Cơ hội nào cho nông sản, thực phẩm Việt khi Nhật Bản khắt khe kiểm dịch?
(DNTO) - Dịch Covid-19 khiến Nhật Bản ngày càng thận trọng trong việc kiểm dịch các loại nông sản, thực phẩm, hàng hóa nhập khẩu vào nước này. Việt Nam đang có nhiều cơ hội trở thành đối tác cung ứng quan trọng của Nhật Bản nhưng cũng rất dễ bị “hất cẳng” khỏi thị trường này.
Nhật Bản ngày càng thắt chặt kiểm định hàng hóa
Trao đổi trong Hội nghị Giao thương trực tuyến nông sản, thực phẩm Việt Nam – Nhật Bản 2021, ngày 2/6, ông Makoto Nakamura, Cố vấn Thương mại quốc tế của Tổ chức Xúc tiến Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) cho biết, một số loại hoa quả hiện đang được nhập khẩu vào Nhật Bản như quả kiwi, cherry, sầu riêng, chuối xanh, xoài Cát Chu hay thanh long đỏ.
Tuy nhiên, hiện ngành hàng hoa quả tươi đang bị hạn chế nhập khẩu vào Nhật Bản do những thủ tục về kiểm định thực phẩm thực vật khắt khe, đặc biệt là quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong các loại rau quả. Hay các loại thực phẩm đông lạnh, riêng mỗi loại sẽ có quy định về hàm lượng vi khuẩn được cho phép khác nhau.
Đối với ngành hàng bánh kẹo và các loại hạt, do được tạo nên từ nhiều thành phần nên Nhật Bản sẽ kiểm tra kỹ về thành phần chất phụ gia, phẩm màu. Theo ông Nakamura, hiện có 6.000 loại phụ gia thực phẩm khác nhau được dùng trong các thực phẩm chế biến. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam lưu ý tìm hiểu kỹ quy định của Nhật Bản, bởi rất nhiều chất tạo màu, chất phụ gia được các nước khác cho phép sử dụng trong thực phẩm, nhưng Nhật Bản lại cấm.
Ngoài ra, Nhật Bản cũng yêu cầu khắt khe hơn về quy định khi dán nhãn hàng hóa. Bên cạnh các thông tin cơ bản như: tên hàng hóa, thành phần, điều kiện bảo quản, hạn sử dụng, thành phần dinh dưỡng, nhà nhập khẩu và phân phối; Nhật Bản yêu cầu các nhà phân phối phải ghi rõ thành phần sản phẩm, đặc biệt một số thành phần có thể gây ra dị ứng như tôm, cua… phải có khuyến cáo cho người tiêu dùng.
Việc Nhật Bản ngày càng thắt chặt kiểm định nông sản, hàng hóa lương thực, thực phẩm gây ra những lo ngại cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam khi muốn đưa sản phẩm tiếp cận thị trường này.
“Cửa” nào cho hàng Việt đến Nhật?
Cũng theo ông Nakamura, mặc dù Nhật Bản đang hạn chế nhập khẩu hoa quả tươi nhưng nhu cầu thực phẩm của nước này rất lớn và ngày càng tăng. Tính đến tháng 11/2020, Nhật Bản có hơn 125 triệu dân thuộc hơn 58 triệu hộ gia đình, trong đó 2,17 người/hộ sẽ tiêu thụ loại thức ăn đóng gói nhỏ và thực phẩm cơ bản.
Quy mô thị trường thực phẩm của Nhật Bản ước đạt 636 tỷ USD, trong đó thị trường thực phẩm bán lẻ (siêu thị, cửa hàng tiện lợi) ước tính 409 tỷ USD. Thị trường phục vụ thức ăn (khách sạn, nhà hàng, căng tin) ước đạt 2 tỷ USD. Trong khi đó, Nhật Bản chỉ có thể cung cấp 37% nguồn lương thực, thực phẩm, còn 63% phải nhập khẩu, theo ước tính năm 2018.
Nhật Bản đứng đầu thế giới về nhập khẩu lương thực, thực phẩm, chủ yếu là nguyên liệu thô và các loại thực phẩm chế biến: cá và thực phẩm chế biến từ cá (tôm he, tôm hùm, lươn, cá ngừ); thịt và các sản phẩm chế biến từ thịt (thịt lợn, bò, gà); ngũ cốc và các sản phẩm chế biến từ ngũ cốc (đậu nành); rau và hoa quả.
