Bài 3: An sinh xã hội - Vấn đề cốt lõi đè lên hệ thống y tế công
(DNTO) - Con số 9.680 nhân viên y tế xin thôi việc, bỏ việc bắt nguồn từ nguyên nhân của tình trạng quá tải ở bệnh viện công và áp lực đối với nhân viên y tế công hiện nay, nhưng nếu nhìn vấn đề xa rộng hơn, chính là điều kiện an sinh xã hội còn nhiều bất cập.
Bài 1: Thêm chuyện “mất bò mới lo làm chuồng”
Bài 2: Y tế tư nhân “dọn cỗ” đón nhân tài?
Theo bài viết của TS. Nguyễn Tiến Hùng (Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư), qua hơn 35 năm đổi mới và phát triển đất nước, Việt Nam đã cơ bản xây dựng được một hệ thống an sinh xã hội đồng bộ nhưng vẫn còn một số hạn chế như: tư duy quản lý an sinh xã hội chưa theo kịp quá trình đôi mới, nặng cơ chế “xin-cho”, văn bản quy phạm pháp luật còn yếu; đội ngũ làm công tác an sinh xã hội còn thiếu và yếu, thiếu kỹ năng chuyên môn và chưa chuyên nghiệp; chất lượng dịch vụ an sinh xã hội chưa tốt, nhất là dịch vụ bảo hiểm, y tế…
Nhắc đến Bảo hiểm Y tế, Bộ Y tế cho rằng “giá dịch vụ y tế cho người có thẻ Bảo hiểm Y tế thấp vì chưa tính đủ các yếu tố cấu thành giá dịch vụ y tế, nên nguồn thu sự nghiệp của các đơn vị thấp”… là chưa hợp lý vì điều này nằm trong gói dịch vụ an sinh xã hội toàn dân. Việc cần làm chính là hệ thống quản lý và phân bổ nguồn lực y tế hiệu quả.
Nhìn sang các nước phát triển khác trên thế giới, lương của bác sĩ và giáo viên luôn đặc biệt cao. Điển hình như tại nước Anh, lương của bác sĩ chuyên khoa dao động ở mức 150.000 USD, còn lương bác sĩ đa khoa cũng tương đương khoảng 118.000 USD.
Nước Anh cũng là quốc gia hỗ trợ tài chính nhiều nhất cho sinh viên ngành Y. Hoặc như mức lương của bác sĩ tại Úc dao động khoảng 91.000 USD (đối với bác sĩ đa khoa) và 247.000 USD (đối với bác sĩ chuyên khoa).
Tại Mỹ, mức thu nhập trung bình một năm của giáo viên tiểu học có 15 năm kinh nghiệm là khoảng 62.101 USD, tại Đức sẽ dao động khoảng 80.407 USD.
(Theo TTO)
Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), an sinh xã hội bao gồm tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe và an ninh thu nhập, đặc biệt là liên quan đến người cao tuổi, thất nghiệp, ốm đau, khuyết tật, thương tật khi lao động, thai sản hay trường hợp mất đi người kiếm thu nhập chính, cũng như đối với gia đình có trẻ em. Tính trung bình, các nước chi 12,8% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho an sinh xã hội (không bao gồm y tế). Tuy nhiên, trong khi các nước có thu nhập cao chi 16,4% thì các nước có thu nhập thấp chỉ chi 1,1% GDP cho an sinh xã hội. Tại Việt Nam, mức chi an sinh xã hội năm 2022 được đề xuất dự kiến là 6-11%.
Trong ‘Báo cáo An sinh Xã hội Thế giới 2020 – 2022: Hệ thống an sinh xã hội trước ngã ba đường – vì một tương lai tốt đẹp hơn’ của ILO đề cập mối liên hệ giữa sự phát triển của những hệ thống an sinh xã hội và tác động của đại dịch Covid-19. Báo cáo cho biết khoảng cách trong đảm bảo tài chính (các khoản chi bổ sung để đảm bảo an sinh xã hội tối thiểu cho tất cả mọi người) đã tăng khoảng 30% kể từ khi khủng hoảng Covid-19 bùng phát.
Sự mất cân đối tài chính cho an sinh xã hội dẫn đến phản ứng tiêu cực. Môi trường sống, vấn đề dịch tễ, vệ sinh công cộng, nguồn nước sạch, đường xá, giao thông, thực phẩm, giáo dục hành vi con người… tác động trực tiếp lên toàn dân. Bệnh tật, tai nạn lao động, tội phạm… luôn tỉ lệ nghịch với các vấn đề an sinh xã hội. Tác động của Covid-19 làm sâu sắc thêm sự thiếu sót mang tính nền tảng trong hệ thống an sinh xã hội hiện nay. An sinh xã hội tốt không những giúp y tế và giáo dục tốt hơn, mà còn tạo ra sự bình đẳng lớn hơn, khiến các hệ thống kinh tế bền vững hơn.
Theo ông Guy Ryder, Tổng Giám đốc ILO: “Chúng ta phải công nhận rằng an sinh xã hội hiệu quả và toàn diện không chỉ cần thiết cho công bằng xã hội và làm việc thỏa mãn mà còn để tạo ra một tương lai có sức chống chịu”. Phải chăng hệ thống y tế công của chúng ta bị kiệt sức sau đại dịch Covid-19?
Bệnh tật và tai nạn, những việc đang đè lên bệnh viện công hiện nay, bắt nguồn từ những thứ chúng ta ăn vào, hít thở và ứng xử... Khi điều kiện sống không đảm bảo thì bệnh tật trong cộng đồng gia tăng là tất yếu. Sự chia tay của 9.680 nhân viên y tế khối công trong 18 tháng qua chỉ là phép thử trong một chuỗi phương trình phức tạp.
Bên cạnh việc thay đổi chính sách tiền lương cho đội ngũ y tế, thì việc hoàn thiện hệ thống luật pháp theo hướng tinh gọn, giảm chồng chéo; khuyến khích làm giàu chính đáng, xử lý nghiêm minh đối với các hành vi trục lợi bất chính, tham nhũng, buôn lậu, cấu kết, móc ngoặc hoặc trục lợi từ các ngoại ứng tiêu cực như gây ô nhiễm, phá hủy môi trường; nâng cao hiệu quả công tác quản lý, các bộ, ngành và địa phương; nâng cao nguồn lực an sinh xã hội cho các đối tượng yếu thế... được tiến hành đồng bộ, kịp thời sẽ nâng cao đời sống toàn dân, giảm thiểu bệnh tật, từ đó cũng kéo giảm áp lực đè nặng lên hệ thống y tế.