Chứng khoán tuần mới: Khó có thể kỳ vọng dòng tiền sẽ có sự cải thiện đột biến
(DNTO) - Theo giới phân tích, thông thường trước tuần nghỉ lễ dài, nhà đầu tư có xu hướng hạ tỷ trọng margin để tiết giảm chi phí lãi vay. Do đó, khó có thể kỳ vọng đà tăng của thị trường sẽ đột biến trong những tuần sát Tết.
Khởi đầu năm dương lịch 2023, thị trường chứng khoán Việt Nam đã chứng kiến điểm số bật tăng mạnh cùng thanh khoản cải thiện so với tuần giáp Tết. Xu hướng thị trường được hỗ trợ bởi những thông tin tích cực đầu năm, như Trung Quốc thông báo chính thức mở cửa đường bay quốc tế từ ngày 8/1/2023; dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2 chính thức được khởi công từ ngày 1/1/2023, cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong giải ngân đầu tư công năm nay; Dự thảo nghị định 65 sửa đổi cập nhật mới nhất đã được bộ Tài chính trình lên bộ Tư pháp...
Theo đó, các chỉ số chứng khoán đều tăng điểm khá ấn tượng trong tuần đầu năm, được dẫn dắt bởi chỉ số VN-Index với mức tăng 4,4% lên mức 1.051,4 điểm. Trong khi đó, chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index cũng đồng loạt tăng lần lượt 2,6% và 1,5% từ đầu tuần và đóng cửa tại 210,6 và 72,7 điểm.
Thanh khoản thị trường được cải thiện với giá trị giao dịch bình quân 3 sàn tăng 9,3% lên mức 11.724 tỷ đồng. Trên nền tảng vĩ mô của Việt Nam duy trì ổn định và định giá về mức hấp dẫn, khối ngoại tiếp tục duy trì tuần mua ròng kể từ đầu tháng 11/2022. Cụ thể, mở đầu năm mới, khối ngoại đã mua ròng 1.637 tỷ đồng trên sàn HOSE.
Tương tự, trên 2 sàn còn lại là HNX-Index và UPCoM-Index, khối ngoại tiếp tục mua ròng lần lượt 87 tỷ đồng và 2 tỷ đồng.
Ngành Ngân hàng dẫn dắt đà tăng của chỉ số VN-Index trong tuần qua. Các cổ phiếu Ngân hàng đồng loạt tăng giá, trong đó có Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam-VCB (+5,0%); Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam-BID (+7,9%); Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam-CTG (+5,0%); Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam-TCB (+7,2%) và Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng-VPB (+1,8%).
Trụ cột khác của chỉ số VN-Index là nhóm bất động sản chứng kiến sự phân hóa, trong đó Công ty cổ phần Vinhomes-VHM (+4,0%); CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền-KDH (+4,9%); Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt-PDR (+8,5%) đều tăng mạnh, còn CTCP Bất động sản Thế Kỷ-CRE (-8,7%); CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va-NVL (-2,9%) và CTCP Đầu tư Nam Long-NLG (-2,7%) điều chỉnh.
Dòng tiền cũng hướng tới nhóm cổ phiếu năng lượng như Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP-POW (+10,3%); Công ty CP Xây lắp điện 1-PC1 (+16,8%); và Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP-GAS (+5,3%).
Sau tuần giao dịch tích cực, chỉ số VN-Index đang hướng tới vùng kháng cự mạnh vùng quanh 1.070 điểm. Mặc dù đã có một vài tín hiệu vĩ mô tích cực, như tỷ giá hạ nhiệt; đà tăng lãi suất đã chậm lại rõ nét; Trung Quốc mở của trở lại sớm hơn dự kiến. Tuy vậy, trong bối cảnh Tết nguyên đán đang cận kề, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô & Chiến lược thị trường VNDirect, cho rằng khó có thể kỳ vọng dòng tiền sẽ có sự cải thiện đột biến.
"Thông thường, trước tuần nghỉ lễ dài, nhà đầu tư có xu hướng hạ tỷ trọng margin để tiết giảm chi phí lãi vay. Do đó, khó có thể kỳ vọng đà tăng của thị trường sẽ đột biến trong những tuần sát Tết", ông Hinh nhận định.
Theo đó, đối với nhà đầu tư lướt sóng ngắn hạn, ông Hinh khuyến cáo nên cân nhắc hạ tỷ trọng cổ phiếu khi thị trường tiến vào những vùng cản mạnh quanh 1.070 điểm và canh mua lại khi thị trường điều chỉnh. Trong khi đó, nhà đầu tư dài hạn có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu chờ đợi sự bứt phá của các chỉ số chứng khoán khi dòng tiền cải thiện sau kỳ nghỉ lễ.
Về nhóm ngành, ông Hinh cho rằng nhà đầu tư nên hướng tới những doanh nghiệp được hưởng lợi từ những xu hướng vĩ mô lớn trong năm 2023, như Trung Quốc mở của trở lại (cổ phiếu hàng không, du lịch, xuất khẩu thủy sản, cao xu, xi măng); đẩy mạnh đầu tư công (cổ phiếu xây dựng hạ tầng, vật liệu xây dựng), và phát triển hạ tầng năng lượng (điện, khí đốt).