Cổ phiếu Mỹ tiếp tục đi xuống với nhiều cảnh báo kinh tế
(DNTO) - Các chỉ số cổ phiếu Mỹ tiếp tục giữ hướng đi xuống 4 ngày liên tiếp. Các nhà đầu tư lo ngại mức tăng lãi suất sẽ không giảm. Báo động từ nhiều chủ ngân hàng lớn.
4g sáng ngày 7/12 (giờ Việt Nam), thị trường chứng khoán Mỹ kết thúc phiên giao dịch với tất cả các chỉ số chủ đạo đi xuống. S&P 500 đã mất 57.58 điểm, tương đương 1,4%, xuống còn 3941.26. Trong khi Dow Jones Industrial Average mất 350.76, bằng 1%, còn 33596.34.
Một cuộc bán tháo cổ phiếu của các công ty công nghệ khổng lồ như Apple Inc. và Microsoft Corp đã dẫn chỉ số Nasdaq Composite đi xuống 225.05 điểm, tương đương 2%, kết thúc ở mức 11014.89.
Đây là ngày thứ tư liên tiếp S&P 500 đã phải chịu mất điểm. Lý do chính là bởi những dữ liệu mới được tung ra hôm thứ Hai và thứ Sáu đã cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn còn rất mạnh, dẫn đến lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giữ vững mức tăng lãi suất 0,75% trong tháng 12 tới. Chỉ số S&P 500 đã rớt 3,4% chỉ trong tuần đầu tiên của tháng 12.
Trước đó, thị trường chứng khoán Mỹ đã tận hưởng một đợt hồi sức mạnh mẽ khi có dấu hiệu Fed đang chiến thắng trong cuộc chiến chống lạm phát, và có thể sẽ “hãm thắng” trong mức tăng lãi suất cho vay.
Nhưng các thông số kinh tế được tung ra gần đây cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn còn rất “nóng”, dẫn đến nguy cơ làm lạm phát càng trầm trọng thêm. Fed sẽ cân nhắc các thông tin này để ra quyết định điều chỉnh lãi suất, tìm cách làm chậm nền kinh tế lại.
“Nền kinh tế cho thấy dấu hiệu còn rất mạnh mẽ, hơn cả những dự đoán của tôi”, David Donabedian, Giám đốc đầu tư thuộc CIBC Private Wealth US nhận định, “Chỉ số tiêu dùng vẫn trụ vững rất tốt, đã có nhiều việc làm tuyển dụng, lương bổng tăng đáng kể”.
Một loạt các nhà lãnh đạo thuộc những nhà băng lớn nhất nước Mỹ đã đồng loạt lên tiếng báo động. David Solomon của Goldman Sachs Group Inc. cảnh báo họ sẽ phải tiến hành nhiều đợt cắt giảm lương và cho nghỉ việc, “... sẽ có một thời kỳ khó khăn phía trước”.
Giám đốc Bank of America Corp. - Brian Moynihan cho biết, ngân hàng này đang phải giảm con số tuyển dụng, lo ngại nền kinh tế bị áp lực. Morgan Stanley đang tiến hành một đợt cắt giảm nhân lực mới, trong khi Jamie Dimon thuộc JPMorgan Chase & Co. trả lời đài CNBC: “Một cuộc suy thoái kinh tế ở mức độ vừa cho đến trầm trọng sẽ xảy ra trong năm sau”.
Những ảnh hưởng của lãi suất tăng cao và suy thoái kinh tế vẫn còn nhen nhóm. Theo quan ngại của Lauren Goodwin, chiến lược gia đầu tư thuộc New York Life Investments: “Chúng ta vẫn chưa thấy giá các loại vốn cổ phần chạm đáy. Tình trạng thị trường biến động như thế này có thể kết thúc trong tháng tới, khi lợi nhuận của các công ty bắt đầu bị ảnh hưởng bởi môi trường kinh tế suy thoái”.
Ở các “mặt trận” khác, Trung Quốc đang có các động thái dịch chuyển đến việc mở cửa kinh tế trở lại, sau thời kỳ chống dịch Covid-19 dai dẳng. Tuy vậy, các chuyên gia cho biết việc mở cửa trở lại sẽ không diễn ra ngay lập tức mà sẽ có tiến độ chậm chạp.
Các chỉ số chứng khoán Trung Quốc chỉ rục rịch nhẹ. Chỉ số Hang Seng Index của Hồng Kông giảm 0,4% và chỉ số Shanghai Composite Index của Trung Quốc đã không suy chuyển.
Giá dầu tiếp tục giảm. Chỉ số quốc tế, Brent crude, rớt 4%, giao dịch ở mức $79.35/ thùng. Chỉ số này đang ở mức thấp nhất kể từ hồi đầu tháng 1. Bộ Thương mại Mỹ báo cáo thâm hụt thương mại trong xuất khẩu của nước này đã tăng cao, trong bối cảnh nhu cầu thế giới cho dầu hoả và khí đốt đang thuyên giảm.