Quyền lực mềm ngành công nghệ đã đè bẹp ông Trump?
(DNTO) - Việc các công ty và tập đoàn công nghệ từ chối dịch vụ với ông chủ Nhà Trắng sau vụ việc được cho là bạo loạn tại Điện Capitol đã làm dấy lên những vấn đề về việc liệu có thực sự tồn tại cái gọi là “quyền lực mềm” mà giới công nghệ đang nắm giữ?
Quyền lực mềm là thuật ngữ được giáo sư Joseph S. Nye tại Đại học Harvard đặt ra năm 1990 để lý giải sức ảnh hưởng mà một quốc gia giành được, bên ngoài sức mạnh quân đội (hay còn gọi là quyền lực “cứng”). Theo Nye, quyền lực của một đất nước nằm ở “khả năng thay đổi hành vi của các nước khác” để đạt được mục tiêu mà nó muốn, thông qua ép buộc (cây gậy), mua chuộc (củ cà rốt), hoặc thu hút (quyền lực mềm). Ông chỉ ra rằng “nếu có khả năng thu hút người khác, ta có thể tiết kiệm những cây gậy và củ cà rốt.”
Nye lập luận rằng quyền lực mềm của một quốc gia bắt nguồn từ “văn hóa (ở những điểm thu hút các nước khác), các giá trị chính trị (khi quốc gia đó đáp ứng được chúng ở trong nước và quốc tế), và các chính sách đối ngoại (khi chúng được coi là có tính chính danh và có thẩm quyền đạo đức). Quyền lực mềm của mỗi quốc gia cũng được tạo ra từ nhận thức của thế giới về bản chất của đất nước đó: những liên tưởng và thái độ gợi lên khi tên của một đất nước được nhắc đến. Quyền lực cứng được thi hành, còn quyền lực mềm thì được khơi gợi.
Mạng xã hội đồng loạt đặt "lệnh hạn chế" với ông chủ Nhà Trắng
Hôm 6/1, khi Quốc hội Mỹ đang tiến hành họp kiểm đếm phiếu bầu để chính thức xác nhận ai là người thắng cử tổng thống tại Điện Capitol thì những người biểu tình ủng hộ ông Donald Trump đã bao vây xung quanh tòa nhà Quốc hội, vượt hàng rào an ninh rồi tràn cả vào bên trong tòa nhà Quốc hội phá cửa, áp sát cửa phòng họp nơi diễn ra hoạt động kiểm phiêu bầu. Đã có ít nhất 5 người thiệt mạng, trong đó có một cảnh sát, 4 người biểu tình, trong đó có một phụ nữ tử vong do trúng đạn ngay trong tòa nhà Quốc hội.
Sau khi xảy ra vụ việc và nhận sự lên án từ khắp nước Mỹ, Tổng thống Mỹ Donald Trump lên án về vụ bạo loạn và gửi thông điệp hòa giải, nhưng dường như những lời của Tổng thống Donald Trump đã quá muộn. Người dân và chính giới Mỹ cảm thấy sốc và xấu hổ. "Vụ tấn công phá hủy hình ảnh của nước Mỹ. Đây không phải là cách đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại". Hàng loạt dòng tít được báo chí đăng tải đặt ra nhiều dấu hỏi về hình ảnh cường quốc số một thế giới.
Vào ngày 8/1, Twitter thông báo khóa vĩnh viễn tài khoản của ông Donald Trump trên MXH này, viện dẫn nguy cơ xảy ra bạo lực leo thang sau vụ những người ủng hộ ông Trump tấn công vào tòa nhà Quốc hội hôm 6/1 vừa qua.
Trước đó, khi vụ việc hôm 6/1 xảy ra, Twitter đã thông báo tạm khóa tài khoản của ông Donald Trump trong vòng 12 giờ, đồng thời gỡ những dòng trạng thái của Tổng thống Mỹ trước đó. Twitter đã lên tiếng cảnh báo sẽ khóa vĩnh viễn tài khoản của ông Trump nếu có thêm những sự vi phạm quy định của MXH này.
