Bộ Tài chính họp trực tuyến về đánh giá xếp hạng tín nhiệm với Moody’s
(DNTO) - Chiều ngày 18/3, Bộ Tài chính tổ chức cuộc họp trực tuyến đánh giá xếp hạng tín nhiệm thường niên năm 2020 với Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s. Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà chủ trì cuộc họp.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Thường trực Trần Xuân Hà đã thông tin tổng quan về cập nhật tình hình kinh tế, xã hội của Việt Nam năm 2020, trao đổi về tình hình tài chính ngân sách, hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, thông tin về chủ trương sau Đại hội Đảng lần thứ XIII và mục tiêu dự kiến về kinh tế vĩ mô giai đoạn năm 2021 và 5 năm 2021-2025 của Việt Nam.
"Năm 2020 nền kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, tuy nhiên nhờ nỗ lực của cả hệ thống chính trị, Việt Nam đã đạt được mục tiêu kép, vượt lên hẳn các nền kinh tế mới nổi khác về sức chống chịu trong cuộc khủng hoảng Covid-19, gặt hái được những thành tựu nhất định: GDP đạt 2,91%, nằm trong số 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới. Tỷ lệ bội chi ngân sách và nợ công đều được kéo giảm xuống mức an toàn hơn, nhờ đó không gian tài khóa và dư địa chính sách được nâng lên đáng kể. Việt Nam hiện trở thành lựa chọn hấp dẫn để đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu. Dòng vốn FDI vào Việt Nam tăng mạnh trong những năm gần đây, phản ánh niềm tin của nhà đầu tư với Việt Nam", Thứ trưởng Thường trực Trần Xuân Hà nhận định.
Về tình hình hoạt động của doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016 -2020, trong đó có hoạt động cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, hoạt động thoái vốn, về sử dụng số thu từ cổ phần hóa thoái vốn, Thứ trưởng Hà nêu rõ: Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 đã và đang được triển khai về cơ bản đạt được nhiều kết quả khả quan hơn so với giai đoạn trước, tập trung vào tăng giá trị cổ phần hóa thay cho tăng số lượng. Việc đánh giá kết quả thực hiện cổ phần hóa là cần thiết để tìm ra nguyên nhân và có biện pháp phù hợp nhằm đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn tới, trong đó tập trung vào tháo gỡ vướng mắc về đất đai, hoàn thiện khung pháp lý, xử lý tình hình tài chính của doanh nghiệp...
Đề cập tới định hướng phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, ông Hà cho biết đã thông tin một số nội dung về chủ trương phát triển của Việt Nam. Cụ thể, phát triển nhanh dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng, năng suất lao động, hiệu quả cạnh tranh, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thông tin về các chỉ tiêu năm 2021 của Việt Nam, Thứ trưởng Hà đặt mục tiêu cho GDP là 6%; chỉ số CPI 4%; tốc độ tăng năng suất lao động ở mức 4,8%. Bội chi ngân sách nhà nước năm 2021 khoảng 4% GDP, nợ công không quá 60% GDP.
Bên cạnh đó, để ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế, nâng cao tiềm lực tài chính quốc gia, cải thiện hệ số tín nhiệm của Việt Nam, ông Hà cho biết Bộ Tài chính cùng các cơ quan liên quan sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ để thực hiện các giải pháp như: cải cách, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường, phát triển nhanh, hài hòa các khu vực kinh tế, loại hình doanh nghiệp, phát triển kinh tế tư nhân.
"Xây dựng cơ chế tự chủ, chủ động tích cực hội nhập, đa dạng hóa thị trường. Cải thiện chuỗi giá trị toàn cầu, tăng khả năng chống chọi với tác động lớn, bất thường bên ngoài. Củng cố quốc phòng, an ninh, đảm bảo trật tự, an ninh xã hội, phát huy tối đa nhân tố con người, phát triển nguồn nhân lực, là "đòn bẩy" góp phần nâng cao đời sống của người dân", Thứ trưởng Thường trực Trần Xuân Hà nhấn mạnh.