Bánh chưng gạo lứt hút khách
(DNTO) - Mặc dù đã được giới thiệu ra thị trường từ vài năm trước, nhưng phải đến dịp Tết năm nay, bánh chưng gạo lứt mới thực sự nhận được nhiều sự quan tâm từ người tiêu dùng, nhất là các bà nội trợ.
Theo chia sẻ từ những người chuyên bán bánh chưng gạo lứt, loại bánh này rất phù hợp cho những người ăn chay, ăn kiêng, bị tiểu đường, tim mạch, huyết áp hoặc người muốn duy trì cân nặng hay giảm cân mà vẫn được ăn bánh chưng khi sum vầy cùng gia đình trong ngày Tết.
Chị Nguyễn Kim Oanh chuyên nhận làm bánh chưng gạo lứt cho biết, sau 2 tuần bán thử bánh chưng gạo lứt, chị Oanh đã phải ngừng nhận đơn vì số lượng bánh được khách đặt rơi vào tình trạng quá tải.
“Do không thuê người làm nên ngày nào tôi cũng phải thức tới 1h sáng mới gói xong bánh và bắt đầu mang đi luộc. Đến hết ngày 20/1 tôi đã chính thức ngừng nhận thêm đơn đặt hàng để đảm bảo tiến độ giao bánh cho những khách đã đặt trước đó”, chị Oanh nói.
Đa số những đơn đặt hàng đến từ các công ty mua tặng đối tác với số lượng lớn. Tại một số cửa hàng vẫn nhận đơn, khi khách hàng muốn có được chiếc bánh ăn hoài không béo này phải đặt trước 3 - 5 ngày.
Chia sẻ trên Zing, Đại diện Be Fresco Việt Nam - một công ty chuyên cung cấp thực phẩm dinh dưỡng từ yến mạch tại TP.HCM - cũng cho biết chỉ sau vài ngày mở bán đã được đón nhận nhiệt tình.
Hiện doanh nghiệp đã chuẩn bị khoảng 1.000 chiếc bánh chưng gạo lứt đen để phục vụ các đối tượng khách lẻ và làm quà tặng biếu Tết cho một số công ty.
Thậm chí, một số cá nhân chuyên bán thực phẩm Tết với lượng người làm hạn chế còn phải ngừng nhận đơn hàng vì quá tải.
"Tôi đang tìm đặt bánh chưng gạo lứt đen để cúng vào rằm tháng Chạp này mà khó khăn quá. Phần vì đã sát ngày, nhiều nơi không còn nhận đơn; phần khác cũng lo ngại không biết chất lượng bánh đặt mua qua mạng như thế nào nên phải tìm hiểu rất kỹ trước khi chọn mua. Nếu bánh lần này ổn thì đến Tết, tôi sẽ đặt lại để đổi khẩu vị cho cả nhà", chị Minh Yến (sống tại quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết.
Bánh chưng được làm từ gạo lứt khi ăn sẽ ít tăng cân hơn so với gạo nếp nên được nhiều điểm cộng trong mắt chị em và những người ăn theo chế độ eat clean.
Hiện tại, chiếc bánh chưng được gói từ loại gạo này có giá từ 70.000 - 100.000 đồng, cao hơn bánh được gói từ gạo nếp gấp đôi.
Không chỉ có bánh chưng gạo lứt "lên ngôi" trong năm nay, chiếc bánh chưng trà xanh nhân cá hồi đã biến tấu toàn bộ phần nhân bên trong, màu xanh của bánh được tạo từ bột trà xanh cũng được khách hàng hưởng ứng không kém.
Gạo nếp sau khi ngâm qua đêm sẽ được trộn với bột trà xanh để tạo màu cho bánh, nhờ loại bột này mà nhân cá hồi cũng sẽ khử được vị tanh vốn có.
So với thịt lợn trong bánh truyền thống, nguyên liệu cá hồi của chiếc bánh Tết đặc biệt này đang có giá đắt hơn rất nhiều, từ 350.000 - 550.000 đồng/kg. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho mỗi cặp bánh đang được đề giá từ 580.000 đồng.
Theo chuyên gia dinh dưỡng Nguyễn Quỳnh Nga, gạo lứt có giá trị dinh dưỡng cao với vitamin B, chất chống ô xy hóa, chất xơ, việc dùng gạo lứt để gói bánh chưng sẽ cho ra thành phẩm có chất lượng tốt, phù hợp với những thực khách muốn ăn kiêng, hay đơn giản, những thực khách muốn thay đổi thói quen ăn uống cũng có thể lựa chọn bánh chưng gạo lứt trong những ngày Tết.