Chứng khoán tuần mới: Nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp, dầu khí... rất đáng quan tâm
(DNTO) - Theo giới phân tích, thị trường chứng khoán tuần mới (5-9/6), dù chưa xuất hiện những tín hiệu qua đáy từ lợi nhuận của các doanh nghiệp, nhưng yếu tố thanh khoản đang tăng mạnh sẽ giúp nhóm cổ phiếu chứng khoán có lợi thế. Ngoài ra, nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp, dầu khí..., cũng rất đáng quan tâm.
Sau động thái hạ lãi suất điều hành của Ngân hàng nhà nước, một loạt các ngân hàng thương mại đã điều chỉnh lãi suất huy động và cho vay trong tuần qua. Xu hướng lãi suất giảm đã có tác động tích cực tới diễn biến trên thị trường chứng khoán.
Chỉ số VN-Index ghi nhận mức tăng 2,6% trong tuần qua và tạm thời vượt đường xu hướng dài hạn MA200 để chốt tuần tại mức 1.090,8 điểm. Đây là mức điểm cao nhất của chỉ số này kể từ đầu tháng 2/2023. Đà tăng tích cực cũng lan tỏa sang sàn Hà Nội với chỉ số HNX-Index tăng mạnh 3,9% lên mức 226,0 điểm và chỉ số UPCoM-Index bật tăng 4,2% lên mức 84,0 điểm.
Thị trường bùng nổ về điểm số với sự đóng góp lớn đến từ nhóm Ngân hàng. Nhiều cổ phiếu sau thời gian dài tích lũy đã chứng kiến đà tăng mạnh trong tuần vừa qua như VCB (+3,2%), TCB (+7,7%), MBB (+6,8%) và BID (+3,0%). Ngành Chứng khoán duy trì đà tăng ấn tượng trong bối cảnh thanh khoản thi trường hồi phục, tiêu biểu như VND (+14,7%), SSI (+6,9%), HCM (+3,8%). Ở chiều ngược lại, một số cổ phiếu vốn hóa lớn như VHM (-2,9%), GAS (-1,8%), VNM (-1,8%) và VRE (-2,2%) chứng kiến dòng tiền rút ra và điều chỉnh trong tuần qua.
Nhận định về thị trường tuần mới, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam, cho rằng: Việc dòng tiền đổ mạnh vào thị trường giúp VN-Index chinh phục thành công kháng cự 1.090 điểm trong phiên cuối tuần qua rõ ràng tạo tác động tích cực đến tâm lý thị trường. Dù vậy, cần lưu ý đà tăng này chỉ xuất hiện trong phiên cuối tuần qua khi dòng tiền bất ngờ đổ mạnh vào nhóm VN-30, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng.
"Sức mạnh của dòng tiền mới này sẽ được kiểm chứng trong tuần tới khi áp lực chốt lãi có xu hướng gia tăng, nhất là khi khối ngoại vẫn tiếp tục duy trì xu hướng bán ròng mạnh tại nhóm cổ phiếu này. Theo đó, VN-Index dự kiến sẽ dao động trong biên độ 1.080 – 1.100 điểm", ông Minh nhận định.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS), cho biết, động lực của thị trường hiện tại vẫn ổn định vì vậy dòng tiền vẫn sẽ tiếp tục dồi dào trong tuần mới tuy nhiên mức độ sẽ chậm lại, đặc biệt là khi chỉ số tiến gần đến ngưỡng cản tâm lý 1100. Thị trường sẽ có vài nhịp rung lắc nhẹ nhưng dự báo vẫn trong trạng thái tích cực.
Về phần mình, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích VNDirect, cho biết: Tuần mới, chỉ số VN-Index có thể kiểm định lại mốc 1.080 điểm và nếu duy trì thành công trên ngưỡng này, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ chuyển dịch trạng thái từ “xu hướng đi ngang trước đó” sang “xu hướng tăng điểm”.
"Do đó, nhà đầu tư cần quan sát kỹ diễn biến giao dịch của chỉ số VN-Index tuần tới để có thể khẳng định là thị trường đã thực sự bước vào sóng tăng hay chưa. Nhà đầu tư đã giải ngân thành công trong những tuần trước đó có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu, đồng thời hạn chế mua đuổi những cổ phiếu đã tăng mạnh gần đây vì việc mua vào với giá vốn cao tiềm ẩn rủi ro khi bước vào nhịp điều chỉnh kỹ thuật", ông Hinh khuyến nghị.
Nói về nhóm lựa chọn phù hợp với nhà đầu tư ở thời điểm hiện tại, ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS, cho rằng: Dù chưa xuất hiện những tín hiệu qua đáy từ lợi nhuận của các doanh nghiệp cũng như dữ liệu vĩ mô nhưng yếu tố thanh khoản đang tăng mạnh sẽ giúp nhóm cổ phiếu chứng khoán có lợi thế. Ngoài nhóm cổ phiếu chứng khoán thì nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp, sản xuất điện, dầu khí…, cũng rất đáng quan tâm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam, khuyến nghị: "Các nhà đầu tư vẫn nên nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao, nhưng không nên tăng tỷ trọng ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ hoặc có thể cơ cấu một phần tỷ trọng sang nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn tại nhịp điều chỉnh và hạn chế mua đuổi khi chỉ số VN-Index tiến sát mức kháng cự 1,125 điểm trong nhóm bất động sản, chứng khoán, xây dựng và vật liệu xây dựng, vận tải".