Chăm chăm phát triển nhà ở cao cấp mà bỏ qua nhà giá rẻ, thị trường bất động sản còn khó dài

(DNTO) - Các chuyên gia chỉ ra rằng, nếu cứ chăm chăm phát triển phân khúc nhà ở cao cấp mà bỏ qua nhà thương mại giá rẻ thì vấn đề căn bản của thị trường vẫn chưa được tháo gỡ. Thị trường bất động sản còn khó khăn dài.

Các chuyên gia cho rằng, nếu chỉ chăm chăm phát triển nhà ở cao cấp mà bỏ qua nhà giá rẻ, thị trường bất động sản còn gặp khó. Ảnh minh họa
Ở góc độ cơ quan quản lý khi bàn về vấn đề lệch pha cung – cầu của thị trường bất động sản, ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, nêu rõ hiện thị trường bất động sản không thiếu nhà ở nhưng lại thiếu nguồn cung về nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội. Thị trường lệch pha cung - cầu nên sức mua giảm mạnh cũng làm gia tăng thêm khó khăn. Cụ thể, nguồn cung giảm khiến giá bất động sản, nhà ở, đất nền bắt đầu gia tăng kể từ đầu năm 2021. Đến cuối năm, giá căn hộ chung cư đã tăng bình quân khoảng 5-7%; giá nhà ở riêng lẻ trong dự án tăng 15-20%; giá đất nền tăng 20-30% so với thời điểm cuối năm 2020.
Đại diện Bộ Xây dựng dẫn chứng, căn hộ chung cư liên tục lập những mốc giá mới do số lượng căn hộ chung cư đưa ra thị trường giảm sút. Căn hộ của các chung cư bình dân hiện có mức giá 25-30 triệu đồng/m2, chung cư trung cấp có mức giá 30-50 triệu đồng/m2, chung cư cao cấp có mức giá trên 50 triệu đồng/m2 bắt đầu vượt quá khả năng của người dân.
Ông Hải cho biết, qua làm việc với các địa phương và doanh nghiệp, cơ quan quản lý được biết hiện có rất nhiều dự án nhà ở, khu đô thị đang triển khai gặp khó khăn, vướng mắc hoặc dừng triển khai do nhiều nguyên nhân, nhưng điển hình liên quan đến pháp luật về đất đai...
Nêu quan điểm về vấn đề này, TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính – Tiền tệ quốc gia cho rằng, dự báo khủng hoảng thị trường bất động sản đã được đưa ra nhưng không thể tránh được. Theo đó, bất động sản là sản phẩm thiết yếu dài hạn, chính vì vậy một khi mất cân bằng cung cầu, chắc chắn khủng hoảng sẽ xảy ra. Lần khủng hoảng trước đây là dư cung, trong khi lần này là khủng hoảng thiếu cung.
Ông Nghĩa cho rằng, sự mất cân đối giữa cung và cầu đã gây ra tình trạng đóng băng khi thị trường mất niềm tin, ngân hàng không dám cho vay vì không có cầu, chính quyền không dám cấp thêm dự án, doanh nghiệp không dám mở thêm dự án...
TS Lê Xuân Nghĩa nhận định, thanh khoản của nền kinh tế vẫn nằm trong khó khăn cực lớn, trong khi các quốc gia như Trung Quốc vượt qua rất nhanh. Đồng thời vòng quay của dòng tiền còn “chưa được 1 vòng quay trong 1 năm”. Toàn bộ nền kinh tế rơi vào trì trệ, thanh khoản gặp khó khăn nghiêm trọng ở nhiều ngành, không riêng bất động sản.
Dự báo về triển vọng thị trường thời gian tới, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng thị trường bất động sản có thể khó khăn kéo dài đến quý 2, quý 3 sang năm. “Chúng ta chưa giải quyết đúng “tâm” của “cơn bão”, chưa đẩy được cung của nhà ở giá rẻ thì chưa giải quyết được vấn đề căn bản của thị trường. Nếu như vậy thì dù thị trường được tháo gỡ, vẫn có nguy cơ lặp lại vòng quay cũ, đó là các doanh nghiệp tiếp tục quay về phát triển nhà ở cao cấp”, ông Nghĩa nhận định.
Do đó theo ông Nghĩa, cần thiết Chính phủ quy định khung giá cho nhà ở giá rẻ. Vì nếu chưa tạo được mặt bằng giá nhà ở bất động sản thì chưa giải quyết được khủng hoảng thị trường.