Tân Hoàng Minh ‘bỏ cọc’: Nước cờ khôn?
(DNTO) - Việc một tập đoàn lớn như Tân Hoàng Minh bất ngờ "bỏ cọc" tháo chạy khỏi thương vụ đấu giá đất "khủng" khiến không ít người đặt câu hỏi: Liệu đây có phải là "nước cờ" được tính toán kỹ và điều gì sẽ diễn ra sau đó?
Đầu tháng 12 vừa qua, tên tuổi của Tập đoàn Tân Hoàng Minh bất ngờ gây chú ý đặc biệt khi giành chiến thắng trong phiên đấu giá lô đất 3.12 tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Với giá khởi điểm là 2.942 tỷ đồng cho hơn 10.000 m2, doanh nghiệp này đã sẵn sàng đưa ra mức giá lên tới 24.500 tỷ đồng, cao gấp hơn 8 lần và tính ra trung bình sẽ là khoảng 2,4 tỷ đồng/m2.
Một con số gây choáng, cho thấy quyết tâm, thậm chí bất chấp mọi giá, để trở thành người cuối cùng "chiến thắng" trong cuộc đấu giá này. Nhiều người tò mò, nếu có đủ tiềm lực tài chính "ôm" khu đất, doanh nghiệp sẽ kinh doanh ra sao, khi thu hồi vốn đã khó nói gì lợi nhuận.
Câu chuyện khiến tốn nhiều giấy mực đoán già đoán non chỉ thực sự dừng khi ngày thanh toán đợt một sắp đến (50% số tiền mua tài sản) thì họ bỏ cọc, "bom hàng". Chuyện thật mà như đùa, những tưởng chỉ có đâu đó trên các sàn thương mại điện tử, khi người mua đặt hàng cho đã rồi tắt máy điện thoại, không chịu nhận hàng... khiến anh shiper chỉ biết khóc ròng.
Lá tâm thư của người đứng đầu doanh nghiệp tưởng là chuyện đùa nhưng lại là sự thật. Tâm thư gửi đến các lãnh đạo cấp cao, các ban ngành quan trọng, giới thiệu cả bản thân và gia đình, có cả tâm tư, trăn trở của người đứng đầu Tân Hoàng Minh.
"Chúng tôi đã suy nghĩ và lắng nghe...", "Chúng tôi nghiêm túc kiểm điểm..." và "Chúng tôi xin tự nguyện đơn phương chấm dứt hợp đồng...".
Các cơ quan trực tiếp liên quan đến vụ đấu giá không được đề cập trong tâm thư, khiến không ít người lầm tưởng đây là sản phẩm của mạng xã hội thời hiện đại khi thực hư lẫn lộn.
Doanh nghiệp chấp nhận mất luôn gần 600 tỷ đồng đặt cọc, một con số không hề nhỏ. Nhưng đổi lại họ được gì?
Công ty Tổng Bách Hóa (UPCoM: TBH), với phần lớn cổ phần thuộc về thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh – CTCP Đầu tư Xây dựng Phú Thanh (96,65%), ghi nhận đà tăng vượt trội. Ngày 13/8/2021, TBH bắt đầu giao dịch trên thị trường Upcom với hơn 93 triệu cổ phiếu, với mức giá tham chiếu 5.700 đồng/cp. Giá trị vốn hóa tại thời điểm này của Tổng Bách Hóa vào khoảng 530 tỷ đồng.
Tuy nhiên sau 4 tháng giao dịch, TBH đã có tới 17 phiên tăng trần. Đặc biệt sau thông tin Tân Hoàng Minh trúng giá đất khủng, TBH ghi nhận đà tăng càng mạnh mẽ. Đỉnh điểm ngày 7/1, trước khi doanh nghiệp thông báo bỏ cọc vài ngày, TBH đã đạt 108.000 đồng/cp, tức tăng 1.260 lần so với mức giá ngày đầu ra mắt chỉ trong thời gian quá ngắn. Giá trị vốn hóa từ vài trăm tỷ đồng lên hàng ngàn tỷ đồng.
Đáng chú ý, từ năm 2017 đến 2020, lợi nhuận doanh nghiệp liên tục âm. Báo cáo quý 1 năm nay lợi nhuận cả doanh nghiệp chỉ vỏn vẹn 15 tỷ đồng.
Cũng trong tháng 12 trên, báo cáo từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết, trong tháng, hơn 9.400 tỷ đồng trái phiếu đổ về 3 công ty có mối liên hệ mật thiết với Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Hoạt động huy động vốn diễn ra mạnh nhất sau vụ đấu giá Thủ Thiêm. Trong khi đó, những thông tin cơ bản như lãi suất, mục đích huy động, trái chủ, các đơn vị tham gia thu xếp, tài sản đảm bảo... của các doanh nghiệp trên lại khá ít ỏi.
Có thể nói, tháng 12 là một tháng may mắn với Tân Hoàng Minh.
Nhiều dự án mới đã bắt đầu được khởi động. Tân Hoàng Minh cho biết đã gửi công văn tới Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Kiên Giang và lãnh đạo thành phố Phú Quốc đề xuất chủ trương thực hiện dự án tâm linh. Tân Hoàng Minh cũng đề xuất với tỉnh Lâm Đồng được nghiên cứu lập ý tưởng quy hoạch khu du lịch, phim trường, đô thị… trên diện tích hơn 4.300 ha tại xã Xuân Thọ, TP. Đà Lạt và đã được chấp thuận.
Trả lời báo Thanh niên, có chuyên gia cho biết: "Việc này có cảm nhận Tân Hoàng Minh đang "xí phần" giữ đất tại Xuân Thọ bằng động thái tài trợ nghiên cứu quy hoạch nói trên".
Năm qua là một năm nhiều khó khăn với nền kinh tế và với nhiều doanh nghiệp bởi sự tác động của dịch bệnh, không ít doanh nghiệp lao đao phá sản.
Tuy nhiên, sau thông tin đấu giá đất khủng, giá bất động sản lại được đà tăng lên. Đây là tin vui với những doanh nghiệp sở hữu các quỹ đất lớn nhưng lại là tin buồn với người dân có nhu cầu thực sự. Và chắc chắn một khi đã lên cao, một mặt bằng giá mới được thiết lập, giá bất động sản khó có cơ hội quay đầu trở lại.
Cổ phiếu TBH cũng mất gần 15% giá trị trong ngày 14/1. Nhà đầu tư chỉ còn biết hy vọng và chờ đợi.
Vụ việc trên cũng cho thấy những kẽ hở trong các quy định về đấu giá đất đang tạo điều kiện cho ai đó "làm mưa làm gió" và để lại nhiều hệ lụy cho xã hội. Việc sớm được xem xét điều chỉnh các quy định là vô cùng cấp thiết.
Và trên hết, niềm tin của một cá nhân hay doanh nghiệp một khi đã đánh mất sẽ khó lòng lấy lại được. Dẫu biết dại, khôn cũng là lẽ đời nhưng chắc chắn một điều một doanh nghiệp muốn phát triển bền vững cần có tinh thần thượng tôn dân tộc và gây dựng được niềm tin trong cộng đồng. Nếu thiếu những yếu tố đó, họ khó đi được đường dài.