‘Chia của’ cho con: Sao cho công bằng?
(DNTO) - Người Việt vẫn có thói quen “chia của” cho con, ngoài thể hiện tình yêu thương, họ còn hạnh phúc và hãnh diện vì đã hoàn thành trách nhiệm với con cái trước khi qua đời. Bên cạnh ý nghĩa tích cực, việc này cũng dẫn đến nhiều rắc rối, thậm chí gây ra cảnh "huynh đệ tương tàn".
Thời phong kiến, với quan niệm “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” (một con trai cũng là có, có mười con gái cũng là không có con), tài sản của cha mẹ hầu hết chia cho con trai; con gái không có phần hoặc chỉ được chia một ít tượng trưng. Thời hiện đại, quan điểm ấy đã thay đổi, tiến bộ hơn, cha mẹ thường chia đều tài sản cho con, không phân biệt nam nữ, nhưng đôi khi cũng không vì thế mà được cho là công bằng.
Trong doanh nghiệp, tiền thưởng được chia cho nhân viên dựa trên lợi nhuận mà họ mang lại; lợi tức tập thể cũng được chia theo phần trăm số vốn mà mỗi cá nhân góp vào; thương lái khi vào vườn mua nông sản, cũng dựa trên chất lượng sản phẩm mà quy ra giá cả chênh lệch… đó chính là sự công bằng. Nhưng thế nào là công bằng trong việc phân chia tài sản cho con, điều này thật khó định nghĩa.
Trường hợp gia đình có 2 người con, một người ngoan ngoãn, hiếu thảo, chăm sóc cha mẹ tử tế, đóng góp nhiều cho gia đình; người kia ngỗ nghịch, ăn chơi, ngược đãi đấng sinh thành, nếu tài sản được chia đều cho họ thì có công bằng không?
Ông Tư có hai người con trai. Cùng một môi trường giáo dục nhưng tính cách hai người rất khác biệt. Trong khi người anh chăm chỉ học hành, chí thú làm ăn thì người em siêng chơi biếng làm, còn lâm vào nghiện ngập, cờ bạc.
Tuổi xế chiều, để phòng khi lú lẫn, ông Tư ngỏ ý chia tài sản cho các con. Cả hai đều được nhận số tài sản có giá trị bằng nhau. Nhưng phần tài sản của người em, ông giao cho người anh quản lý, sẽ “rót” cho em thành nhiều lần, theo từng thời điểm. Ngoài ra, người anh còn có trách nhiệm lo cho em khi ốm đau. Nếu không may em trai qua đời (điều này là chắc chắn vì anh ta mắc bệnh HIV/AIDS), sau khi lo xong hậu sự, số tài sản còn lại của người em sẽ được đóng góp cho hoạt động từ thiện.
Ông Tư làm vậy là có cái lý của mình, nhưng không ngờ một ngày nọ, người em đùng đùng đến nhà anh trai, dùng kim tiêm dính máu của mình để uy hiếp, khiến người anh phải đi điều trị phơi nhiễm HIV. Người em thì bị bắt ngay sau đó.
Bà Hai góa bụa từ khi còn rất trẻ, Bà có người ba người con, 2 trai 1 gái, đều siêng năng, ngoan ngoãn và hiếu thảo. Cả đời làm lụng, bà mua được hơn mẫu đất và quyết định chia cho mỗi người con một phần.
Nhưng vẫn nặng quan điểm theo lề thói xưa, bà Hai chia cho 2 người con trai 2 phần bằng nhau và nhiều hơn cô con gái một chút. Đây chính là nguyên nhân khiến các con bà lâm cảnh “vô phúc đáo tụng đình”. Người con gái vô cùng bức xúc khi thấy anh và em trai được phần đất nhiều hơn mình. Chị nghĩ, khi còn chung sống với gia đình, chị cũng đóng góp nhiều công sức, nay bị chia cho phần ít hơn, thì thật không công bằng. Chị không phản đối ra mặt nhưng rất ấm ức. Cơn bực tức dồn nén mỗi ngày khiến chị không chịu nổi.
Một đêm trăng nọ, chị xách dao ra vườn của anh và em trai rồi "tả xung hữu đột", chẳng mấy chốc, gần trăm cây bưởi mới trồng ngã gục tan hoang. Trước hành động quá quắt của em gái, anh trai đi trình báo công an.
6 tháng tù không phải là quá dài nhưng cũng đủ để chị rút ra bài học về cách ứng xử trong mối quan hệ tình thâm thủ túc. Giá như ngay từ đầu, khi được mẹ chia đất, chị nói ra suy nghĩ của mình, đừng dồn nén trong lòng để rồi bùng phát thành hành động sai trái. Giá như chị hiểu rằng con người ta hơn nhau không hẳn ở chỗ đất nhiều hay ít mà là ở sự chăm chỉ, cần cù lao động, canh tác trên miếng đất ấy. Còn bà Hai thì ân hận, ray rứt khi thấy con cái bất hòa, hiềm khích, ngoảnh mặt, đối đầu nhau. Bà thở dài: “Giá như đừng có cục đất nào thì hơn”.
Hiện, ở nhiều quốc gia trên thế giới, quan điểm về việc “chia của cho con” có khác. Dù sở hữu khối tài sản lên tới 135 tỷ USD (theo thống kê của Bloomberg Billionaire Index) nhưng tỷ phú Bill Gates từng tuyên bố sẽ chỉ cho các con mỗi người một phần rất nhỏ trong khối tài sản khổng lồ của mình. Phần còn lại, Gates sẽ dành cho hoạt động từ thiện. Ông cho rằng: "Để lại tài sản cho con là việc làm không tốt. Thế hệ tương lai sẽ không có động lực làm việc chăm chỉ và đóng góp cho xã hội".
Ông trùm khách sạn và bất động sản Hồng Kông, Trung Quốc Yu Pang Lin, trước khi qua đời vào năm 2010, đã tuyên bố cho đi toàn bộ tài sản của mình. Ông là tỷ phú người Trung Quốc đầu tiên quyết định dành toàn bộ tài sản làm từ thiện, thay vì để lại cho con cháu như truyền thống thường thấy của người phương Đông. Nói về lý do không để lại tài sản cho các con, tỷ phú Yu Pang-lin bày tỏ: "Nếu các con có năng lực hơn tôi, thì không cần thiết để nhiều tiền cho chúng. Nếu chúng không đủ năng lực, nhiều tiền chỉ có hại”.
Tất nhiên, mọi so sánh đều khập khiễng và cũng không dễ để thay đổi một quan điểm truyền thống lâu đời của một nền văn hóa. Tuy nhiên, cha mẹ có tài sản chia cho con cũng nên cẩn thận, cân nhắc, minh bạch, công khai và giải thích rõ ràng để các con “tâm phục khẩu phục”, có như thế mới mong tránh được thảm cảnh đau lòng.