CEO Brand Finance châu Á - Thái Bình Dương: Tăng 1 điểm ‘quyền lực mềm’ tương đương tăng 5-7% FDI thuần
(DNTO) - Việt Nam đang có thế mạnh quyền lực cứng thuận lợi như vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, dân số… Trong thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh để thăng hạng quyền lực mềm, tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư, thương mại và du lịch.
Ông Samir Dixit - Giám đốc Điều hành Brand Finance châu Á - Thái Bình Dương (Công ty Tư vấn chiến lược và Định giá thương hiệu độc lập lớn nhất thế giới) chia sẻ về ý nghĩa của việc thăng hạng "quyền lực mềm" đối với Việt Nam, trong khuôn khổ Tuần lễ Thương hiệu Quốc gia 2021 (từ 19 - 25/4).
Việt Nam đang làm tốt việc thăng hạng quyền lực mềm
Nhờ phản ứng nhanh nhạy của Chính phủ trong kiểm soát dịch Covid- 19 cùng việc sát sao trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, quảng bá thương hiệu trong và ngoài nước, xếp hạng “quyền lực mềm” toàn cầu 2021 của Việt Nam đã tăng 3 bậc so với năm trước, từ vị trí 50 lên vị trí 47.
Ông Samir Dixit cho biết, "quyền lực mềm" giúp các quốc gia thúc đẩy nhiều đối tác quốc tế; cải thiện khả năng gây ảnh hưởng chính trị đến người khác, quốc gia khác; có lợi cho việc thu hút nhân tài; thúc đẩy du lịch, kinh doanh, thương mại và thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Điều này vô cùng quan trọng cho tăng trưởng GDP và đầu tư nước ngoài của một quốc gia, cũng như sự hiện diện của quốc gia đó trên thế giới.
“Quyền lực mềm thiên về sự thu hút, thuyết phục và khả năng kêu gọi tham gia, thay vì ép buộc tham gia. Họ phải tự nghĩ đến Việt Nam, sẵn lòng đến Việt Nam, đầu tư vào Việt Nam hay di cư sang Việt Nam… đó mới là những nội dung mà quyền lực mềm muốn đề cập tới” - ông Samir Dixit nói.
Phân tích dữ liệu lịch sử của Brand Finance, ông Samir Dixit cho biết, mỗi quốc gia tăng một điểm quyền lực mềm sẽ chuyển thành mức tăng tương đương 5-10% FDI thuần. “Đây là lợi ích vô cùng to lớn cho bất kỳ quốc gia nào có tập trung vào quyền lực mềm hay ‘bỏ quên’ nó” - ông Samir Dixit nhấn mạnh.
Cũng theo CEO của Brand Finance châu Á - Thái Bình Dương, hiện Việt Nam đang làm rất tốt việc nâng cao “quyền lực mềm”, thông qua nâng cao giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam cũng như các sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam. Đây là mối liên kết mang tính thúc đẩy lẫn nhau.
Cụ thể, Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 253/2003/QĐ-TTg ngày 25/11/2003, là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn và duy nhất của Chính phủ, nhằm xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia thông qua thương hiệu sản phẩm.
Qua gần 17 năm hình thành và phát triển, Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam đã đạt được những thành quả tích cực. Năm 2020 đã có 124 doanh nghiệp với 283 sản phẩm được công nhận đạt Thương hiệu Quốc gia, trong đó có nhiều thương hiệu gây được tiếng vang trên thị trường khu vực và thế giới. Cũng trong năm này, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam tăng 9 bậc, đứng vị trí thứ 33/100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới, theo Brand Finance.
“Điều hết sức quan trọng là toàn bộ các chương trình, thương hiệu đang phân phối tại Việt Nam hay bên ngoài Việt Nam đều ảnh hưởng và tăng khả năng tạo ảnh hưởng của quyền lực mềm của Việt Nam” - ông Samir Dixit nhấn mạnh.
Cần đặt mục tiêu vào Top 3 các nước ASEAN có quyền lực mềm cao nhất
Nói về thế mạnh nâng cao vị thế của Việt Nam, CEO Brand Finance châu Á - Thái Bình Dương cho biết, Việt Nam đang có thế mạnh về “quyền lực cứng” như vị trí địa lý thuận lợi, dân số vàng, cơ sở hạ tầng đang phát triển… vì vậy, cần chú trọng để dịch chuyển lên quyền lực mềm, tiến đến nằm trong số những quốc gia dẫn đầu về quyền lực mềm.
Quay trở lại với thứ hạng quyền lực mềm của Việt Nam 2021 theo đánh giá của Brand Finance, Việt Nam ở vị trí thứ 47, đạt 33,8 điểm, chỉ cách vị trí thứ 45 là 0,5 điểm. “Như vậy, rõ ràng Việt Nam có thể cải thiện vị trí quyền lực mềm để nằm trong top 14” - ông Samir Dixit nêu quan điểm.
Cũng theo đánh giá của Brand Finance, năm 2021, Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất trong khối ASEAN thăng hạng về quyền lực mềm; đứng trên nhiều quốc gia khác trong khối như Philippines, Campuchia, Myanmar và đứng sau Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia. “Việt Nam nên đặt mục tiêu mức điểm 38-39 trong bảng xếp hạng quyền lực mềm, vì quanh ngưỡng điểm này sẽ đảm bảo vị trí Top 3 trong các quốc gia ASEAN” - ông Samir Dixit nhấn mạnh.
Có hai tham số đóng góp lớn nhất trong tổng điểm xếp hạng quyền lực mềm là “sự quen thuộc” và “uy tín”. Dù hai tham số này ở Việt Nam đang được cải thiện khá tốt nhưng trong năm 2021, chỉ số “sự quen thuộc” tụt từ bậc 39 xuống 40; chỉ số “uy tín” cũng tụt từ bậc 47 xuống 45. Nguyên nhân là do nhiều quốc gia khác có tốc độ cải thiện chỉ số này nhanh hơn Việt Nam.
Vì vậy, theo ông Samir Dixit, để tiếp tục thăng hạng về quyền lực mềm trong những năm tới, trong các sự kiện kết nối kinh doanh quốc tế, Việt Nam cần mang đến những câu chuyện của mình để đẩy mạnh truyền thông, quảng bá ra quốc tế, chứ không chỉ trong nước hay Đông Nam Á.