Các cường quốc công nghệ sẵn sàng cho cuộc đua 6G
(DNTO) - Hiện nay, mặc dù công nghệ 5G thậm chí còn chưa được phổ cập rộng rãi đến người dùng, các quốc gia đứng đầu về công nghệ đã ráo riết chạy đua cho cuộc cách mạng công nghệ 6G, hiện thực hóa những gì vẫn đang còn trên lý thuyết.
Mỹ - Trung: Từ chiến tranh thương mại đến cách mạng 6G
Hầu hết thế giới vẫn chưa được trải nghiệm những lợi ích của mạng 5G, nhưng cuộc chạy đua địa chính trị cho phát kiến lớn tiếp theo trong công nghệ viễn thông đang nóng lên.
Dù còn ít nhất một thập niên nữa để trở thành hiện thực, nhưng 6G - thế hệ mạng công nghệ mới có thể nhanh hơn 100 lần so với tốc độ tối đa của 5G - đã được kỳ vọng sẽ cung cấp loại công nghệ mà lâu nay chỉ được xem là khoa học viễn tưởng, ví dụ như ảnh ba chiều thời gian thực, taxi bay cho đến khả năng cơ thể và bộ não con người được kết nối internet.
Đối với các công ty và chính phủ, thị phần có giới hạn. Người đầu tiên phát triển và cấp bằng sáng chế 6G sẽ là người chiến thắng lớn nhất trong cái mà một số người gọi là cuộc cách mạng công nghiệp tiếp theo.
Hiện cuộc chạy đua về 6G ngày càng gia tăng ngay cả khi nó vẫn chỉ là đề xuất lý thuyết. Điều này nhấn mạnh cách địa chính trị thúc đẩy cạnh tranh công nghệ, đặc biệt giữa Mỹ và Trung Quốc. “Nỗ lực 6G quan trọng đến mức đã trở thành một cuộc chạy đua vũ trang theo một mức độ nào đó. Nó sẽ đòi hỏi một đội quân là các nhà nghiên cứu để duy trì tính cạnh tranh”, Peter Vetter, người đứng đầu bộ phận truy cập và thiết bị tại chi nhánh nghiên cứu Bell Labs của Nokia Oyj, nói.
Rõ ràng là 6G đã nằm trong tâm trí của các nhà hoạch định chính sách ở cả Washington và Bắc Kinh. Cựu Tổng thống Donald Trump đã chia sẻ trên trang Twitter vào đầu năm 2019 rằng ông muốn 6G "càng sớm càng tốt".
Sự phát triển của 6G có thể mang lại cho Mỹ cơ hội lấy lại vị thế đã mất trong công nghệ không dây.
Washington cũng đã bắt đầu phác thảo chiến tuyến 6G. Liên minh Giải pháp Công nghiệp Viễn thông, một nhà phát triển tiêu chuẩn viễn thông của Mỹ được gọi là ATIS, đã ra mắt Liên minh Next G vào tháng 10 nhằm "nâng cao vị thế lãnh đạo Bắc Mỹ trong công nghệ 6G." Các thành viên của liên minh bao gồm những gã khổng lồ công nghệ như Apple Inc., AT&T Inc., Qualcomm Inc., Google và Samsung Electronics Co., nhưng không có Huawei.
Hàn Quốc và Trung Quốc vẫn nắm thượng phong
Trung Quốc đang dẫn trước. Quốc gia này đã phóng một vệ tinh vào tháng 11 để kiểm tra sóng không khí về khả năng truyền 6G và Huawei có một trung tâm nghiên cứu 6G ở Canada, theo báo cáo của các phương tiện truyền thông Canada. Nhà sản xuất thiết bị viễn thông ZTE Corp cũng đã hợp tác với China Unicom Hong Kong Ltd. nhằm phát triển công nghệ này.
Nhiều năm cay đắng dưới thời chính quyền Trump và cuộc chiến thương mại đã ảnh hưởng nặng nề đến các công ty công nghệ Trung Quốc, nhưng điều đó không ngăn được nước này vươn lên tiên phong trong công nghệ 5G. Bất chấp nhiều nỗ lực phủ nhận của Mỹ, Huawei đã vượt qua các nhà cung cấp 5G đối thủ trên toàn cầu, chủ yếu bằng cách đưa ra mức giá hấp dẫn.
Samsung Electronics và Huawei Technologies là hai cái tên đi đầu trong việc triển khai các trạm cơ sở, vốn là hạ tầng quan trọng của mạng viễn thông.
Nhờ sự tham gia của hai gã khổng lồ, Hàn Quốc và Trung Quốc sẽ có lợi thế trong cuộc chạy đua công nghệ 6G, theo Nikkei. Nhật Bản và Mỹ sẽ gặp khó nếu muốn đuổi kịp hai quốc gia nói trên về 6G.
Hàn Quốc và Trung Quốc có lợi thế từ những nhà sản xuất smartphone, trạm cơ sở và linh kiện điện tử. Điều đó giúp cho họ tận dụng được thế mạnh công nghệ và thiết lập các tiêu chuẩn công nghệ 6G thông qua các công ty tư nhân. Hàn Quốc sẽ tìm cách trở thành quốc gia đầu tiên triển khai dịch vụ thương mại 6G, với dự án phát triển trị giá 800 triệu USD và trung tâm nghiên cứu của Samsung, LG.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng tiết lộ chương trình nghiên cứu và phát triển vào tháng 11, và công ty công nghệ lớn nhất nước này là Huawei đã giới thiệu đội ngũ nghiên cứu về 6G.
Với công nghệ 6G, tốc độ mạng có thể đạt tới hơn 1 Tb/s, nhanh hơn 10 lần so với 5G. Nhưng về phạm vi phủ sóng, khoảng cách truyền của các trạm gốc 6G sẽ chỉ từ 200 m trở xuống, do công nghệ 6G sử dụng bước sóng ngắn hơn, ăng-ten nhỏ hơn.
Hiện tại Samsung đang là công ty đi đầu về bản quyền 5G, nắm giữ 8,9% số lượng bản quyền. Huawei đứng thứ hai với 8,3%, Qualcomm là 7,4%, trong khi NTT Docomo của Nhật đứng thứ 6 với 5,5%.