'Áp lực của việc Fed tăng lãi suất với thị trường chứng khoán là không lớn'
(DNTO) - Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản (0,25%), mức cao nhất trong 22 năm qua. Dù vậy, đây cũng không phải là vấn đề đáng ngại với thị trường trong nước. Đó là nhận định của ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng Chứng khoán SSI tại chương trình "Bí mật đồng tiền".
Tính đến phiên giao dịch ngày hôm nay, 26/7, chỉ số VN-Index đã chính thức vượt mốc 1.200 điểm. Như vậy kể từ mốc điểm 1.125 phiên đầu tháng, VN-Index đã tăng hơn 6,5%, hầu hết các phiên đều nhuộm sắc xanh tích cực.
Thanh khoản thị trường và số lượng cổ phiếu giao dịch đã được cải thiện tích cực. Sàn HoSE liên tục có nhiều phiên đạt trên 20 ngàn tỷ đồng giá trị giao dịch, với lượng cổ phiếu luôn trên 1 tỷ đơn vị. Đà hưng phấn của thị trường chứng khoán đang được thể hiện khá rõ nét.
Tuần này, nhiều thông tin mới đến với chứng khoán trong nước. Đáng chú ý, Fed sẽ tiết lộ thông tin về quyết định lãi suất tháng 7 trong cuộc họp chuẩn bị diễn ra. Đồng thời, việc cơ quan này có tăng lãi tiếp trong năm nay hay không cũng sẽ được dự đoán phần nào ở phát biểu của Chủ tịch Fed, Jerome Powell.
Dù vậy, thông tin Fed tăng lãi suất được dự báo sẽ ít tác động đến thị trường trong nước. Theo nhận định của ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng Chứng khoán SSI tại chương trình "Bí mật đồng tiền", không phải quyết định của Fed mà các thông tin liên quan đến tình hình xuất khẩu gạo, vấn đề an ninh lương thực mới là điều sẽ tác động đến thị trường.
"Một điểm thị trường cần quan tâm lúc này không phải là quyết định lãi suất của Fed mà là các thông tin như việc Nga dừng thoả thuận ngũ cốc biển đen, Ấn Độ ngừng xuất khẩu gạo", ông Hưng cho biết.
Nếu tại Mỹ, vấn đề lạm phát lõi được quan tâm thì với Việt Nam nên quan tâm đến lạm phát tổng thể bởi các mặt hàng lương thực, thực phẩm được tiêu thụ với một tỷ lệ lớn. Trong trường hợp các mặt hàng lương thực, thực phẩm trải qua chu kỳ tăng giá ngắn hạn thì việc ảnh hưởng đến lạm phát là có thể xảy ra. Khi đó ngay cả việc tiếp tục giảm lãi suất nữa hay không cũng cần quan sát thêm. Và điều này khả năng sẽ tác động tới chứng khoán trong nước.
"Nếu Fed tiếp tục tăng lãi suất, có thể lần cuối trong năm, áp lực với tỷ giá là có. Tuy nhiên xét trong ngắn hạn áp lực với tỷ giá đã giảm. Hiện, dòng kiều hối đang gia tăng, cán cân thương mại trong tháng 7 khả năng vẫn dương... Do đó nếu đây là đợt tăng cuối thì áp lực với chúng ta không còn nhiều", ông Hưng cho biết.
Nói về thị trường hiện tại, Kinh tế trưởng của SSI cho biết, mốc 1.200 điểm theo quan sát của ông chỉ là mốc tâm lý. "Nếu nhìn trong thời gian dài 5 năm qua, PE trung bình đang cao hơn định giá 1.200 điểm nên mốc 1.200 điểm không phải mốc cao", ông chia sẻ.
Cũng theo ông, khi thị trường tăng nhiều và có vẻ nhanh hơn đà tăng kinh doanh của doanh nghiệp thì cũng khó tánh khỏi sự điều chỉnh. Dù vậy, điểm tích cực là nhiều nhà đầu tư đang đứng ngoài quan sát nhiều nên "ngay cả khi thì trường điều chỉnh vẫn có nhiều người muốn nhảy vào tham gia".