Các cơ quan ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài tạo mọi điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp Việt vươn ra thế giới
(DNTO) - Bất chấp những tác động tiêu cực của đại dịch suốt thời gian qua, các cơ quan đại diện, ngoại giao Việt Nam tại các quốc gia vẫn luôn nỗ lực trong công tác ngoại giao kinh tế, thúc đẩy sự phát triển và vươn tầm cho doanh nghiệp trong nước.
Ngày 18/9, Hội Doanh nhân trẻ (DNT) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tổ chức hội nghị trực tuyến với chủ đề "Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong đại dịch Covid-19 và chia sẻ cơ hội kinh doanh". Chương trình có sự tham gia của các khách mời: ông Đinh Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thông tin văn hóa, Ủy ban Nhà nước người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao); ông Doãn Khánh Tâm, Đại sứ Việt Nam tại Mông Cổ; ông Mai Phước Dũng, Đại sứ Việt Nam tại Singapore. Về phía đại diện Hội DNT có ông Lê Đình Thắng, Chủ tịch Hội DNT Bà Rịa - Vũng Tàu, lãnh đạo Hội DNT các tỉnh thành và địa phương cùng hàng trăm Hội viên của Hội DNT tỉnh.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Hội DNT Bà Rịa - Vũng Tàu Lê Đình Thắng cho biết trong thời gian xảy ra đại dịch, phần đông các doanh nghiệp (DN) tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) chịu nhiều tác động tiêu cực trong hoạt động kinh doanh. "Hội DNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhận thấy đây là thời điểm rất cần thiết có những sự kết nối doanh nghiệp với các chuyên gia, những người có thẩm quyền để có những giải pháp, tư vấn và định hướng kết nối kinh doanh cả trong và sau đại dịch", ông Thắng cho biết.
Là địa bàn có nhiều DN vừa và nhỏ, nhưng các doanh nhân BR-VT rất quan tâm đến không chỉ thị trường trong nước mà còn cả quốc tế, hy vọng có thể tận dụng được nhiều lợi thế đặc trưng từ sản phẩm trong nước để giới thiệu đến bạn bè quốc tế, và muốn được tiếp cận nhiều hơn đến thị trường quốc tế, thì ngoại giao kinh tế là một trong những mục tiêu quan trọng mà các DN mong muốn sự hỗ trợ tích cực từ Nhà nước.
Ông Đinh Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thông tin văn hóa, Ủy ban Nhà nước người Việt Nam ở nước ngoài cho biết chủ trương nhất quán của Việt Nam là rất quan tâm đến vấn đề đối ngoại với các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là ngoại giao kinh tế, với chủ thể phục vụ là người dân và DN, tạo nên một cầu nối vững chắc giữa DN trong nước với thị trường nước ngoài.
"Trong điều kiện dịch bệnh rất nhiều khó khăn và trở ngại, chúng tôi vẫn tổ chức những diễn đàn trực tuyển để các cơ quan ngoại giao tại nước ngoài để các cơ quan và DN có cơ hội tiếp cận nhau, cập nhật những thông tin quan trọng về thị trường các quốc gia. Từ đó, các DN có thể kịp thời nắm bắt và định hướng phát triển cho sản phẩm dịch vụ của mình", ông Hoàng Linh thông tin.
Ông Linh cho biết, hiện nay, Việt Nam đang có 94 cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài, bao gồm các Đại sứ quán, Tổng Lãnh sự quán, các phái đoàn, văn phòng. Bên cạnh đó là 5,3 triệu kiều bào đang sinh sống, học tập và làm việc tại 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, có 10% trong số đó là có kinh nghiệm và kiến thức trong các hoạt động kinh doanh.
"Theo một số liệu năm 2017, có khoảng 7.000 doanh nhân người Việt tại nước ngoài, đây là các con số rất triển vọng để thúc đẩy sự kết nối giao thương của sản phẩm Việt Nam ra thế giới. Với đầu mối là hơn 94 cơ quan ngoại giao, cùng với các hội đoàn DN Việt tại nước ngoài, là những địa chỉ tin cậy để các DN có thể liên hệ. Tôi tin rằng Bộ Ngoại giao và các cơ quan sẽ tiếp tục thúc đẩy, hỗ trợ BR-VT nói riêng và các tỉnh thành khác nói chung để có những hướng đi vững chắc sau khi dịch qua đi", Vụ trưởng Vụ Thông tin văn hóa, Ủy ban Nhà nước người Việt Nam ở nước ngoài khẳng định.
