'Bão giá' giữa mùa dịch: Kẻ khóc, người cười
(DNTO) - Trước cú sốc Covid-19, giá lương thực toàn cầu tăng tháng thứ 11 liên tiếp và dự báo sẽ tiếp tục 'phi mã', mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, đường của Việt Nam. Trong khi đó, các ngành như sữa, dầu ăn, thức ăn chăn nuôi… lại gặp khó khi nguồn nguyên liệu chủ yếu phụ thuộc vào nhập khẩu.
Gạo, đường 'lên ngôi'
Theo Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), chỉ số giá lương thực trong tháng 4/2021 tiếp tục tăng 1,7% so với tháng 3/2021, lên mức 120,9 điểm, cao hơn 30,8% so với năm 2020. Đây cũng là mức tăng cao nhất kể từ tháng 5/2014. Nguồn cung bị gián đoạn, tỷ lệ dự trữ nông sản thấp và đồng USD suy yếu có thể là nguyên nhân khiến giá lương thực tăng cao gần đây. Xu hướng giá này dự kiến sẽ tiếp tục tăng do triển vọng mùa vụ năm 2021 bị ảnh hưởng do thời tiết bất lợi, và sự phục hồi nhanh hơn kỳ vọng tại Trung Quốc thúc đẩy nhu cầu về lương thực tăng cao.
Trong khi đó, tại Việt Nam, báo cáo phân tích của Công ty chứng khoán VNDirect chỉ ra rằng, giá gạo và đường đã tăng 18,6% theo giá lương thực thế giới. Đại dịch Covid-19 cũng buộc nhiều quốc gia phải tăng cường dự trữ lương thực, đặc biệt là gạo.
Nguồn cung đang có dấu hiệu thắt chặt ở các nước xuất khẩu gạo, và các nước nhập khẩu cũng đang đẩy mạnh nhập khẩu để dự phòng, đẩy giá gạo lên cao. Nhu cầu và giá bán cùng tăng được kỳ vọng sẽ giúp các công ty sản xuất gạo mở rộng biên lợi nhuận gộp trong thời gian tới đối với lượng hàng tồn kho giá thấp.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã được hưởng lợi từ diễn biến tăng giá gạo xuất khẩu. Điển hình như Công ty Trung An vừa "trúng mánh" bán 2 lô gạo lứt hạt dài cho thị trường Hàn Quốc, với tổng khối lượng trên 22.222 tấn. Công ty Trung An cho hay, đây là lần thứ 2 trúng thầu bán gạo cho Hàn Quốc kể từ đầu năm đến nay. Đáng chú ý, giá trúng thầu đều đạt mức cao, từ 570-580 USD/tấn.
Trong khi đó, tại Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời, dù doanh thu sụt giảm nhưng lợi nhuận vẫn tăng trưởng, giúp biên lợi nhuận của doanh nghiệp này tăng mạnh từ mức 3,84% năm 2019 lên 4,77% trong năm 2020. Cụ thể, doanh thu của Lộc Trời đạt 7.709 tỷ đồng, giảm gần 12% so với năm 2019. Tuy nhiên, các chi phí được kiểm soát tốt đã giúp công ty thu về 369 tỷ đồng lãi ròng trong năm 2020, tăng 10% so với năm 2019.
Trung An và Lộc Trời là 2 trong số những doanh nghiệp đã xuất khẩu gạo vào các thị trường khó tính nhờ sự đầu tư bài bản cho khâu canh tác để cho ra các sản phẩm gạo chất lượng cao. Trong năm 2020, ngay sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, hai doanh nghiệp này đã xuất khẩu gạo sang thị trường EU với mức giá cao và được hưởng thuế suất 0% theo hiệp định này.
Theo ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Lộc Trời, EVFTA chính là “đòn bẩy” để gạo Việt Nam thâm nhập hiệu quả vào các thị trường chất lượng cao, và Lộc Trời đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ nhiều năm để có thể tận dụng đòn bẩy này một cách hiệu quả nhất.
Cùng với sự tiến bộ trong đàm phán, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã được cải thiện rất nhiều, giúp cải thiện lợi nhuận của cả doanh nghiệp và người nông dân Việt Nam. Thông tin công bố của Lộc Trời cũng cho biết, đơn giá gạo xuất khẩu bình quân 3 tháng đầu năm 2021 đã tăng 18% so với cùng kỳ năm trước, đạt khoảng 540 USD/tấn.
Với ngành đường, giá đường trong nước cũng đã tăng 31,8% so với đầu năm. Các công ty sản xuất gạo và đường được kỳ vọng sẽ mở rộng biên lợi nhuận gộp trong giai đoạn tiếp theo. Trong đó, các doanh nghiệp trong ngành đường còn được hưởng lợi từ quyết định mới về thuế chống bán phá giá.
Tổ chức Đường quốc tế (ISO) dự báo thị trường đường thế giới trong niên vụ 2020 – 2021 sẽ chuyển từ tình trạng cung vượt cầu sang cung không đủ cầu, với mức thiếu hụt là 3,5 triệu tấn. Do vậy, giá đường thế giới sẽ tiếp tục xu hướng tăng trong năm 2021.
