'Áp lực tỷ giá sẽ cao nhất trong quý 3, sau đó sẽ giảm dần'
(DNTO) - Trong xu thế đi ngược của chính sách tiền tệ trong nước, áp lực tỷ giá được cho là sẽ cao nhất trong quý 3 năm nay, tuy nhiên sau đó sẽ giảm dần và không quá áp lực cho cả năm 2023.
Ngày 5/7, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã công bố tỷ giá trung tâm ở mức 23.813 đồng/USD, con số này đã tăng 9 đồng so với ngày 4/7. Giá USD tại các ngân hàng thương mại tiếp tục tăng mạnh và vượt mức 23.900 đồng.
Trong những ngày gần đây, giá USD tại các ngân hàng liên tục tăng lên, mức tăng tương đương khoảng gần 1%, khiến tỷ giá có diễn biến tăng trở lại, VND đứng trước sức ép mất giá so với USD.
Theo phân tích của BVSC, nguyên nhân diễn biến trên đến từ việc chỉ số DXY (chỉ số đo sức mạnh đồng USD) tăng lên trước rủi ro Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tiếp tục nâng lãi suất.
Thực tế, tính đến thời điểm đầu tháng 6, tỷ giá USD/VND đã giảm khoảng 0,52% so với đầu năm. Đồng VND vẫn tương đối khoẻ, ổn định hơn nhiều so với năm 2022, nhờ nguồn cung ngoại tệ đến từ thặng dư cán cân thương mại, dòng vốn FDI, sự hồi phục du lịch quốc tế và một phần nhờ đồng USD yếu đi.
Trong góc nhìn rộng hơn đến cuối năm nay, theo góc nhìn của nhiều chuyên gia, áp lực tỷ giá được cho vẫn không đáng lo ngại, dù trong bối cảnh các ngân hàng trung ương thế giới đang khá cẩn trọng với chính sách tiền tệ, Fed khả năng vẫn còn "diều hâu" trong các quyết định của mình.
Kinh tế trưởng của SSI Research Phạm Lưu Hưng nhận định, 6 tháng đầu năm tiền đồng đã rất khoẻ, tuy nhiên từ quý 3, áp lực tỷ giá sẽ lớn.
"Chính sách tiền tệ trong nước đang ngược hướng với thế giới, áp lực lên tỷ giá từ quý 3 sẽ nhiều hơn. Tuy nhiên, nhìn lại các năm trước đây, thường quý 3 sẽ áp lực hơn nhiều các quý còn lại của năm. Hiện tại, điểm mạnh của Việt Nam là thặng dư thương mại lớn, dự trữ ngoại hối tăng, theo đó xu hướng tỷ giá có thể yếu nhưng quý 4 có thể hồi", ông phân tích. Theo đó, áp lực tỷ giá không thể quá nhiều trong năm 2023.
Hiện lãi suất điều hành đã giảm khá phù hợp. Quan trọng nhất vẫn là các doanh nghiệp tận dụng thế nào để phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.
"Lãi suất điều hành không nhất thiết phải giảm tiếp trong quý 3, thậm chí có thể sang quý 4 cũng được", ông Hưng cho biết.
Ở một góc nhìn khác, các chuyên gia của Công ty TNHH Chứng khoán Maybank (MSVN) lại cho biết, họ kỳ vọng phía NHNN sẽ hạ trần lãi suất huy động thêm 25 điểm cơ bản trong vòng ba tháng tới trong khi các chỉ tiêu lãi suất khác có thể giữ nguyên. Khi đó, đây sẽ là chìa khóa để nhận định về áp lực tỷ giá trong nước. VND được nhận định sẽ giữ đà tăng tốt.
"Tiền đồng có khả năng phục hồi trong vài tháng tới có thể khiến NHNN mất nhiều thời gian hơn để hạ lãi suất. Chúng tôi dự kiến tỷ giá USD/VND sẽ giảm dần xuống 23.400 vào cuối năm 2023 và 23.000 vào cuối năm 2024", MSVN nhận định.
Quan điểm của MSVN là nhiều chỉ tiêu vĩ mô đang khá yếu như xuất khẩu, tiêu dùng, bất động sản... Khó khăn của nền kinh tế vẫn còn khá dai dẳng, trong khi lạm phát vẫn ở dưới mức mục tiêu. Tuy nhiên, điểm tích cực là việc đẩy mạnh đầu tư công tăng cường cơ sở hạ tầng cũng như các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ, tiêu biểu như cắt giảm thuế VAT, sẽ hỗ trợ nền kinh tế.
Theo góc nhìn của VNDirect, tỷ giá sẽ còn biến động trong nửa cuối năm. VNDirect kỳ vọng, mức biến động sẽ không quá +/- 2% so với đầu năm, cùng đó lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 12 tháng sẽ giảm xuống mức 6,0-6,5%/năm vào cuối năm.
Dù vậy, các yếu tố như lạm phát toàn cầu có thể tăng cao; chỉ số DXY mạnh hơn có thể sẽ phải tính đến khi nói về tỷ giá năm 2023.