Năm 2016, nước này phải chi tới 57,8 tỷ USD để nhập khẩu lương thực, thực phẩm. Thị trường cung cấp lương thực, thực phẩm quan trọng cho Nhật Bản là Mỹ, Trung Quốc, Thái Lan, Úc, Brazil.
“Khi lựa chọn các sản phẩm thực phẩm, người dân Nhật Bản ưu tiên lựa chọn các sản phẩm tốt, an toàn cho sức khỏe. Nhật Bản đang có nhu cầu rất lớn về hạt cà phê và các thực phẩm chế biến. Vì vậy, nếu doanh nghiệp Việt Nam có đủ những chứng nhận của cả Việt Nam và phía Nhật Bản sẽ được thông quan dễ dàng” - ông Nakamura cho hay.
Lấy ví dụ về sản phẩm bún rau mùi đóng gói của Việt Nam hiện bán tại hệ thống cửa hàng Kaldi Coffee Farm, đang gây sốt tại Nhật Bản, ông Nakamura cho biết, có rất nhiều cơ hội cho hàng hóa Việt Nam cung cấp vào các siêu thị lớn ở Nhật Bản.
Cụ thể, sản phẩm Việt Nam có thể tiếp cận chuỗi siêu thị CGC (4172 cửa hàng, 206 nhà cung cấp, doanh thu 9,1 tỷ USD); chuỗi siêu thị Gyoumu Super chuyên cung cấp thực phẩm cho chuỗi căng tin (926 cửa hàng, doanh thu 0,75 tỷ USD); chuỗi siêu thị Costco Wholesale (29 cửa hàng, doanh thu 5,4 tỷ USD); chuỗi siêu thị Seijo Ishii (188 cửa hàng, doanh thu 0,85 tỷ USD); chuỗi cửa hàng Kaldi Coffee Farm chuyên về sản phẩm nhập khẩu (460 cửa hàng, doanh thu 0,87 tỷ USD)…
Về phía Việt Nam, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương Việt Nam cho biết, hiện Nhật Bản đang có nhu cầu nhập khẩu lớn các loại nông – lâm - thủy sản, hàng chế biến, trong khi Việt Nam lại có lợi thế cạnh tranh lớn trong các mặt hàng này.
Đặc biệt, Việt Nam và Nhật Bản đều là thành viên của 3 hiệp định thương mại tự do đa phương, song phương gồm Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJFTA); Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN – Nhật Bản (AJCEP) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), tạo rất nhiều thuận lợi cho mở rộng hợp tác giao thương giữa hai quốc gia trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là những triển vọng hợp tác cùng gia nhập chuỗi cung ứng khu vực và thế giới.
Vào cuối tháng 5/2021, lô vải thiều tươi đầu tiên mùa vụ 2021 của Việt Nam đã đặt chân đến Nhật Bản, đánh dấu năm thứ 2 vải thiều thâm nhập thành công vào thị trường này. Chưa đầy một ngày sau, lô vải thiều đã có mặt trên kệ của các siêu thị, hệ thống phân phối ở nhiều thành phố lớn của Nhật Bản và được tiêu thụ gần hết ngay trong ngày đầu tiên.
Theo các chuyên gia, việc đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn khắt khe của Nhật Bản đã giúp vải thiều tiếp cận thành công một trong những thị trường khó tính nhất thế giới. Đây là tín hiệu đáng mừng cho nông sản Việt Nam nhưng cũng không nên chủ quan, bởi nếu chỉ một lần làm không tốt, câu chuyện buồn của hoa hồng Tây Tựu sẽ tái hiện và Việt Nam sẽ mất uy tín với đối tác tiềm năng như Nhật Bản.
Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để các hộ sản xuất, doanh nghiệp Việt Nam thay đổi tư duy sản xuất, đầu tư công nghệ để đáp ứng yêu cầu khắt khe của các nhà nhập khẩu, đảm bảo con đường xuất khẩu nông sản được bền vững.
Ông Vũ Bá Phú cho biết, trong thời gian tới, Cục Xúc tiến Thương mại tiếp tục phối hợp với các bộ ngành liên quan, đặc biệt là các tổ chức xúc tiến thương mại tại Nhật Bản để tổ chức các hoạt động giao thương, kết nối doanh nghiệp, nhà cung ứng hai bên, đồng thời tìm hiểu những quy định, yêu cầu mới của thị trường Nhật Bản để tuyên truyền, phổ biến cho doanh nghiệp trong nước.