Sau khởi đầu 2023 yếu ớt, cổ phiếu Mỹ dần ổn định
(DNTO) - Trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, 4/1 (giờ Mỹ), thị trường cổ phiếu Mỹ lên xuống nhiều nhưng ổn định vào cuối ngày. Nhiều thông tin kinh tế đã được tung ra trong ngày cho thấy dấu hiệu của suy thoái kinh tế đang đến gần.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 4/1 (giờ Mỹ), chỉ số S&P 500 đã tăng 28.83 điểm, tương đương 0,8%, đạt mức 3852.97 điểm. Trong khi đó, Dow Jones Industrial Average tăng 133.40 điểm, ngang bằng 0,4%, thành 33269.77 điểm. Bảng chỉ số có nhiều hãng công nghệ, Nasdaq Composite, đã lên 71.78 điểm (0,7%) và kết thúc ở mức 10458.76.
Cả ba chỉ số chứng khoán chủ đạo của Mỹ đều xanh khi phiên giao dịch bắt đầu, nhưng sau đó gập xuống mức âm vào giữa buổi sáng sau khi có tin dữ liệu hoạt động sản xuất đã đi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2020. Bộ Lao động Mỹ cũng công bố dữ liệu tuyển dụng vượt qua dự đoán trong tháng 11, cho thấy thị trường việc làm vẫn rất mạnh trong các tháng cuối cùng của 2022.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng đã đưa ra ghi chú từ cuộc họp mới đây, cho thấy họ vẫn sẽ giữ vững kế hoạch tăng lãi suất trong năm 2023. Thị trường chứng khoán tuy có chững lại sau tin đó, nhưng đã tăng cao hơn vào lúc kết thúc phiên giao dịch.
Cổ phiếu Mỹ đã kết thúc một năm đầy biến động với chỉ số S&P 500 ghi nhận mức thuyên giảm lớn nhất kể từ năm 2008. Nỗi lo của các nhà đầu tư kéo dài vào phiên giao dịch đầu tiên của 2023, cùng lúc chứng kiến cổ phiếu Apple và Tesla rớt giá. Hai cổ phiếu này đã lên lại trong ngày tiếp theo.
Tuy cổ phiếu có vẻ đang ổn định lại, nhưng các nhà đầu tư vẫn “ngồi trên lửa” khi các nhà hoạch định chính sách vừa phải tìm cách khống chế lạm phát, vừa đối đầu với hiểm hoạ suy thoái kinh tế. Giới đầu tư mong rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất cho vay khi lạm phát đạt ngưỡng đỉnh điểm, nhưng con số lạm phát ở Mỹ vẫn còn cao hơn mức chấp nhận được.
Trong khi đó, Trung Quốc đang tiến hành nới lỏng các chính sách chống dịch Covid-19. Sự kiện này có thể chống đỡ nền kinh tế thế giới khỏi mức đi xuống thấp hơn, nhưng vẫn chưa rõ mức độ hiệu quả đến đâu.
“Đợt tăng trên thị trường chứng khoán hôm nay dựa vào niềm hy vọng các ngân hàng trung ương có thể tạo ra một điều họ chưa bao giờ có thể làm được: Một cuộc ‘hạ cánh mềm’”, theo lời nhận xét của Florian Ielpo, chuyên gia kinh tế vĩ mô thuộc Lombard Odier Investment Managers. Ông nói thêm: “Nhưng vẫn còn lo ngại về một biến cố nào đó có thể gây hại cho danh mục đầu tư. ‘Cẩn trọng’ là từ khoá cho đầu năm nay”.
Ông Ielpo cũng chỉ ra đợt trượt giá đầu tuần vừa qua là dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư đang lo lắng về mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Chỉ số dầu hoả quốc tế, Brent, đã giảm 9% trong tuần này, chỉ còn mức giao dịch $77.84/thùng.
Ở mặt khác, trái phiếu trên toàn thế giới đang trong giai đoạn đi lên, thúc đẩy bởi các thông số cho thấy lạm phát đang yếu dần ở một số nền kinh tế lớn. Pháp đã công bố báo cáo dự đoán chỉ số lạm phát của nước này sẽ giảm bất ngờ trong tháng 12, ngay sau khi Đức công bố sức tăng của giá chi tiêu tiêu dùng nơi đây đã chậm lại trong cùng tháng.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Hoa kỳ, kỳ hạn 10 năm, giảm xuống còn 3.709% so với mức 3.791% của ngày hôm trước. Lợi suất và giá trái phiếu đi ngược chiều nhau.
Chỉ số Stoxx Europe 600 của châu Âu tăng 1,4%. Tâm trạng giới đầu tư được củng cố sau bản báo cáo lạm phát của Pháp và dữ liệu cho thấy hoạt động dịch vụ ở châu Âu đã giữ vững tốt hơn dư đoán trong tháng 12.
Tại châu Á, các chỉ số chứng khoán hầu hết đã tăng. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông leo thang 3,2% trong khi chỉ số Shang Hai Composite của Trung Hoa đại lục lên 0,2%. Chỉ số Nikkei của Nhật Bản đi xuống 1,4%.