Down tăng 700 điểm nhờ báo cáo tiền công lao động ‘nguội lạnh’
(DNTO) - Các chỉ số chứng khoán chủ đạo của Mỹ có thể sẽ kết thúc tuần với mức tăng, nhờ có các thông số dữ liệu kinh tế mới cho thấy khả năng “hạ cánh mềm” là khả dĩ.
Chỉ số Dow Jones Industrial Average đã vượt lên 700 điểm trong ngày giao dịch 6/1 (giờ Mỹ) sau khi dữ liệu mới cho thấy mức tăng trưởng tiền công lao động đã chậm dần. Đây là một “chiến thắng” nhỏ cho cuộc chiến chống lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), giảm bớt áp lực lên việc tăng lãi suất cho vay.
Đến hết phiên giao dịch ngày 6/1 (giờ Mỹ), chỉ số Dow đã tăng 700.53 điểm, tương đương 2,1%, lên thành 33630.61 điểm. Chỉ số bao quát nhất, S&P 500, cũng đã leo 86.98 điểm, đạt mức 3895.08. Chỉ số chuyên ngành công nghệ Nasdaq Composite đã nhích lên 264.05 điểm (2,6%), kết thúc ngày ở mức 10569.29.
Đợt tăng trong ngày 6/1 đã đưa cả ba chỉ số chứng khoán Mỹ vào mức tăng trong tuần đầu tiên của năm 2023. Cả ba chỉ số đều đã tăng 1% trong tuần này.
Đằng sau đợt tăng này là bản báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, với các chỉ số cho thấy sức tăng trưởng của tiền công lao động đang “nguội” dần. Mức thu nhập trung bình hàng giờ tăng 0,3% trong tháng 12/2022, thấp hơn so với con số 0,4% của tháng trước đó.
Michael Arone, Giám đốc chiến lược đầu tư tại State Street Global Advisors, bình luận: “Các nhà đầu tư đang ăn mừng vì mức thu nhập trung bình hàng giờ đã thấp hơn dự kiến. Trước đó đã có nhiều lo ngại con số này sẽ vẫn tiếp tục ‘nóng’”.
Dữ liệu này đã giảm lo ngại từ hiện tượng “vòng xoáy tiền công-giá”. Hiện tượng này diễn ra khi nhân công đòi hỏi thu nhập phải tăng cao để đáp ứng với giá cả leo thang, nhưng dòng tiền đổ vào hầu bao người tiêu dùng lại tiếp tục thúc đẩy lạm phát. Một viễn cảnh như thế chắc chắn sẽ tăng áp lực lên Fed, khiến họ tăng lãi suất lên cao hơn nữa. Fed sẽ đưa ra quyết định chính sách mới vào cuộc họp trong ngày 31/1 và 1/2 sắp tới.
Xem xét bản báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, một số nhà đầu tư nghĩ rằng nền kinh tế Mỹ đang có chiều hướng dẫn đến một cuộc “hạ cánh mềm”. Đó là khi cuộc chiến chống lạm phát của Fed đã thành công mà không gây ra một đợt suy thoái kinh tế.
Thay cho một cuộc suy thoái, nền kinh tế Mỹ có thể đi vào một thời kỳ có mức phát triển chậm lại. Thứ Sáu tuần trước, Viện Quản lý Cung ứng đã đưa ra con số đo đạc tình trạng của các công ty chuyên ngành dịch vụ thuyên giảm xuống còn 49,6% trong tháng 12/2022 so với mức 56,5% trong tháng 11, lần đầu tiên có mức đi xuống kể từ thời kỳ đầu của dịch Covid-19.
Theo lời Hani Redha, nhà quản lý danh mục đầu tư đa tài sản toàn cầu tại PineBridge Investments, các dữ liệu cho thấy nền kinh tế của Mỹ đang chậm lại nhưng “không có dấu hiệu nào cho thấy mọi thứ sẽ rớt xuống vực”.
Redha nói ông sẽ theo dõi sát sao kết quả lợi nhuận của các tập đoàn lớn trong quý 4, dự tính sẽ bắt đầu tung ra vào tuần tới.
Lợi suất trái phiếu cũng đã bị ảnh hưởng bởi các dữ liệu thị trường việc làm hôm thứ Sáu. Lợi suất của trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã giảm xuống còn 3,570%, so với mức 3,720% của ngày trước đó.
Ở nơi khác, chỉ số xuyên lục địa châu Âu, Stoxx Europe 600, đã lên 1,2%. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm 0,3%, Shanghai Composite tăng ít hơn 0,1% và Nikkei của Nhật Bản thêm được 0,6%.