Cổ súy cho EVN làm các dự án nhiệt điện, cả hệ thống tín dụng sẽ lao đao
(DNTO) - Hệ thống tín dụng Việt Nam sẽ gặp nhiều rủi ro nếu các ngân hàng thương mại dồn lực cho EVN vay để tiếp tục phát triển các dự án nhiệt điện trong thời gian tới, ông Phạm Xuân Hòe, chuyên gia tài chính ngân hàng chia sẻ
Trong Dự thảo Quy hoạch điện VIII, tổng vốn đầu tư phát triển điện lực giai đoạn 2021-2030 khoảng 128,3 tỷ USD, như vậy, trung bình mỗi năm cần đầu tư khoảng 12,8 tỷ USD.
Để thu hút vốn đầu tư cho ngành điện, trong Dự thảo này, Bộ Công thương đề nghị Chính phủ giao nhiệm vụ cho Ngân hàng Nhà nước để Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo Ngân hàng thương mại cho vay trên 15% vốn tự có của ngân hàng đối với một khách hàng và trên 25% đối với một nhóm khách hàng khi thực hiện đầu tư các dự án phát triển điện.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước, đề xuất trên của Bộ Công thương thực chất đang “bảo vệ” Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm các dự án nhiệt điện.
Bởi theo quy hoạch điện VIII, tới năm 2030, tổng công suất đặt nguồn điện của Việt Nam đạt 137,2GW (trong đó nhiệt điện than vẫn chiếm tới 27%; nhiệt điện khí 21%; thủy điện 18%; điện gió, mặt trời và năng lượng tái tạo khác 29%... Như vậy, nhiệt điện than vẫn chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu nguồn điện và cần lượng vốn lớn để phát triển.
“Xây dựng 1 nhà máy nhiệt điện 600 MW cần hơn 1 tỷ USD. Trong khi vốn tự có của ngân hàng thương mại lớn nhất ở Việt Nam hiện nay chỉ hơn 3 tỷ USD. Như vậy, nếu cho vay quá 15% vốn tự có sẽ xảy ra hệ lụy gì?”, ông Hòe đặt vấn đề trong tọa đàm “Gỡ nút thắt đầu tư của ngành điện Việt Nam”, ngày 30/3.
Ở khía cạnh khác, theo ông Hòe, việc Bộ Công thương đề xuất các ngân hàng thương mại cho vay quá 15% vốn tự có là đi ngược lại với Luật các tổ chức tín dụng.
Cụ thể, để đảm bảo rủi ro được san sẻ, Điều 128 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 quy định giới hạn cấp tín dụng như sau: Tổng mức dư nợ cấp tín dụng của một khách hàng không vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại; tổng mức dư nợ của một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 25% vốn tự có của ngân hàng thương mại.
Đặc biệt, luật này cũng quy định việc các cá nhân, tổ chức không được can thiệp trực tiếp vào việc cho vay của các ngân hàng thương mại. Vì vậy, theo ông Hòe, việc chỉ định ngân hàng thương mại cho vay theo đề xuất của Bộ Công thương sẽ khiến thị trường tín dụng méo mó, rủi ro, thể hiện rõ ở 4 khía cạnh.
Thứ nhất, khi các ngân hàng tập trung cho EVN vay, khi EVN xảy ra vấn đề, cả hệ thống tài chính sẽ rất nguy hiểm. “Việc phát triển và huy động vốn cho ngành điện cần tính toán đến sự an toàn của hệ thống tài chính”, ông Hòe nhấn mạnh.
Thứ hai, việc các ngân hàng thương mại không cân đối được nguồn vốn sẽ dẫn đến câu chuyện tiếp tục phải vay vốn Hỗ trợ Phát triển Chính thức (ODA) và vay ưu đãi từ Trung Quốc.
Thứ ba, thị trường điện sẽ vẫn độc quyền, khó cạnh tranh bởi nếu nhiệt điện than vẫn tiếp tục bành trướng, EVN vẫn sẽ ưu tiên mua điện từ các công ty nhiệt điện than thuộc EVN, không mua của điện gió, điện mặt trời từ các nhà đầu tư tư nhân.
“Các nhà đầu tư điện gió, điện mặt trời chịu lỗ rất lớn khi điện sản xuất ra bị cắt vì EVN không mua, như vậy sẽ không thể xã hội hóa ngành điện, không thể thực hiện được tinh thần của Nghị quyết 55 về gọi vốn đầu tư nước ngoài, và xã hội hóa đầu tư tư nhân trong ngành điện”, ông Hòe nhấn mạnh.
Rủi ro thứ tư, theo ông Hòe chính là việc Việt Nam sẽ không huy động được vốn từ các quỹ tài chính xanh toàn cầu vì hiện các định chế tài chính quốc tế đều thoái vốn khỏi nhiệt điện than. Điều này kéo theo thị trường trái phiếu xanh của Việt Nam cũng không phát triển để đầu tư dài hạn cho các ngành nói chung, trong đó có ngành điện.