Chuyện sản phẩm OCOP: Phải học hỏi người Nhật cách làm bánh Mochi, trà

(DNTO) - Cùng làm từ bột nếp nhưng sản phẩm bánh mochi Nhật Bản đã trở thành đặc sản, vượt ra ngoài biên giới, trong khi bánh dày của Việt Nam chưa được như vậy.

Sản phẩm OCOP Việt Nam hiện đa dạng và phong phú nhưng vẫn còn thiếu sản phẩm thật sự nổi bật. Ảnh: T.L.
Nhiều nhưng chưa "chất"
Sau 5 năm kể từ ngày thực hiện chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm), đến nay đã có có 10.322 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó có 67,3% sản phẩm 3 sao, 31,2% sản phẩm 4 sao, 0,8% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 42 sản phẩm 5 sao.
Cùng với đó đã có 5.361 chủ thể OCOP, trong đó có 38,1% là hợp tác xã, 24,2% là doanh nghiệp, 34,9% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác.
Chia sẻ trong Hội nghị "Kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP", sáng 5/12, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Trong nước cho biết, thời gian qua, Bộ Công thương tăng cường hoạt động tuyên truyền, quảng bá và xây dựng hình ảnh cho sản phẩm OCOP. Thậm chí Bộ đã cấp kinh phí và trực tiếp hướng dẫn 25 địa phương xây dựng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Nhờ vậy, các sản phẩm OCOP đã có mặt trên kệ của tất cả các hệ thống phân phối lớn như Go!, Winmart, Winmart+, MM Mega Market, Saigon Co.op,…
Ngoài ra, sản phẩm OCOP cũng bắt đầu xuất hiện tại các trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc, khu vực bán hàng tại các sân bay, khu du lịch và bước đầu lên các sàn thương mại điện tử như Lazada, TikTok Shop, Shopee, Tiki, Vỏ Sò, Postmart, …
“Các sản phẩm OCOP ngày càng phong phú, chất lượng tốt và truy xuất được nguồn gốc. Nhiều sản phẩm mẫu mã đẹp, tinh xảo, độc đáo mang đậm tính văn hoá bản địa, nhờ đó tăng trưởng về doanh thu và giá bán ngay cả trong dịch bệnh. Đặc biệt, nhiều sản phẩm OCOP 5 sao đã được Lãnh đạo Đảng và Nhà nước tin tưởng chọn làm quà tặng trong các hội nghị quan trọng hay các chuyến công tác nước ngoài”, ông Tuấn cho biết.
Có thể nói, hiện hầu như địa phương nào cũng có sản phẩm OCOP, nhưng theo nhận định của ông Đặng Quý Nhân, Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), vẫn thiếu các sản phẩm OCOP nổi bật.
So với Nhật Bản, quốc gia hàng đầu trong phát triển sản phẩm địa phương, ông Nhân đặt vấn đề vì sao cùng làm từ bột gạo nếp nhưng nước này có thể biến bánh Mochi trở thành đặc sản rất ngon, bán trên toàn cầu, nhưng bánh dày của Việt Nam lại không thể được như vậy.
Hay cùng là sản phẩm chè nhưng chè Việt Nam uống có vị đắng hơn chè Nhật Bản. Lý giải nguyên nhân, vị này cho biết cùng thu hoạch tháng 7 hàng năm nhưng chè Việt Nam hái 10 ngày một lứa, còn tại Nhật, khi thu hoạch chè họ che tối, 2 tháng hái 1 lần nên rất ngon.
Bán theo cách khách hàng muốn

Bên cạnh chất lượng, các sản phẩm OCOP Việt Nam phải thay đổi cách bán hàng và tiếp cận với khách hàng trong bối cảnh mới. Ảnh: T.L.
Về khía cạnh tiếp cận khách du lịch, ông Hoàng Hoa Quân, đại diện Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho biết mỗi năm nước ta đón khoảng 120 triệu lượt khách. Khách du lịch hiện có xu hướng tự tìm tour trên internet và thích khám phá vùng quê. Vì vậy sản phẩm OCOP muốn bán cho đối tượng này cần đầu tư vào các điểm du lịch trải nghiệm, không nhất thiết phải đạt tiêu chuẩn như Big C, AEON nhưng cũng phải đủ hạ tầng như đường, bãi đỗ có thể đón xe 45 chỗ...
“Trà hay hoa quả sấy nếu chỉ bày trên kệ thì không hấp dẫn. Khách du lịch quốc tế muốn được trải nghiệm cách làm, cách đóng gói, bảo quản, thưởng thức... Dù cả nước có hơn 10.000 sản phẩm OCOP nhưng các điểm tập trung sản phẩm chưa nhiều, điểm phục vụ khách du lịch lại càng hiếm”, ông Quân nói.
Ngay cả cách đóng gói bao bì, sản phẩm đặc sản địa phương của ta cũng thiếu trau chuốt. Ông Nhân cho biết bó mì OCOP buộc bằng dây lạt là “không thể chấp nhận”.
“Người bán nói rằng do giá quá rẻ nên không thể làm bao bì hay đóng gói khác, nhưng tôi không cho là vậy. OCOP là đặc sản địa phương, có thể là độc nhất vô nhị nhưng sản phẩm làm ra phải tinh túy. 20 năm trước, chè được đựng trong túi nilon trắng, bán theo cân, nhưng như vậy sẽ bị oxy hóa khi gặp ánh sáng. Do đó ngành chè đã đổi sang bao bì tối, cách đóng gói cũng đổi theo lần dùng (1 ấm) chứ không phải 1 cân. Đây là một tiến bộ mà các ngành khác cũng phải học”, ông Nhân phân tích.
Lãnh đạo Vụ Thị trường Trong nước cũng thừa nhận việc tiêu thụ các sản phẩm OCOP cũng còn khó khăn khi các sản phẩm chế biến còn ít, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, trong khi trình độ quản trị sản xuất, kinh doanh của các chủ thể còn thấp, vẫn còn thói quen phát triển thụ động nên sự cạnh tranh của sản phẩm còn yếu. Vụ này xác định khâu tiêu thụ, tìm kiếm và phát triển thị trường rất quan trọng với các sản phẩm OCOP.
“Người tiêu dùng Việt Nam gần đây đã có thói quen lựa chọn sản phẩm có thương hiệu, uy tín. Do vậy, việc phát triển các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu đóng vai trò quan trọng để đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng”, ông Tuấn nhấn mạnh.