Sau Twitter, Facebook và Instagram cũng có động thái tương tự với tài khoản chính thức của Tổng thống Mỹ - vốn có tới hàng chục triệu người theo dõi, Snap và YouTube bắt đầu hành động nhằm hạn chế bài viết của ông Trump trên các nền tảng sau khi ông tiếp tục đưa ra tuyên bố sai lầm về kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ 2020.
Đây là quyết định mạnh tay nhất của Facebook đối với Tổng thống Trump trong 4 năm nhiệm kỳ. Twitter và các mạng xã hội khác cũng được kêu gọi đóng tài khoản của ông Trump hoặc có biện pháp khác tương tự.
Nền tảng thương mại điện tử Shopify thông báo đóng website liên quan tới Tổng thống Mỹ do vi phạm chính sách nội bộ. Website bán lẻ chính thức của Trump Organization, Trumpstore.com, nằm trong số các website bị gỡ. Trong một tuyên bố, Shopify khẳng định không khoan nhượng đối với các hành động kích động bạo lực.
Sự phản công của giới công nghệ thể hiện sức mạnh của quyền lực mềm
Bằng chứng là hiển nhiên. Nhiệm kỳ tổng thống của ông Donald Trump đã xói mòn quyền lực mềm của Hoa Kỳ. Trong cuộc thăm dò gần đây của Viện Gallup ở 134 quốc gia, chỉ 30% số người đã có một cái nhìn thuận lợi cho Hoa Kỳ dưới sự lãnh đạo của ông Trump, giảm gần 20 điểm kể từ nhiệm kỳ của tổng thống Barack Obama. Trung tâm Nghiên cứu Pew phát hiện rằng với mức tỷ lệ 30% là đồng tình.
Các cuộc “thanh trừng” gần đây đã thể hiện sức mạnh của ngành công nghệ. Theo Politico, các công ty tại Thung lũng Silicon thậm chí đủ khả năng định hình số phận của một vị tổng thống Mỹ.
Trong nhiều năm, chính quyền ông Trump đã cố gắng hạn chế quyền lực của Thung lũng Silicon, bao gồm hàng loạt vụ kiện chống độc quyền nhắm vào các Big Tech. Không chỉ thế, giới chức lưỡng đảng cũng nhiều lần thách thức phạm vi pháp lý của Mục 230, điều khoản trong luật truyền thông, theo đó giới hạn trách nhiệm của các nền tảng Internet đối với nội dung người dùng đăng tải.
“Mọi người nên lo lắng khi những công ty như Facebook và Twitter sẵn sàng sử dụng quyền lực không được kiểm soát để loại bỏ ai đó khỏi nền tảng, đặc biệt trong các vấn đề liên quan đến chính trị”, Kate Ruane, cố vấn lập pháp cấp cao của Liên minh Tự do Dân sự Mỹ, cho biết.
Tuy nhiên, hành động gỡ bỏ tài khoản tổng thống của Twitter vẫn nhận được không ít sự ủng hộ. Theo Chủ tịch nhóm vận động Color of Change Rashad Robinson, từ lâu, ông Trump và các đồng minh đã sử dụng mạng xã hội như một cách kích động làn sóng phân biệt chủng tộc tại Mỹ. Dù hành động chậm, Robinson vẫn cho rằng Twitter đã có những quyết định tiến bộ.
Theo Politico, các nền tảng trực tuyến có thể loại bỏ bất cứ ai họ muốn. Tuy nhiên, trong suốt 4 năm, họ đã làm song song 2 việc: hạn chế các tác hại mà phát ngôn của ông Trump gây ra, đồng thời tránh kiểm duyệt quyền tự do ngôn luận của người Mỹ. Trong khi đó, những nền tảng này thường xuyên phải chịu những áp lực dữ dội yêu cầu tắt “chiếc loa kỹ thuật số” của ông Trump. Việc khóa tài khoản của tổng thống đương nhiệm đã giải quyết được cả vấn đề lâu dài cũng như khủng hoảng tức thì cho Twitter.