Cổ phiếu chứng khoán còn hấp dẫn trong dài hạn?
(DNTO) - Nhóm cổ phiếu chứng khoán đang tận hưởng những lợi thế tích cực của mình.
Phiên giao dịch ngày 12/9 ghi nhận một sự đột phá của nhóm cổ phiếu chứng khoán. Toàn nhóm tăng trung bình gần 7%, ghi nhận tới 8 mã tăng kịch trần và 17 mã tăng giá. Tổng giá trị khớp lệnh nhóm này lên tới gần 5 ngàn tỷ đồng, chiếm gần 19% tổng thanh khoản trên cả ba sàn.
Hai mã SSI và VND tiếp tục là những cái tên sáng giá, khi đều tăng trần gần 7% và khối lượng giao dịch mỗi mã đều trên 35 triệu cổ phiếu. Tiếp đó có thể kể đến các mã MBS, BSI, SSI, CTS, FTS, VND, AGR...
Sự trở lại bất ngờ của nhóm chứng khoán đã hâm nóng thị trường sau phiên giảm điểm hôm qua. Xét về nguyên nhân của sự bật tăng này, một phần được hậu thuẫn từ đà tăng chung của thị trường với việc chỉ số VN-Index tăng gần 22 điểm, tâm lý thị trường khá hưng phấn và một phần khác là đến từ những lợi thế tích cực mà nhóm này đang tận hưởng.
Nhóm chứng khoán đang được hưởng lợi gì?
Mặt bằng lãi suất huy động giảm mạnh đang là tiền đề quan trọng ủng hộ cho nhóm cổ phiếu này. Trong khi đó, thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa nhiều biến chuyển, ngoại tệ và vàng ít biến động. Dòng tiền luôn tìm về các kênh đầu tư hấp dẫn và thị trường chứng khoán có nhiều cơ hội đón dòng tiền mới.
Tiền rẻ đi cũng giúp các công ty chứng khoán giảm lãi suất cho vay margin, qua đó thúc đẩy nhà đầu tư tăng cường sử dụng đòn bẩy cho hoạt động đầu tư. Theo đó, lợi nhuận các công ty chứng khoán sẽ được đẩy lên đáng kể, nhất là từ giai đoạn quý 3 năm nay. Cuối quý 2, dư nợ cho vay tại các công ty đã đạt 150 ngàn tỷ đồng, tăng 27 ngàn tỷ đồng so với cuối quý 1.
Ngoài ra, những nỗ lực của cơ quan chức năng trong việc thúc đẩy thị trường chứng khoán trong nước phát triển. Hệ thống KRX dự kiến ra mắt vào cuối năm 2023 cũng được kỳ vọng nâng cao năng lực thị trường. Mục tiêu nâng hạng từ thị trường cận biên sang thị trường mới nổi trước năm 2025 cũng đang từng bước được thực hiện với nỗ lực và quyết tâm cao.
Cuối tháng 8, chứng khoán trong nước đã đạt hơn 7,6 triệu tài khoản, tỷ lệ người dân mở tài khoản khoảng 7,6% dân số, thấp hơn mức 10% và đây là một tỷ lệ vẫn còn thấp và còn dư địa tăng trưởng.
Trong khi đó, theo thống kê từ SBS Securities, mức vốn hóa thị trường/GDP chỉ đạt khoảng 60% vào cuối quý 2, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 120% vào cuối năm 2025 của Chính phủ và thấp hơn mức mức hiện tại của hai nước Thái Lan và Malaysia với 103% và 84%.
Khó khăn có bủa vây?
Khó khăn lớn nhất của thị trường chứng khoán là các doanh nghiệp niêm yết đang gặp nhiều thách thức trong sản xuất kinh doanh, trong khi nền kinh tế trong nước vẫn còn đối mặt với khó khăn, thị trường bất động sản và trái phiếu chưa được tháo gỡ nút thắt. Việc tiếp cận dòng tiền không dễ dàng khiến không ít doanh nghiệp gặp nhiều trở ngại.
"Miếng bánh" trên thị trường có hạn, trong khi số lượng công ty chứng khoán tương đối lớn với gần 90 công ty đang khiến các công ty cũng phải đối mặt với sức ép cạnh tranh mạnh mẽ để tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp
Thời gian qua, hàng loạt công ty tiến hành tăng vốn điều lệ. Đây là xu hướng hướng đến mục tiêu nhằm nâng cao năng lực tài chính cho các công ty. Tuy nhiên, điều này lại đang khiến một dòng tiền lớn bị kẹt, tạo áp lực với các công ty trong việc tìm kiếm lợi nhuận.
"Trong ngắn hạn, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận khó có thể theo kịp tốc độ tăng trưởng vốn, dẫn đến tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu giảm. Trên thực tế, sẽ phải mất nhiều năm mới hấp thụ được dòng tiền từ việc tăng vốn nên ROE giảm là điều khó tránh khỏi", SBS cho biết.
Dù thách thức không nhỏ nhưng thị trường được kỳ vọng sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm 2023. Theo đó, các công ty chứng khoán được dự báo sẽ có kết quả hoạt động tốt hơn trong nửa cuối năm. Các mảng môi giới, cho vay margin khả năng mang lại thành quả tốt cho doanh nghiệp.
"Chúng tôi cho rằng cổ phiếu chứng khoán sẽ có diễn biến tích cực trong nửa cuối 2023", VNDirect nhận định.