Cơ chế 'hút' vốn trong quy hoạch điện VIII khó hấp dẫn các nhà đầu tư
(DNTO) - Giai đoạn 2021-2030 cần khoảng 128,3 tỷ USD đầu tư phát triển điện (theo Quy hoạch điện VIII). Tuy nhiên, quy định đấu thầu chưa hoàn chỉnh, hiệu quả đầu tư giảm sẽ khiến các nhà đầu tư chùn bước khi muốn rót tiền vào lĩnh vực năng lượng.
Theo Quy hoạch điện VIII, giai đoạn 2021-2030, Việt Nam cần khoảng 128,3 tỷ USD để phát triển ngành điện, trong đó, vốn cho nguồn điện là 95,4 tỷ USD và cho lưới điện khoảng 32,9 tỷ USD. Giai đoạn 2031-2045 cần khoảng 192,3 tỷ USD, trong đó cho nguồn khoảng 140,2 tỷ USD và cho lưới khoảng 52,1 tỷ USD.
Cơ cấu trung bình vốn đầu tư nguồn và lưới là 74%/26%. Giai đoạn 2021 – 2030, trung bình mỗi năm cần đầu tư khoảng 12,8 tỉ USD (9,5 tỉ USD cho nguồn và 3,3 tỉ USD cho lưới).
Chi phí biên bình quân cho phần nguồn sản xuất điện là 8,8 UScent/kWh giai đoạn 2021-2030 và 9,6 UScent/kWh giai đoạn 2021-2045, chi phí biên bình quân đến lưới phân phối là 11,4 Uscent/kWh giai đoạn 2021-2030 và 12,3 Uscent/kWh giai đoạn 2021-2045.
Cũng tại Chương 18 của Dự thảo Quy hoạch điện VIII đã đề ra một số giải pháp tạo nguồn vốn và huy động vốn đầu tư phát triển ngành điện như khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực phát điện, bán buôn, bán lẻ điện theo cơ chế thị trường; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, vốn vay ưu đãi; khuyến khích nhà máy BOT tham gia thị trường điện, phát hành trái phiếu…
Tuy nhiên, góp ý cho Dự thảo này, TS. Ngô Tuấn Kiệt, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Khoa học Năng lượng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho rằng, quy hoạch điện VIII dự kiến thực hiện theo cơ chế đấu thầu, trong khi các quy định về đấu thầu chủ đầu tư chưa hoàn chỉnh cả về pháp lý lẫn kỹ thuật công nghệ.
“Các chỉ tiêu thông số đầu vào của dự án nguồn điện đưa ra đấu thầu rất cần có các chỉ tiêu thông số cụ thể về quy mô, công nghệ, vị trí và chế độ huy động công suất, năng lượng và giá mua điện. Đây là bài toán phức tạp khó có lời giải chuẩn xác trong bối cảnh ngành điện Việt Nam đang tiến tới thị trường chào giá cạnh tranh”, ông Kiệt góp ý.
Cũng theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Luật đầu tư có hiệu lực từ 1/1/2021, các dự án điện sẽ phải lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu. Tuy nhiên hiện thiếu các văn bản hướng dẫn chi tiết, đặc biệt đối với các công trình chuyển tiếp.
Trong khi đó, khối lượng đầu tư tại Quy hoạch điện VIII rất lớn, căn cứ vào thực tế triển khai quy hoạch trước đây, EVN đề xuất các cơ chế đặc thù để thực hiện quy hoạch. Đồng thời, có cơ chế tránh rủi ro cho các nhà đầu tư nguồn điện lớn theo hình thức IPP thay cho BOT trước đây để đảm bảo tiến độ đầu tư và đảm bảo thu hút đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư nước ngoài.
Ở góc độ khác, TS. Ngô Tuấn Kiệt lưu ý về chế độ huy động công suất của các nguồn điện chạy nền dự kiến trong Quy hoạch điện VIII. Bởi theo đánh giá của các chuyên gia, giá thành/1kWh của các nguồn điện chạy nền được xếp thứ tự từ cao xuống thấp là: LNG, điện hạt nhân, nhiệt điện than, thủy điện.
Để đảm bảo an ninh năng lượng, không nên vì một lý do nào đó mà đẩy lùi thời gian đưa vào vận hành một số nhiệt điện than đã có trong Quy hoạch VII (điều chỉnh) đang thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư về sau năm 2030. Việc tăng cường tối đa nhiệt điện LNG, bỏ điện hạt nhân dẫn đến giá thành 1 kWh tăng cao gây ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, hiệu quả đầu tư sẽ giảm đáng kể, không hấp dẫn các nhà đầu tư.
Về phía đơn vị soạn thảo Đề án, Bộ Công thương cho biết cơ chế dịch vụ phụ trợ trong thị trường điện cạnh tranh cần được hoàn thiện để đảm bảo tính linh hoạt trong hệ thống tích hợp quy mô lớn nguồn điện gió và mặt trời, cơ cấu biểu giá điện cũng phải thay đổi để phù hợp với hệ thống tích hợp năng lượng tái tạo.
“Việc xây dựng các cơ chế và các giải pháp cần phải thực hiện ngay để đảm bảo thu hút đầu tư theo định hướng phát triển”, Bộ Công thương cho biết.