này nữa. Song, người phát ngôn của Binance cho biết: “Thông báo của FCA Vương quốc Anh không có tác động trực tiếp đến các dịch vụ được cung cấp trên Binance.com. Mối quan hệ của chúng tôi với người dùng không thay đổi. Chúng tôi thực hiện phương pháp hợp tác khi làm việc với các cơ quan quản lý và chúng tôi rất coi trọng các nghĩa vụ tuân thủ của mình. Hiện tại, Binance đang tích cực bám sát các chính sách, quy tắc và luật thay đổi trong không gian mới này”.
Như vậy, giao dịch tiền điện tử vẫn có thể thực hiện được, vì các hoạt động này hoàn toàn không được kiểm soát. Tuy nhiên, FCA đã phát đi cảnh báo tới những người cố ý chống lại quy định mới và khuyến khích họ rút tài sản khỏi Binance.
Trước đó, Binance và nhiều sàn giao dịch tiền điện tử khác đã gửi đơn đăng ký của mình lên FCA để ra mắt các tài sản kỹ thuật số tại thị trường Anh. Nhưng nhiều sàn giao dịch, bao gồm cả Binance, đã rút đơn đăng ký sau đó với lý do là, họ không thể đáp ứng các yêu cầu chống rửa tiền của FCA. Cụ thể, Binance rút đơn đăng ký vào ngày 17/5/2021.
Người phát ngôn của FCA khẳng định, Binance đã nằm trong tầm ngắm của cơ quan giám sát trong một thời gian khá dài. Vì vậy, lệnh cấm này được ban hành tại thị trường Anh không phải là một quyết định tự phát. Đồng thời tuyên bố, lệnh cấm không bao gồm mọi hoạt động của Binance trên thị trường, nghĩa là Binance có thể vẫn cung cấp dịch vụ giao dịch tiền điện tử cho người dân Anh thông qua sàn giao dịch chính thức của nó, không có trụ sở đặt tại Anh. Ngoài ra, mọi quảng cáo của Binance đang diễn ra trên đất nước này cũng phải bị dỡ bỏ trước ngày 30/6.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh, ông Andrew Bailey cho biết, các loại tiền kỹ thuật số sẽ không nhận được chấp nhận theo quy định trong tương lai, bất chấp những tiềm năng đổi mới của chúng. Ông cũng nhấn mạnh quan điểm trước đó rằng, Bitcoin không phải là tiền và không có giá trị nội tại bởi vì nó không có sự hỗ trợ nào cả.
Tác động đến thị trường tiền điện tử
Hành động nghiêm cấm hoạt động của Binance của các cơ quan quản lý tài chính gần đây cho thấy, ngành công nghiệp tiền điện tử phải chuẩn bị cho các cuộc siết chặt với nhiều quy định hơn từ các cơ quan có thẩm quyền.
Ngoài động thái quyết liệt gần đây của Vương quốc Anh, các cơ quan quản lý tài chính ở Hoa Kỳ, Nhật Bản và Canada cũng đang thăm dò sàn giao dịch Binance, do không tuân thủ các yêu cầu quy định tại những nước này. Cụ thể Uỷ ban Giao dịch và Chứng khoán Hoa Kỳ đã mở rộng điều tra để tìm các cáo buộc về trốn thuế và rửa tiền.
Binance cũng tiết lộ, họ đang phải tạm dừng các hoạt động của mình ở Ontario, Canada trước cáo buộc Binance và các sàn giao dịch tiền điện tử khác đã không tuân thủ các quy định để hoạt động trong nước. Điều này cũng diễn ra tương tự tại Ủy ban Quản lý Giám sát Tài chính Nhật Bản. Tất cả những áp lực trên đang làm lung lay nền tảng mà tiền điện tử và công nghệ blockchain xây dựng bấy lâu nay.
Hai ngày sau khi FCA ban hành lệnh cấm hoạt động Binance ở Anh, khách hàng của Binance hiện đang phải đối mặt với vấn đề rút tiền. Theo báo cáo mới nhất của Financial Times, khách hàng của Binance ở Anh đã mất khả năng rút và gửi đồng Bảng Anh qua thanh toán Faster, một trong những hệ thống thanh toán chính của đất nước. Faster Payments là mạng lưới thanh toán được các ngân hàng ở Vương quốc Anh sử dụng rộng rãi để chuyển tiền đến và đi từ các sàn giao dịch. Việc tạm ngừng rút tiền và gửi tiền gần đây tạo ra một rào cản lớn trong dòng chảy thanh khoản giữa tiền điện tử và tiền pháp định.
Vào ngày 28/6, Binance cũng thông báo, khả năng loại bỏ Bảng Anh qua hình thức giao dịch đã bị “tạm ngừng để bảo trì”. Tuy nhiên, Binance chưa đưa ra bình luận về việc sẽ mất bao lâu để tiếp tục hoạt động bình thường. Một số người đã liên hệ với Binance trên Twitter để hỏi về việc tạm ngưng Faster Payments. Binance chỉ lưu ý rằng, khách hàng ở Anh vẫn có thể chuyển tiền bằng tài khoản ngân hàng.
Theo một chuyên gia tài chính số, ngành công nghiệp tiền điện tử sinh ra nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch mà không có sự can thiệp của các bên thứ ba hoặc trung gian. Giờ đây, việc bắt buộc các nhà khai thác hoạt động dựa trên các quy định tài chính đang trở thành nỗi lo lắng đối với những người đam mê loại hình này.
Ông Saponaro, người đồng sáng lập tiền điện tử Divi và hệ sinh thái thanh toán blockchain Divi Project cho biết, vấn đề thực sự với các sàn giao dịch tiền điện tử là chúng vẫn tập trung, trong đó có một bộ phận quản lý tiền của người dùng, gần giống như một ngân hàng. Điều này trái ngược với những gì tiền điện tử và công nghệ blockchain được thiết kế và tất cả các sàn giao dịch nên được phân cấp hoàn toàn, cho phép người dùng có toàn quyền kiểm soát đối với các đồng tiền kỹ thuật số của họ.
"Các Chính phủ của từng khu vực tài phán, đặc biệt là G7, cần phải có đầy đủ sự minh bạch và tự tin cung cấp cho chúng tôi các quy định về những gì chúng tôi có thể, hay không thể làm và nó cần phải phù hợp với những gì công nghệ thực sự đạt được", nhà sáng lập Divi Project đề nghị.
Ở một góc nhìn khác, những người đầu cơ giá lên tiền điện tử thường giải thích hành động quản lý cứng rắn của chính quyền là một dấu hiệu cho thấy, thị trường đang trưởng thành. Họ cũng có vẻ tự tin rằng Bitcoin không thể phá vỡ mức hỗ trợ 30.000 USD, mức giá đang được các nhà đầu tư theo dõi chặt chẽ vào cuối tuần qua.
Trước đó, Bitcoin đã mất hơn nửa giá trị từ mức 65.000 USD/BTC xuống dưới 30.000 USD do lo ngại về tác động môi trường và Trung Quốc có động thái cứng rắn cấm khai thác Bitcoin. Đến hiện tại, đồng tiền điện tử lớn nhất đã tăng tới 8% và gần đây đang được giao dịch quanh mức khoảng 34.580 USD/BTC, với vốn hoá toàn thị trường tăng khoảng 5% lên 1,44 nghìn tỷ USD theo định giá của CoinGecko.