Đồng quan điểm trên và khẳng định các cơ quan đại diện ngoại giao luôn hỗ trợ cho doanh nghiệp hết mình, trong phần phát biểu của mình, ông Doãn Khánh Tâm, Đại sứ Việt Nam tại Mông Cổ đã cung cấp cho các DN tham gia hội nghị số điện thoại và hộp thư điện tử của cá nhân Đại sứ cũng như của Đại sứ quán Việt Nam tại Mông Cổ để ông có thể hỗ trợ kịp thời cho các DN trong nước.
Đại sứ Doãn Khánh Tâm cho biết sự kết nối giao thương giữa hai quốc gia Việt Nam - Mông Cổ đến nay vẫn còn nhiều khó khăn, hai nước vẫn chưa có đường bay thẳng chính thức, các hoạt động xuất nhập khẩu chủ yếu thông qua đường biển với khoảng cách khá xa. Ông cho biết các cơ quan hữu quan của hai nước đang nỗ lực xúc tiến các hoạt động để kết nối con đường thông thương trong thời gian sớm nhất.
"Mông Cổ là một quốc gia ít dân, thế mạnh ở đây là khai thác khoáng sản và sản xuất các loại nguyên liệu như thịt, lông của gia súc như ngựa, dê, cừu,... Điều thú vị là các sản phẩm Việt Nam rất được ưa chuộng tại quốc gia này, có thể kể đến một vài thương hiệu như bia Sài Gòn, mì Cung Đình, Hảo Hảo, hải sản, chè hay các sản phẩm y dược do Việt Nam sản xuất, tuy nhiên do vận chuyển khá khó khăn nên giá thành còn cao". Đại sứ Tâm tái khẳng định, không chỉ Mông Cổ mà tất cả các cơ quan ngoại giao khác luôn sẵn sàng hỗ trợ cho DN khi cần: "Cơ quan ngoại giao được sinh ra để phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước. Và chúng tôi luôn sẵn sàng đón nhận các đơn hàng từ các DN trong nước".
Tại Singapore, đại sứ Mai Phước Dũng cũng cho biết thị trường tại đảo quốc sư tử cũng rất ưa chuộng sản phẩm Việt Nam. "Vừa qua chúng tôi có tổ chức một cuộc triển lãm hàng hóa Việt Nam theo hình thức hybrid, cả trực tiếp và qua kênh online, do ảnh hưởng bởi đại dịch nên chỉ có hơn 50 doanh nghiệp tham gia giới thiệu sản phẩm nhưng kết quả đạt được rất đáng khích lệ. Sau cuộc triển lãm đã có hơn 10 đơn hàng được ký kết. Đây có thể xem là động lực cho các DN trong nước tự tin tiến ra quốc tế."
"Việt Nam và Singapore may mắn có những điều kiện vô cùng thuận lợi để có thể kết nối do khoảng cách gần và văn hóa có nhiều nét tương đồng. Đó là những cơ hội mà DN nên xem xét để có thể kết nối. Các DN có thể liên hệ với chúng tôi và gửi hàng hóa, sản phẩm đến Đại sứ quán Việt Nam hay Thương vụ Việt Nam tại Singapore bất cứ lúc nào để giới thiệu đến khách hàng", ông Dũng chia sẻ.
Ông Dũng cho biết thêm một trong những điểm sáng trong việc kết nối với Singapore đó là nguồn lao động xuất khẩu, vừa qua các cơ quan nhà nước Singapore đã khẳng định vai trò của nguồn lao động nước ngoài. Đại sứ Dũng cho biết các cơ quan ngoại giao hai nước đang tích cực làm việc để tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động xuất khẩu Việt Nam.
Về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Thông tin văn hóa Đinh Hoàng Linh cho biết thêm, nhân lúc dịch bệnh, các DN xuất khẩu lao động cần kiện toàn cơ cấu và trau dồi thêm về các vấn đề liên quan đến lao động nước ngoài như văn hóa, pháp luật, phong tục tập quán,... cho người lao động. "Về khía cạnh văn hóa, người lao động xuất khẩu góp phần mang hình ảnh, văn hóa Việt Nam ra thế giới. Khi hình ảnh con người Việt Nam tạo được ấn tượng tốt sẽ giúp cho sản phẩm Việt Nam và cơ hội xuất khẩu của chúng ta được thuận lợi", ông Linh chia sẻ.