Chuyện xét nghiệm Covid-19, chọn mũi hay miệng?
(DNTO) - Từ khi virus corona xuất hiện, hình ảnh xét nghiệm Covid-19 trở thành quen thuộc với khán giả truyền hình, hầu hết là cảnh “ngoáy mũi”, nhưng cũng không hiếm ca “khều họng”. Thế là xảy ra thắc mắc: phương pháp xét nghiệm nào hiệu quả hơn?
Thời gian gần đây khi biến thể virus Omicron lan rộng, một số chuyên gia y tế đã lên tiếng kêu gọi cộng đồng chuyển sang xét nghiệm dựa trên nước bọt. Họ cho rằng phương pháp này có thể phát hiện bệnh nhân mắc Covid-19 sớm hơn vài ngày so với biện pháp ngoáy mũi. Thế nhưng từ trước đến nay, với các biến thể khác, hầu hết dân số của nhiều quốc gia trên thế giới đều chọn xét nghiệm qua đường khứu giác – có lẽ chỉ trừ Trung Quốc – chẳng lẽ đa số đều làm… sai?
Trong hai năm qua, việc chẩn đoán nhiễm virus corona thường yêu cầu dùng gạc que thăm dò sâu trong hốc mũi để lấy dịch. Các bộ kit test tại nhà cũng đều minh họa hình ảnh hướng dẫn rõ cách ngoáy mũi truyền thống. Suốt thời gian ấy, chẳng có ai lên tiếng đánh giá phương pháp này là đúng hay sai. Chỉ khi biến thể Omicron xuất hiện, mọi sự mới thay đổi trên truyền thông y học: cách tốt nhất để phát hiện virus là lấy mẫu ở một vị trí khác mũi, đó là miệng.
Tiến sĩ Donald Milton, chuyên gia về virus đường hô hấp tại Đại học Maryland lên tiếng, phương pháp xét nghiệm cũ mà chúng ta thường dùng có vấn đề, bởi virus xuất hiện đầu tiên trong miệng, cổ họng của bệnh nhân. Ông cũng trưng ra một số nghiên cứu cho thấy, việc thu thập mẫu nước bọt hoặc ngoáy miệng có thể giúp xác định những người bị nhiễm virus sớm hơn so với ngoáy mũi.
Giờ đây đã có thêm nhiều chuyên gia thừa nhận các mẫu vật trong miệng có một số lợi thế riêng. Anne Wyllie, nhà vi sinh vật học tại Trường Y tế Công cộng Yale đã lên tiếng kêu gọi các đơn vị test, phòng thí nghiệm và cơ quan quản lý dịch bệnh nên làm việc khẩn trương hơn để xác định và điều chỉnh cần thiết các vị trí và loại mẫu xét nghiệm tốt nhất để truy tìm virus.
Thực ra ngay từ đầu đại dịch cũng có một thiểu số những nhà khoa học bắt đầu xem xét test virus corona qua nước bọt để mong tìm ra phương pháp xét nghiệm cho dân chúng thoải mái hơn so với việc đưa các loại gạc ngoáy sâu trong mũi. Đến mùa thu năm 2020, có hàng chục nghiên cứu đã cho rằng nước bọt là một mẫu thích hợp để xét nghiệm. Thậm chí theo họ, với nước bọt mọi người có thể chỉ cần nhổ vào một cái ống và giao đưa đi xử lý, không cần đến que gạc và nhân viên y tế được đào tạo vốn đều đang bị thiếu hụt ở thời điểm đầu dịch.
Tiến sĩ Wyllie khẳng định virus có xu hướng xuất hiện trong nước bọt trước khi tích tụ trong mũi, nên khi được thu thập và xử lý đúng cách, loại mẫu này trở thành cách tốt nhất để phát hiện sớm các bệnh nhiễm trùng. Nói tất phải có bằng chứng, ông và các đồng nghiệp đã phát hiện ra một điều cụ thể: trong ba ngày trước và hai ngày sau khi các triệu chứng xuất hiện, dịch họng chứa lượng virus nhiều gấp ba lần mẫu mũi, và có khả năng tạo ra P.C.R dương tính cao gấp 12 lần. Trong khi đó thời điểm và tỷ lệ lượng virus bắt đầu tích tụ trong mũi vẫn chưa được công bố trên tạp chí khoa học.
Biến thể Omicron nhân bản và lây lan nhanh hơn ở đường hô hấp trên - trong các tế bào của miệng và cổ họng so với những Alpha, Beta hay Delta… - lại có thời gian ủ bệnh ngắn hơn các virus tiền nhiệm, nên ưu điểm phát hiện sớm và đáng tin cậy của test nước bọt có thể rõ ràng hơn với biến chủng này.
Một nhóm các nhà nghiên cứu Nam Phi còn so sánh cụ thể. Theo họ, tăm bông ngoáy mũi hoạt động tốt hơn gạc lấy mẫu nước bọt để phát hiện biến thể Delta, thì lại ngược hiệu quả với Omicron. Tuy nhiên họ cũng “bồi” thêm, thu thập mẫu từ cả mũi lẫn họng có khả năng sẽ phát hiện nhiều trường hợp dương tính hơn so với chỉ ngoáy mũi.
Thế nhưng khoa học nào cũng hàm chứa sự phức tạp hai mặt, nghĩa là cũng hiện hữu các dữ liệu cho thấy xét nghiệm dựa trên nước bọt có những hạn chế riêng. Thực tế là hiện nay trên thế giới nhiều phòng thí nghiệm không được thiết lập để xử lý dịch họng, ngay cả khi biến thể mới Omicron xuất hiện và hoành hành.
Vậy có nên tiếp tục duy trì việc “ngoáy mũi”. Vẫn nên! Bởi Viện Công nghệ California phát hiện ra rằng, mặc dù virus thường tăng vọt đầu tiên trong nước bọt, nhưng dần dần cuối cùng nó lại nâng mức cao ở mũi. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy các phương pháp test có độ nhạy cao như P.C.R. có thể phát hiện ra nhiễm trùng trong nước bọt sớm hơn so với ngoáy mũi, nhưng với xét nghiệm nhanh, tức xét nghiệm kháng nguyên, thì lại không. Lại nữa, dữ liệu trong nước bọt còn lẫn lộn nhiều vi sinh vật lâm sàng của các bệnh truyền nhiễm liên quan đến bệnh hô hấp khác như lao, viêm phổi hay hen suyễn nên dễ dẫn đến sai lạc khi điều trị.
Cuối cùng, một bất tiện khiến ngoáy mũi vẫn đang được duy trì, do đường miệng vẫn là một môi trường khó kiểm soát. Chẳng hạn trước khi test virus, ta uống một ly CoCa, một ngụm cà-phê hay một hớp cocktail, độ pH sẽ khác nhau làm sai lệch kết quả. Trong khi đó những tác nhân làm biến động dịch đường mũi như vừa kể hiếm khi gặp.
Tuy nhiên hiện nay, để giảm bớt nỗi sợ “thốn mũi” ở các trẻ nhỏ tuổi, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ hiện đã cho phép thực hiện nhiều xét nghiệm P.C.R dựa trên nước bọt để sàng lọc học sinh nghi mắc Covid-19 ở đa số các trường cấp thấp.