Các quốc gia nghèo đang 'đói' thuốc kháng sinh
(DNTO) - Những nhà sản xuất tân dược đang lên tiếng kêu gọi cộng đồng thế giới cung cấp cho các quốc gia nghèo khả năng tiếp cận với nhiều loại thuốc kháng sinh hơn, trước tình trạng kháng thuốc đã tăng nhanh so với dự kiến, đặc biệt là ở vùng châu Phi cận Sahara.
Những nhà sản xuất tân dược đang được khuyến khích cung cấp nhiều thuốc kháng sinh và thuốc chống nấm hơn cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình trước tình trạng kháng thuốc đang tăng nhanh hơn dự kiến trên toàn cầu. Các bệnh nhiễm trùng từ tình trạng kháng thuốc có nguy cơ lây lan nhanh chóng nếu mọi người không được tiếp cận với thuốc kháng sinh và thuốc kháng nấm cần thiết để điều trị các bệnh nhiễm trùng diện rộng toàn thân nghiêm trọng, như viêm màng não cryptococcus do nấm gây ra.
Theo báo cáo từ Medicine Foundation Access, tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Amsterdam, Hà Lan, một nghiên cứu đã được gửi tới nhóm các quốc gia G20 tại hội nghị thượng đỉnh ở Bali vào tháng 11 năm ngoái. Còn theo thông tin khảo sát từ dự án Gram (Viện nghiên cứu toàn cầu về kháng thuốc) được công bố trên tạp chí Lancet hồi đầu năm, trên toàn thế giới có hơn 1 triệu người chết vì kháng thuốc kháng sinh mỗi năm, nhiều hơn con số ước tính vào năm 2014 là 700.000 nhân mạng, mà tình trạng tồi tệ nhất đã diễn ra ở khu vực cận Sahara, châu Phi.
Khi bác sĩ không thể có sẵn loại thuốc cần, họ buộc phải kê đơn các thứ tân dược thay thế kém hiệu quả hơn. Việc làm bất đắc dĩ này hóa ra lại tạo cơ hội cho vi rút và vi khuẩn phát triển và dần dà chúng trở thành “siêu vi khuẩn kháng thuốc”. Báo cáo của tổ chức Gram cũng cho biết, những bệnh nhân dạng này phải đối mặt với nguy cơ nhiễm trùng do tỷ lệ kháng thuốc cao. Họ cũng gặp nhiều khó khăn trong việc sử dụng thuốc kháng sinh cần thiết để sống sót qua các đợt nhiễm trùng nặng do vi khuẩn và nấm gây ra.
Chỉ có 54 trong số 166 loại thuốc và vắc-xin cho các bệnh truyền nhiễm được giới y khoa đề cập trong chiến lược tiếp cận hầu cung cấp đủ cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Đại dịch Covid-19 còn khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Các chuỗi cung ứng thuốc kháng sinh khá phức tạp trên tầm mức quốc tế nay lại bị gián đoạn do các biên giới bị đóng cửa thông thương vì dịch bệnh. Thế nhưng theo Jayasree Iyer, nữ giám đốc điều hành Gram, Covid 19 tuy là đại dịch có hại nhưng cũng đã tạo ra một cú hích lớn có lợi vào chuỗi cung ứng. Bởi việc giãn cách xã hội và tăng cường rửa tay thực ra cũng đã giúp giảm thiểu các bệnh nhiễm trùng khác.
Bà nhận định thêm, nhà sản xuất thuốc kháng sinh và thuốc chống nấm không có nhiều động lực kinh doanh lắm để trông chờ vào mức tiêu thụ ở các nước nghèo. Bởi tại đây họ phải đối mặt với biên lợi nhuận thấp và chuỗi cung ứng mỏng manh, rời rạc. Thế nên báo cáo của Gram đã vạch ra cái nhìn sâu sắc hơn về nhu cầu địa phương, cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng và gợi ý chiến lược mua sắm dài hạn thông qua đấu thầu, hầu đảm bảo thuốc hoặc vắc xin được duy trì ở một mức giá cụ thể và chấp nhận được. Những động thái ấy còn giúp các nhà sản xuất bán được các loại thuốc cũ ở chính địa phương đó.
Gram cũng nêu bật một số ví dụ tích cực. Chẳng hạn, kể từ năm 2008, Sanofi của Pháp đã cho phép các công ty địa phương ở Nigeria sản xuất một loại thuốc kháng sinh khuyết bằng sáng chế có tên Flagyl, loại biệt dược điều trị nhiễm trùng đường tiêu hóa và vài bệnh khác. Vào năm 2015, Sanofi đã hợp tác với công ty Anh, May & Baker, sản xuất 500.000 hộp thuốc kháng sinh mỗi năm cho thị trường Nigeria.