Ấn Độ ngừng xuất khẩu gạo, cổ phiếu ngành lương thực lại gây sốt
(DNTO) - Loạt cổ phiếu của các doanh nghiệp lương thực bất ngờ tăng 'bốc đầu' sau thông tin Ấn Độ ngừng xuất khẩu gạo thời gian tới.
Tuần qua, Ấn Độ đã ra thông báo về việc cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo trắng thường (phi Basmati). Là một nước có lượng gạo xuất khẩu chiếm khoảng 40% thị phần toàn cầu, thông tin trên được cho là một tín hiệu tốt với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước. Dòng tiền nhanh chóng đổ dồn về nhóm cổ phiếu của các doanh nghiệp lương thực để tìm cơ hội.
Mã LTG của Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời tăng gần 8% trong phiên hôm nay, ngày 24/7, chốt tại 38.000 đồng/cp. Mã PAN của Công ty cổ phần Tập đoàn PAN tăng 6,5%, dừng tại 22.900 đồng/cp. Mã BLT của Công ty cổ phần Lương thực Bình Định tăng hơn 11,4%, cuối phiên có thị giá 39.000 đồng/cp. NSC của Công ty cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam tăng 3,3% giữ giá 74.900 đồng/cp. Mã LAF của Công ty cổ phần Chế biến hàng Xuất khẩu Long An tăng 2%.
Trong khi đó, cổ phiếu TAR của Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An tăng kịch trần gần 10% với 20.100 đồng/cp. Mã VSF của Tổng Công ty Lương thực Miền Nam cũng tăng kịch trần 15% với mức giá 9.200 đồg/cp.
Việt Nam là thị trường xuất khẩu gạo lớn trên thế giới. Việc Ấn Độ ngừng xuất khẩu gạo có thể góp phần đẩy giá gạo lên cao khi nguồn cung bị thu hẹp lại và điều này cũng có nghĩa gạo Việt Nam sẽ đứng trước nhiều thuận lợi tuy nhiên cũng không ít thách thức.
Cơ hội nào cho các doanh nghiệp?
Thực tế Ấn Độ tạm dừng xuất khẩu gạo, cộng thêm các yếu tố như hiện tượng El Nino gây tác động lên sản lượng canh tác trên quy mô toàn cầu; trên thế giới ngày 17/7/2023, Nga tuyến bố rút khỏi Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen, vốn cho phép các tàu vận chuyển lương thực qua khu vực bị phong tỏa trên Biển Đen... đang khiến nguy cơ về sự bất cân xứng về cung - cầu lương thực trên thế giới đang lớn hơn.
Tuy nhiên, nguồn cung trong nước được khá hạn chế. Sản lượng gạo khả năng đang bị chững lại do "chi phí đầu tư cao do giá đầu vào tăng mạnh trong Covid-19; tốc độ đô thị hóa và giá đất tăng nhanh gây suy giảm diện tích canh tác và diễn thời tiết bất lợi cũng đem lại tác động suy giảm sản lượng mạnh", theo Chứng khoán TPS nhận định.
Tác động lãi vay có thể vẫn còn rõ nét với các doanh nghiệp khi mức sử dụng đòn bẫy tài chính cao. Hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp còn chịu sự biến động lớn theo các yếu tố như chu kì mùa vụ; trữ lượng hàng tồn kho; và ngoài ra là các yếu tố khác như trích lập dự phòng.
Thách thức với các doanh nghiệp không phải là nhỏ. Cơ hội với nhóm cổ phiếu này bao gồm cả khó khăn và thuận lợi đan xen.
TPS cho hay, yếu tố định giá của các cổ phiếu trong ngành đang có sự phân hoá. Mức P/E trượt của LTG và TAR lên cao so với mức trung vị 5 năm, trong khi đó PAN và NSC hiện đang giao dịch ở vùng chiết khấu so với mặt bằng định giá lịch sử.
"Chúng tôi kì vọng khoảng cách về định giá sẽ được thu hẹp về mức ngang bằng trong thời gian tới trong bối cảnh ngành đang có những chuyển biến tích cực trong một xu hướng dài hạn", TPS nhận định.
Theo ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc phân tích đầu tư Công ty cổ phần chứng khoán Smart Invest, phân tích, hiện các dự báo đưa ra khả năng giá gạo sẽ tăng, có thể lặp lại chu kỳ giá 800-1.000 đô la/tấn giai đoạn 10 năm trước. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng được hưởng lợi như mong muốn.
"Trong lúc dòng tiền đầu cơ kích hoạt nhà đầu tư cần cảnh giác một chút. Nhà đầu tư cần tránh FOMO để không rủi ro và nếu tham gia thì cần cắt lỗ dứt khoát nếu có 'biến'", ông cho biết.
Tính đến thời điểm hiện tại, kết quả kinh doanh quý 2 của các doanh nghiệp mới đang dần hé lộ. Công ty cổ phần Chế biến hàng Xuất khẩu Long An, một trong những doanh nghiệp ngành gạo, sớm công bố bức tranh kinh doanh quý.
Theo đó, LAF ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận lần lượt đạt 133 tỷ đồng và 7 tỷ đồng, tương ứng tăng 34% và 88% so với cùng kỳ năm ngoái và tương ứng với mức tăng 77% và 150% so với quý 1 vừa qua. LAF cho hay, áp lực lớn từ chi phí lãi vay đã giảm bớt cùng đó sản lượng tiêu thụ tăng đã hỗ trợ tích cực cho đà tăng trưởng của doanh nghiệp.