Ba nữ họa sĩ miền Bắc ra mắt làng tranh phương Nam
(DNTO) - Triễn lãm Chào Sài Gòn của ba nữ hoạ sĩ Ly Trần, Vương Linh, Hương Giang Hoàng khai mạc vào chiều 24/11 tại Nguyen's Art Garden (37 đường 103, phường Thạnh Mỹ Lợi, Thủ Đức), được ví như một mảnh ghép quê hương được hoàn thiện trong mắt ba người đẹp.
Họa sĩ Ly Trần cho biết: “Trở về Việt Nam năm 2023 sau hơn 20 năm sống ở nước ngoài là một điều gì đó để tôi tìm lại những mảnh ghép còn thiếu trong con người mình. Và dường như tôi đã tìm thấy. Triển lãm Chào Sài Gòn là lời chào từ trái tim tôi đến miền Nam thân thương, đây cũng là lời chào của tôi với Việt Nam sau gần một năm được chào đón, yêu thương.
Tôi đem đến Chào Sài Gòn chủ yếu là những tác phẩm mới nhất, sáng tác năm 2023 tại Việt Nam và một tác phẩm duy nhất mang từ Mỹ về là Hoa sa mạc, sáng tác năm 2020, đánh dấu quyết định từ bỏ kinh doanh trở về với con đường làm nghệ thuật. Với triển lãm Chào Sài Gòn, tôi có 2 người em - 2 họa sĩ Vương Linh và Hương Giang Hoàng đồng hành. Linh và Giang là hai trong những họa sĩ đầu tiên tôi quen khi trở lại Việt Nam.
Với tấm lòng đẹp đẽ, các em đã giúp tôi rất nhiều trong quá trình thực hiện triển lãm cá nhân Đa sắc vào tháng 6/2023 tại Hà Nội. Khi biết tôi có ý định tổ chức triển lãm thứ hai tại Sài Gòn, các em đã quyết định đồng hành. Ba nữ họa sĩ với ba phong cách và màu sắc khác biệt mong muốn đem đến cho giới nghệ thuật Sài Gòn một làn gió mới vào dịp cuối năm”.
Điểm chung trong các tác phẩm của họ chính là nét nữ tính, màu sắc tươi trẻ, sự lãng mạn, dù 3 tính cách, 3 phong cách khác nhau. Họ chung một niềm đam mê vẽ, khao khát yêu và được yêu. Hình như ai cũng có những tâm sự riêng, vừa bí ẩn vừa quyến rũ, lúc nhẹ nhàng nhưng cũng có lúc dữ dội.
Tranh của Ly Trần thiên nhiều về tinh thần biểu hiện, như là cuộc độc thoại của người đàn bà tuổi 40, không còn tự hỏi, mà đã khẳng định một bản thể nữ. “Vẽ gì cũng là tự họa” - Trịnh Lữ quan niệm như vậy. Quan niệm này có vẻ rất hợp với bộ tranh mới của Ly Trần, bởi đây cũng chính là một tự họa đầy tự tin của nữ họa sĩ này.
Là một người sinh ra và lớn lên tại Việt Nam, học tập tại Nga, sinh sống tại Mỹ, đã cho Ly Trần có cơ hội sống, du lịch ở nhiều quốc gia, được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa. Ly Trần bắt đầu vẽ khi còn là một cô bé. Niềm đam mê hội họa của chị thực sự bùng phát vào năm 2001 khi chị chuyển đến Moscow để học ngành thiết kế công nghiệp.
Bảy năm học với những buổi học hội hoạ, hình hoạ, graphic, điêu khắc, nhiếp ảnh... đã gieo vào trong Ly Trần tình yêu với nghệ thuật. Biến hội hoạ trở thành một phần đời sống của chị. Năm 2010, Ly Trần cùng gia đình chuyển sang Mỹ định cư ở khu vực Washington D.C.
Năm 2020 là một năm đầy biến động với toàn thế giới, đặc biệt là với nước Mỹ. Chính thời gian này cũng là một bước ngoặt đối với Ly Trần. Chị có thời gian nhìn lại những điều mình thích và đam mê. Ly Trần đã quyết định kết thúc tất cả những công việc kinh doanh để dành toàn thời gian trở lại với hội hoạ. Các tác phẩm nghệ thuật của Ly Trần được lấy cảm hứng từ bất cứ điều gì đem lại cảm xúc cho cô. Từ những chủ đề hữu hình như hoa, phong cảnh, con người, động vật… cho đến những khái niệm vô hình như sự cân bằng, vòng đời, tình yêu…
Là một người yêu thích nghệ thuật đường phố graffiti, Ly Trần thích cuộc chơi với những màu sắc. Chị thường kết hợp trường phái ấn tượng (impressionism) và trường phái biểu hiện (expressionism) với cảm xúc để tạo ra tác phẩm của mình. Yêu thích sơn dầu nhưng Ly Trần cũng sử dụng thành thạo nhiều chất liệu khác, như sơn mài, chất liệu tổng hợp…
Tranh của Vương Linh, mảng phong cảnh, thiên hẳn về tinh thần ấn tượng, có sự man mác, buồn vương, nhưng không bi lụy. Ở đó, con người vắng bóng, những cái gì thuộc về con người - như ngôi nhà, cổng ngõ - nhỏ bé trước thiên nhiên. Mỗi bức tranh có một bảng màu chủ đạo, như ngụ ý về mùa, hoặc tâm trạng của người quan sát.
Vương Linh quan niệm: “Công việc sáng tác của tôi về thực chất là tôi đi tìm cái đẹp lý tưởng trong thế giới hiện đại. Có lẽ về lý thuyết cái đẹp cổ điển nằm trong khái niệm chân- thiện- mỹ đã tồn tại lâu đời trong hội họa nói riêng và các nghệ thuật khác nói chung. Tôi ý thức được rằng cái đẹp lý tưởng ấy càng ngày càng khó tìm hơn và khó hơn nữa là thể hiện như thế nào bằng quan niệm và bút pháp của cá nhân mình.
Có thể tôi là người hay mộng mơ, nên tôi đi tìm cái đẹp trong giấc mơ… Tôi đi tìm cái đẹp ở xung quanh tôi, ở những gì tôi bắt gặp hoặc phát hiện, thậm chí cả ở trong những nỗi buồn, thất vọng… Trên con đường nghệ thuật đi tìm kiếm cái đẹp đó, tôi biết chắc chắn chẳng dễ dàng gì, nhưng đấy lại là nguồn cảm hứng tạo ra năng lượng giúp tôi tiến bước và tới đích của cuộc đời”.
Hương Giang Hoàng dành nhiều tình cảm với hoa, không chỉ ở khía cạnh cảm xúc, mà còn là sự tỉnh thức, sự tịnh tâm. Tuy vẽ thiên về tả thực, nhưng là một tả thực - biểu hiện. Xem những bức hoa như Cúc hoa tịnh độ, Liên hoa tịnh độ… có thể thấy rõ điều này. Chợt nhớ mấy câu trong bài thơ Cúc đỏ của Nguyễn Trãi: “Cõi đông còn thức, xạ cho hương/ Tạo hóa sinh thành khác đấng thường/ Chuốt lòng đơn chăng bén tục/ Bề tiết ngọc kể chi sương”.