Cần xem xét quy hoạch đất đai trong vòng 10 năm thay vì 2-3 năm
(DNTO) - Theo GS.TS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nhằm tránh tình trạng các đại gia bất động sản ồ ạt đấu giá đất rồi bỏ cọc, vấn đề quy hoạch cần phải có tầm nhìn dài hạn, khả dĩ trong vòng 10 năm, chứ không phải chuyện quy hoạch trong vòng một, vài năm.
GS Nguyễn Mại nhấn mạnh, cần công khai, minh bạch trong đấu giá, đấu thầu. Không có nước nào trên thế giới không coi đất đai là tài nguyên quan trọng nhất.
Ông nêu ví dụ thực tế diễn ra ở huyện Lộc Ninh, Bình Phước, khi có quy hoạch khu đô thị, trước khi công bố quy hoạch, các nhà đầu tư mua gom đất của dân với 1 giá thấp nhằm gom sổ đỏ, sau đó khi công khai quy hoạch họ sẽ bán được với giá gấp 2-3 lần giá lúc mua, bằng cách là khi đấu giá đất nằm trong quy hoạch, sẽ có hàng loạt xe ô tô con lên đóng kịch, mồi chài lên giá và ăn chênh lệch rất lớn.
"Vì vậy có thể thấy, quan trọng là bắt đầu từ quy hoạch. Hiện, chúng ta có những con đường đắt nhất thế giới do chi phí giải phóng mặt bằng rất cao. Hà Nội đã từng có quyết định rất tốt khi mở rộng đường Kim Liên, lấy 2 bên đường 50 m, lấy tiền đền bù bằng giá trị tiền thuê đất tăng lên, theo quy hoạch Hà Nội sẽ có khu đô thị hiện đại 2 bên cầu Kim Liên nhưng sau đó lại không thực hiện được", GS Mại nói.
Theo ông, vấn đề quy hoạch cần phải có tầm nhìn dài hạn, khả dĩ trong vòng 10 năm không phải chuyện quy hoạch trong vòng một, vài năm. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần có nghiên cứu hướng dẫn làm quy hoạch đất đai trong quá trình đô thị hoá. Cùng với đó, ở đâu có quy hoạch thì phải có dữ liệu công khai để người dân, nhà đầu tư tiếp cận được một cách công bằng cho tất cả.
Riêng với câu chuyện Thủ Thiêm tại TP.HCM, GS Mại cho rằng, những thành phố lớn như TP.HCM rất cần rút kinh nghiệm. Không thể nói như Sở Tư pháp, TP.HCM là làm đúng pháp luật thì không xử lý được mà cần có cách nhìn dài hạn hơn, có sách lược để kiến nghị giải quyết chung cho cả nước. Không thể coi là đúng pháp luật thì cho qua và không rút kinh nghiệm.
Cùng chung quan điểm, PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến, Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế Đại học Luật Hà Nội, cho biết, trong năm vừa qua, tỷ lệ đóng góp ngân sách nhà nước từ đấu giá đất đã tăng mạnh (16-17%). Bên cạnh đó, trong bối cảnh tài nguyên đất đai khan hiếm, nhu cầu sử dụng đất tăng, hình thức đấu giá tạo ra cơ chế bình đẳng cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận một cách công khai minh bạch.
"Tôi muốn nhấn mạnh rằng, tình trạng bỏ cọc của các nhà đầu tư tại địa phương là không mới. Tuy nhiên, gần đây, sau câu chuyện bỏ cọc của Tân Hoàng Minh, thì chúng ta mới để ý đến nó. Về cơ bản, những nhà đầu tư này cũng không vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, câu chuyện cần phân tích ở đây chính là qua những vụ việc bỏ cọc với giá cao như vậy, thì nó sẽ dẫn đến hệ lụy gì về kinh tế - xã hội. Điều này là rất đáng lo ngại. Những vụ đấu giá cao bất thường sẽ khiến mặt bằng giá bất động sản tăng cao, với một giá ảo", ông Tuyến phân tích.
Cũng theo ông Tuyến, câu chuyện này cũng khiến công tác giải phóng mặt bằng gặp khó khăn. Nêu giải pháp, theo ông Tuyến: Cần có chế tài đánh giá các doanh nghiệp tham giá đấu giá, xem hồ sơ pháp lý có sạch sẽ hay không, trong 5 năm có bỏ cọc sau đấu giá hay không. Nếu vi phạm thì nên không cho tham gia.
"Chế tài cần nghiêm khắc hơn với các doanh nghiệp bỏ cọc như bổ sung mức tiền phạt. Cấm trong 5 năm không được đấu giá. Nếu tái phạm, có thể xem xét về xử lý trách nhiệm hình sự. Không nên để doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở pháp luật, coi đấu giá là trò chơi để đánh bóng tên tuổi. Chúng ta cần yêu cầu các nhà đầu tư phải có trách nhiệm với xã hội cũng như tính bền vững của thị trường", ông Tuyến nói.