Chữ hiếu thời 4.0

(DNTO) - Đã bước qua tháng Bảy âm lịch. Nhân mùa Vu lan báo hiếu, bàn về chữ hiếu thời cách mạng công nghiệp 4.0.
Chữ hiếu là một phạm trù đạo đức được con người chú trọng, đề cao, phát huy và gìn giữ từ ngàn xưa đến nay.
Đã là người Việt Nam không ai không thuộc câu hát vỡ lòng: “Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/Một lòng thờ mẹ kính cha/Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”. Tiếp theo đó là cả một kho tàng ca dao, “Cá không ăn muối cá ươn/Con cãi cha mẹ trăm đường con hư”; “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”.
Khi cha mẹ già thì:”Sáng cơm, trưa cháo, chiều trà/ Chăm cha, chăm mẹ, tuổi già xa xăm”; “Mẹ già ở túp lều tranh/Sớm thăm tối viếng mới đành dạ con” hay: “Đói lòng ăn đọt chà là/ Để cơm nuôi mẹ, mẹ già yếu răng”… Đây là những quy ước, định khung về chữ hiếu đã có từ ngàn xưa, nhờ vào đó mà hằng bao nhiêu đời nay, bên trong, giềng mối gia đình được bền chặt, bên ngoài, xã hội trật tự an yên.

Công cha như núi Thái Sơn... Ảnh: Internet
Tuy nhiên, cuộc sống biến đổi không ngừng, xã hội ngày càng phát triển, điện khí hóa sản sinh ra một nền công nghiệp hiện đại làm thay đổi mô hình và phương thức sản xuất. Từ đó kéo theo điều kiện sống thay đổi, nhận thức và quan niệm ứng xử trong các mối quan hệ gia đình cũng thay đổi, dẫn đến quan hệ giữa con cái và cha mẹ - xét về quan điểm và cách thực thi chữ hiếu - cũng có nhiều khác biệt.
Ngày nay, trong bối cảnh hình thức gia đình truyền thống “tam, tứ đại đồng đường” đang có xu hướng thu hẹp, gia đình hạt nhân phát triển, lớp trẻ rời quê thậm chí rời đất nước đi về các thành phố lớn hay ra nước ngoài học tập, làm việc, định cư trở thành một trào lưu thì việc kề cận “chén cơm, đôi đũa, tách trà ai nâng!” khi cha mẹ già là một câu hỏi không dễ trả lời. Con cái càng thành đạt, công việc càng bận rộn, càng không có nhiều thời gian dành cho bố mẹ.
Thêm nữa, giới trẻ ngày nay có điều kiện học hành tử tế, được tiếp xúc với internet, được đi nhiều nơi, kiến thức và sự trải nghiệm đôi khi vượt xa bố mẹ. Các bạn được giáo dục phát triển tư duy độc lập, tự chủ, không chấp nhận sự áp đặt, không chịu lệ thuộc, các bạn cần sự tôn trọng, có quyền tự do chọn trường, chọn ngành học, chọn nghề nghiệp, tự do chọn người bạn đời của mình, chịu trách nhiệm quyết định số phận và tương lai… Cho nên “Cá không ăn muối cá ươn/Con cãi cha mẹ trăm đường con hư” “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” không còn là một chân lý tuyết đối.
Vậy chữ hiếu ngày nay cần được nhận định như thế nào, thực thi ra sao để phù hợp với cuộc sống hiện đại?
Đứng trước sự phát triển thần tốc của xã hội, chúng ta cần “làm mới” tư duy, quan điểm và phương pháp thực thi chữ hiếu để thích nghi với những thay đổi cơ bản của xã hội và lối sống của con người trong xã hội hiện đại.
“Làm mới” như thế nào? Trước hết, cần xác lập “mới” mối quan hệ cha mẹ và con cái. Nên xem đây là mối quan hệ song phương “bình đẳng”, tránh gia trưởng, áp đặt, khống chế, thao túng tâm lý..., tránh câu “Trẻ sợ cha, già sợ con”,“sợ” theo cái nghĩa vì sống phụ thuộc vào con cái mà phải tuân theo ý của con.