Với những tín hiệu tích cực từ thị trường và chính sách, cùng những nỗ lực vươn lên từ cả doanh nghiệp và nông dân, trong năm 2021, ngành mía đường Việt Nam được kỳ vọng sẽ từng bước khôi phục khi giá đường thế giới được dự báo sẽ duy trì ở mức cao do tình trạng cung không đủ cầu và mở ra triển vọng tăng cao vị thế cạnh tranh trên bản đồ mía đường quốc tế.
Thịt, sữa, dầu ăn "khốn đốn"
Trong khi các doanh nghiệp gạo, đường được hưởng lợi từ xu hướng tăng giá lương thực toàn cầu, các doanh nghiệp sản xuất sữa, thức ăn chăn nuôi, dầu ăn và thịt lại "đứng ngồi không yên" khi chi phí đầu vào cao hơn.
Hầu hết các doanh nghiệp tại Việt Nam phải nhập khẩu sữa bột, ngũ cốc và dầu để sản xuất sữa, thức ăn chăn nuôi và dầu ăn. Do đó, các nhà sản xuất này sẽ gặp phải thách thức về chi phí nguyên liệu đầu vào cao hơn. Giá thức ăn chăn nuôi tăng có ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất thịt, trong khi giá lợn hơi được dự báo sẽ giảm 19% vào năm 2021, so với mức cao trong giai đoạn dịch tả lợn châu Phi.
Cụ thể, tại Vinamilk, gần 70% nguyên liệu sữa tươi của doanh nghiệp này được nhập khẩu từ Mỹ, châu Âu và châu Đại Dương. Do đó, biên lợi nhuận gộp của Vinamilk sẽ bị ảnh hưởng do giá sữa bột toàn cầu tăng. Tuy nhiên, theo VNDirect, tác động của đợt tăng giá sẽ thể hiện rõ nét trên chi phí nguyên liệu của Vinamilk trong nửa cuối năm 2021 do công ty đã chốt giá sữa bột đến tháng 6/2021 từ cuối năm 2020 với mức giá gần như không đổi so với cùng kỳ năm trước.
Giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng đã tăng mạnh từ tháng 8/2020 với giá ngô tăng 45% và đậu tương tăng 50%. Nguyên nhân chính là do nhu cầu thức ăn chăn nuôi từ Trung Quốc tăng đột biến do quy mô đàn lợn tại nước này phục hồi trở lại sau dịch tả lợn châu Phi.
Theo ông Nguyễn Thanh Vương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân (Bình Định), nơi được mệnh danh là "vựa heo lớn nhất miền Trung", thì gia thức ăn chăn nuôi tăng cao đã khiến người chăn nuôi heo trên địa bàn mất đi khoản lãi khá lớn.
"Hiện giá heo siêu nạc trên địa bàn Hoài Ân đã hạ chỉ còn 68.000 đồng/kg hơi, trong khi giá mua 1 con giống heo siêu nạc cao đến 3,5 triệu đồng/con. Sau 5 tháng nuôi, 1 con heo ăn khoảng 2,5 triệu đồng tiền thức ăn, như vậy tổng chi phí đầu vào của một con heo cao đến 6 triệu đồng. Nếu con heo đạt trọng lượng 100kg hơi sẽ bán được 6,8 triệu đồng, người chăn nuôi chỉ còn lãi 800.000 đồng/con. Đó là chưa kể chi phí thuốc thú y, điện nước và công chăm sóc, nếu trừ thêm các khoản chi phí nói trên thì người chăn nuôi heo chỉ còn lãi khoảng 500.000 đồng/con. Trong khi trước đây, khi giá heo siêu nạc còn đứng ở mức gần 80.000 đồng/kg thì người chăn nuôi có lãi đến 2,5 triệu đồng/con", ông Vương chia sẻ.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thái Huy, chủ trang trại chăn nuôi 600 con lợn nái và 2.500 con lợn thịt ở huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh, cho rằng, việc tăng giá cám liên tục khiến lợi nhuận của người chăn nuôi còn lại không đáng là bao. Cụ thể, từ đầu năm đến nay giá cám của Công ty Cargill và Tập đoàn C.P đã tăng 6 lần, mỗi lần tăng từ 280 - 380 đồng/kg, tính ra mỗi tháng đàn lợn của trang trại "ăn" thêm gần 400 triệu đồng tiền cám so với cuối năm 2020.
“Bây giờ giá cám lợn, gà, vịt ở tất cả các công ty thức ăn chăn nuôi đều tăng. Ngoài ra, vaccine, hóa chất, nhân công cũng đội lên từ 20 - 25%, nếu người chăn nuôi tính toán không chi li thì khó mà có lời”, ông Huy khẳng định.
Trong khi đó, mức giá cao này được dự báo sẽ còn tiếp tục duy trì do nhu cầu sản xuất ở các nước sẽ phục hồi từ năm 2021. Do đó, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi như Dabaco và Công ty CP Masan MeatLife, sẽ bị ảnh hưởng do giá nguyên liệu đầu vào tăng không thể chuyển hết thành giá bán do còn phải cạnh tranh với các công ty nước ngoài khác. Thậm chí, giá thức ăn chăn nuôi tăng có thể ảnh hưởng tiêu cực tới mảng chăn nuôi lợn của Dabaco và Masan MeatLife do giá thịt lợn được dự báo sẽ giảm 19% trong năm 2021.