Cần lựa chọn doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo để cứu chứ không hỗ trợ tràn lan
(DNTO) - Để cứu những doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19, các chuyên gia cho rằng không nên hỗ trợ tràn lan, vì có những doanh nghiệp dù ‘bơm tiền’ vẫn chết. Cần lựa chọn doanh nghiệp cụ thể để cứu, như những doanh nghiệp có khả năng phát triển trong tương lai, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo...
Quan điểm này được PGS. Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra tại Hội thảo “Thúc đẩy phục hồi kinh tế và cải cách thể chế sau đại dịch Covid-19: Đề xuất cho Việt Nam”, diễn ra hôm nay 22/4.
Phải phát triển ‘đại bàng’ của Việt Nam để giúp kinh tế hồi phục
Theo kết quả nghiên cứu của CIEM, thời gian qua tỉ lệ doanh nghiệp tiếp cận gói hỗ trợ của Chính phủ rất hạn chế. Nhưng ở góc phản biện, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban nghiên cứu tổng hợp, CIEM, cho rằng lối ra của đại dịch chưa rõ ràng, chưa biết bao giờ mới khống chế được dịch. Nên nếu có biện pháp hỗ trợ quá sớm thì sẽ không hiệu quả.
“Nếu hỗ trợ cho toàn bộ doanh nghiệp thì liệu các doanh nghiệp có tìm được tính thích ứng, tái cơ cấu để phát triển hay không? Và sự hỗ trợ chừng mực chính là sự chia sẻ khó khăn giữa Nhà nước với doanh nghiệp và ngược lại”, ông Dương nói.
Ở góc độ chuyên gia khi bàn về câu chuyện gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19, PGS. Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng CIEM, thẳng thắn bày tỏ: “Tôi cho rằng không nên hỗ trợ tràn lan, vì có những doanh nghiệp dù có “bơm tiền” vẫn chết mà không vực dậy được. Theo đó, cần lựa chọn doanh nghiệp cụ thể để hỗ trợ. Ví dụ, nên chọn những doanh nghiệp có khả năng phát triển trong tương lai, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo để cứu”.
Khi nói về các giải pháp phục hồi nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch, PGS. Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng CIEM, cho rằng, không nên đặt phục hồi kinh tế xong mới cải cách, đừng chờ xong việc này mới làm việc kia, mà phải thực hiện song song hai việc cùng lúc.
“Nếu cứ quá mải mê phục hồi kinh tế mà quên cải cách thì chỉ được việc trước mắt. Còn phục hồi nhiều hơn hay cải cách nhiều hơn lại phụ thuộc vào nghệ thuật, trình độ của người lãnh đạo”, ông Bá nói.
Liên quan đến câu chuyện thu hút FDI, ông Bá bày tỏ, đã qua rồi cái thời FDI nào vào cũng ủng hộ. Hiện nay, vấn đề pháp triển bền vững, kinh tế xanh… cần được quan tâm.
“Để kinh tế hồi phục, chúng ta phải phát triển đại bàng của Việt Nam chứ không chỉ có đại bàng nước ngoài. Để làm được điều đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ cũng phải nỗ lực. Chúng ta đừng tư duy nhỏ, vì tư duy nhỏ nên kết quả cũng nhỏ. Phải tư duy lớn hơn để bứt phá”, ông Bá nêu giải pháp.
3 kịch bản phát triển kinh tế giai đoạn 2021-2023
Tại Hội thảo, bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM cho biết: “Việt Nam đang bước vào giai đoạn chiến lược 2021-2030 với những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mới. Mặc dù được đánh giá là một trong số ít các quốc gia thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh, tạo tiền đề cho phục hồi và thúc đẩy sản xuất trong nước, tái mở cửa kinh tế một cách an toàn, song Việt Nam cũng cần xây dựng một kế hoạch dài hơi hơn, tránh rủi ro “cạn kiệt” không gian chính sách và giảm động lực cải cách thể chế kinh tế”.
Dưới góc nhìn của CIEM, nếu nền kinh tế chậm phục hồi, cải cách thể chế kinh tế cũng sẽ thiếu sự đồng thuận và động lực cần thiết và/hoặc không tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ để đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế.
Đáng lưu ý, tổng vốn phát triển toàn xã hội theo giá hiện hành năm 2020 tăng 5,7%, thấp hơn 4,5 điểm phần trăm so với năm 2019. Tỷ trọng đầu tư/GDP năm 2020 đạt 34,4%. Hiệu quả đầu tư tính theo hệ số ICOR sụt giảm đột ngột trong năm 2020, hệ số ICOR tăng lên tới gần 14,3. Vốn FDI đăng ký đạt 28,5 tỷ USD, giảm 25%; vốn FDI thực hiện đạt 19,98 tỷ USD...
Nhóm nghiên cứu CIEM đã xây dựng 3 kịch bản cho giai đoạn 2021-2023 (ứng với các giải pháp bình thường như hiện nay; nới lỏng tài khoá và tiền tệ; nới lỏng tài khoá và tiền tệ cùng với cải cách thể chế).
Theo đó, tăng trưởng GDP của 3 năm từ 2021-2023 ở kịch bản “bình thường” lần lượt là 5,98%; 6,45%; 6,61%. Trung bình cả giai đoạn 3 năm ở kịch bản này là 6,35%. Ở kịch bản nới lỏng tài khoá và tiền tệ, GDP tăng 6,43%; 6,80% và 6,83%; trung bình cả 3 năm là 6,69%. Ở kịch bản 3, là 6,47%; 6,88% và 6,92% với trung bình cả giai đoạn 3 năm là 6,76%.