Ngày nay các con ở xa vẫn có thể hằng ngày kết nối với bố mẹ bằng điện thoại thông minh có hình ảnh. Ảnh: Internet
Kế đến là nên dựa trên nền tảng cuộc sống hiện đại với các phương tiện thông tin, liên lạc, dịch vụ, thậm chí áp dụng số hóa và chuyển đổi số trong việc thực thi chữ hiếu của con cái đối với bố mẹ. Trên nền tảng này, cha mẹ cũng nên tích cực hỗ trợ để con cái mình có điều kiện thuận lợi thể hiện lòng hiếu thảo, sao cho cả con cái và bố mẹ đều cảm thấy thoải mái vui vẻ và hạnh phúc.
Cụ thể như sau: Ngày nay các con ở xa vẫn có thể hằng ngày kết nối với bố mẹ bằng điện thoại thông minh có hình ảnh; Có thể qua các kênh thương mại điện tử hay các trang bán hàng online ship quà tặng cho bố mẹ trong các ngày lễ lạc kỷ niệm hoặc vật dụng, lương thực, thực phẩm hằng ngày; Có thể thường xuyên gửi tiền cho bố mẹ qua tài khoản. Có thể nhờ dịch vụ y tế khám và xét nghiệm tổng quát tại nhà…
Các con ở chung nhà có thể nhờ hệ thống camera để “trông chừng” bố mẹ. Có thể nhờ nhà hàng tới giờ mang cơm nóng sốt đến phục vụ ông bà theo thực đơn nếu hôm nào không tiện nấu.
Ngoài ra dịch vụ giúp việc chuyên nghiệp chăm sóc người già, người bệnh tại bệnh viện và tại nhà cũng có thể hỗ trợ rất hiệu quả trong việc chăm sóc bố mẹ. Quan trọng là mỗi ngày chỉ cần con cái dành ít thời gian thăm hỏi động viên là bố mẹ đã thấy được an ủi.
Cuối cùng, các Trung tâm bảo trợ xã hội và Viện dưỡng lão là nơi nương tựa cuối đời cần được lưu ý nếu như các bố mẹ tự nguyện và tìm thấy ở đấy niềm vui. Mô hình này hiện nay chưa được hầu hết dư luận đồng tình. Tuy nhiên, nếu bố mẹ có nguyện vọng do hoàn cảnh của con cái quá khó khăn hoặc do sở thích của ông bà thì đây cũng là một giải pháp nên ủng hộ.
Về phần bố mẹ cũng nên có sự “làm mới” nhất định, hầu giúp con cái thể hiện đạo hiếu. Thứ nhất, bố mẹ cần làm mới tư duy. Tập cho mình thói quen độc lập, sống tích cực, chủ động, không dựa dẫm, lệ thuộc vào con cái. Đồng thời không để con cái dựa dẫm vào mình lúc xế chiều.
Không đem tài sản chia hết cho con cái rồi về ở chung với con khiến nảy sinh tự ti mặc cảm, đau buồn. Tự tạo cho mình cuộc sống vui vẻ khỏe mạnh, thường xuyên khám sức khỏe, có bệnh phải điều trị tới nơi tới chốn, tham gia thể dục thể thao, văn nghệ, tụ tập bạn bè, hội nhóm…

Bố mẹ cần làm mới tư duy, tập cho mình thói quen độc lập, tích cực, chủ động trong cuộc sống. Ảnh: Internet
Khi cha mẹ qua đời, chữ hiếu được tính bằng mồ yên mả đẹp, giỗ chạp linh đình. Nếu như trước đây người ta “Sống có nhà, thác có mồ” thì ngày nay hỏa táng thường được người dân ở các thành phố lựa chọn. Ngoài ra, hiến tạng, hiến xác cũng là sự lựa chọn phổ biến sau đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, ma chay, giỗ chạp ngày nay cũng được các dịch vụ đảm trách toàn bộ.
Tuy nhiên, cho dù thế giới có thay đổi như thế nào thì chữ hiếu vẫn là một trong những giá trị sống cơ bản của con người, là yếu tố quan trọng làm nên hạnh phúc của mỗi gia đình. Vậy nên, thay vì ca cẩm, than thở rằng nền tảng đạo đức đang bị suy đồi, con cái ngày càng bất hiếu, oán trách lớp trẻ bây giờ chỉ coi trọng của cải vật chất, sống thực dụng, vun vén cá nhân… thì chúng ta hãy thay đổi tư duy, tích cực ứng dụng công nghệ vào việc giữ gìn và phát huy vai trò của chữ hiếu.